Chuyển mạng giữ số: Kẻ mừng, người lo
Các khách hàng tìm hiểu dịch vụ tại một nhà mạng. |
Theo thông tin các nhà mạng di động lớn, sau hai tuần triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số, mỗi nhà mạng có khoảng 1.000 thuê bao tham gia. Như vậy cả thị trường viễn thông di động chưa có nhiều khách thuê bao sử dụng dịch vụ này. Theo số liệu của Cục Viễn thông, ngày đầu tiên dịch vụ chuyển mạng giữ số được ba nhà mạng lớn VinaPhone, MobiFone, Viettel cung cấp, chỉ có 266 khách thuê bao chuyển mạng giữ nguyên số. Cơ quan này cho biết cần phải có thời gian mới có thể đánh giá số phần trăm trong 120 triệu thuê bao di động tại Việt Nam tham gia sử dụng dịch vụ này.
Chưa thể dự báo tỷ lệ khách thuê bao chuyển mạng giữ số
Theo ông Phạm Hồng Hải, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, theo kinh nghiệm quốc tế khi chính sách chuyển mạng giữ số được áp dụng tại các quốc gia, tỷ lệ khách thuê bao chuyển mạng trung bình trên thế giới là khoảng dưới 5%. Ông Nguyễn Trường Giang, Phó tổng giám đốc VinaPhone, cho biết chính sách chuyển mạng giữ số sẽ có tác động đối với các nhà mạng nhưng cho rằng chưa ai có thể dự báo được tỷ lệ chuyển mạng ở Việt Nam là bao nhiêu và cần phải có thêm thời gian để thực hiện điều này.
Các chuyên gia lý giải rằng số lượng khách thuê bao sử dụng dịch vụ chuyển mạng giữ số chưa nhiều có thể do dịch vụ này mới chỉ được triển khai với các thuê bao trả sau, chiếm khoảng 5% tổng số khách thuê bao di động tại Việt Nam và là đối tượng khách hàng ổn định “chung thủy” hơn nhóm khách hàng dùng dịch vụ trả trước. Dự kiến, ba tháng sau khi khách thuê bao trả sau được chuyển mạng giữ số mới đến lượt các thuê bao trả trước được sử dụng dịch vụ này. Lúc đó, tỷ lệ thay đổi có thể sẽ cao vì khách thuê bao trả trước không chỉ chiếm tỷ lệ lớn trên tổng số khách thuê bao của các nhà mạng mà còn là đối tượng trước đây hay thay đổi thẻ sim số theo các chương trình khuyến mãi của các nhà mạng.
Mặc dù chưa có nhiều chủ thuê bao trả sau thay đổi nhà mạng, Cục Viễn thông cho rằng, việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường viễn thông, khiến thị trường cạnh tranh hơn.
Các chủ thuê bao di động sẽ được lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình trong khi vẫn giữ được số điện thoại, xóa bỏ rào cản phải thay số điện thoại mới khi chuyển qua sử dụng mạng di động mới, gây rắc rối trong công việc và sinh hoạt. Đây cũng là động lực cho các doanh nghiệp viễn thông tăng cường năng lực cạnh tranh của mình bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, chăm sóc khách hàng, nhất là những khách hàng lâu năm đã gắn bó với mình. “Đây có thể xem là một kênh phát triển thuê bao trong bối cảnh thị trường viễn thông di động đang dần bão hòa,” ông Hải nói.
Thách thức cho VinaPhone, MobiFone
Ông Giang từ VinaPhone cho biết mục tiêu hàng đầu của nhà mạng này hiện nay là phục vụ khách hàng bằng chất lượng bởi vì nếu khách hàng không hài lòng thì họ sẽ chuyển sang sử dụng dịch vụ của nhà mạng khác. Đây là cơ hội để các nhà mạng hoàn thiện chất lượng dịch vụ của mình.
Nhằm chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh chuyển mạng giữ số, từ đầu tháng 8 vừa qua, VinaPhone đưa ra chương trình tặng 10% cước trên hóa đơn trong vòng một năm nếu khách hàng đăng ký sử dụng ba năm thuê bao trả sau. Đây được xem là một trong những cách thức của VinaPhone để giữ chân khách hàng trung thành ở lại mạng di động của mình.
Ông Giang cho biết chính sách chuyển mạng giữ số mang lại cơ hội cũng như thách thức cho VinaPhone. “Để chuẩn bị cho việc này, trong thời gian qua, VinaPhone đã không ngừng nâng cấp chất lượng mạng 3G/4G, cải tiến các chương trình chăm sóc khách hàng, đa dạng hóa gói cước với nhiều ưu đãi phù hợp với từng nhóm khách hàng nhằm mang đến cho khách hàng trải nghiệm ngày một tốt hơn”, ông nói và cho biết VinaPhone hy vọng rằng, những thay đổi tích cực của trên sẽ đem đến sự hài lòng cho khách hàng.
Theo kế hoạch, trong năm 2019, VinaPhone thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn Thông Việt Nam (VNPT) sẽ phủ sóng 4G tới 95% dân số và tập trung phủ sóng vào các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. VinaPhone đặt mục tiêu phải đảm bảo phủ sóng 4G chất lượng tốt tại các khu vực dân cư. VNPT sẽ đầu tư để có vùng phủ sóng mạng 4G rộng như mạng 3G hiện nay vì người dùng dịch vụ không chỉ quan tâm đến 3G và 4G mà sẽ còn quan tâm đến chất lượng dịch vụ.
Đến nay, VinaPhone đã đầu tư hơn 21.000 trạm phát sóng 4G và đến năm 2019 số trạm sẽ đạt trên 30.000.
Để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh chuyển mạng giữ nguyên số, MobiFone đã đưa ra nhiều gói cước, chương trình nhằm thu hút khách hàng, trong đó có gói cước trả sau MobiF miễn phí cước thuê bao hàng tháng, tăng hơn 6 lần dung lượng 3G/4G, mà giá cước không đổi so với trước. Cùng với đó, MobiFone cũng đã giảm mạnh cước chuyển vùng quốc tế với mức giảm lên đến 99,9% đối với cước dữ liệu và đến 77% đối với dịch vụ thoại, nhắn tin.
MobiFone cũng đã cá thể hóa các gói cước dịch vụ theo nhu cầu của các cộng đồng. Với doanh nhân, MobiFone có gói cước VIP, S Class kèm theo những ưu đãi lớn về gọi nội mạng, liên mạng, lưu lượng data và chuyển vùng quốc tế… Với nhân viên văn phòng yêu thích sự giải trí, nhà mạng có gói Film+ hay Iflix cung cấp những bộ phim bom tấn chất lượng cao với mức phí 10.000 đồng/ngày. Trong khi đó, nông dân được cung cấp gói sản phẩm vùng với mức cước ưu đãi.
Nhằm giúp các gia đình có thể quản lý sử dụng điện thoại cũng như kiểm soát sự truy cập Internet của trẻ nhỏ, MobiFone đã tung ra gói mFamily giúp việc quản lý hạn mức thoại, dữ liệu cho từng thành viên trong gia đình, tiết kiệm lên đến 30% cước thoại so với các gói cước thông thường. Bên cạnh đó, MobiFone cung cấp dịch vụ Internet băng thông rộng di động WTTx với mức 100.000 đồng/tháng, cho phép cả gia đình kết nối được với mạng Internet tốc độ cao.
Việc chuyển mạng giữ nguyên số sẽ giúp các chủ thuê bao di động được lựa chọn nhà mạng cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu trong khi vẫn giữ được số điện thoại của mình. Ảnh: Nhân Tâm
Viettel thể hiện sự tự tin
Việc chuyển mạng giữ nguyên số sẽ giúp các chủ thuê bao di động được lựa chọn nhà mạng cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu trong khi vẫn giữ được số điện thoại của mình. Ảnh: Nhân Tâm |
Trong ba nhà mạng lớn tham gia dịch vụ chuyển mạng giữ số, Viettel có vẻ tự tin nhất trong cuộc chơi này nhờ có lợi thế là đã đầu tư mạng di động tại nhiều nước trên thế giới. Điều này sẽ giúp Viettel áp dụng mức cước gọi quốc tế như gọi trong nước với các quốc gia châu Á mà nhà mạng này đã đầu tư, bao gồm Myanmar, Campuchia, Lào, Đông Timor. Nghĩa là khách thuê bao Viettel có thể gọi cho người thân, bạn bè – những người đang sử dụng dịch vụ do Viettel đầu tư tại các nước này, hoặc các chủ thuê bao Viettel đi du lịch các nước này gọi về trong nước chỉ phải trả cước cuộc gọi trong nước. Thêm vào đó, Viettel cũng nhận làm thủ tục chuyển mạng giữ số cho khách hàng tại nhà với mức phí bằng với mức áp dụng chung của các nhà mạng là 60.000 đồng.
Trước đây, Viettel đã được người dùng công nhận là nhà mạng Việt Nam có vùng phủ sóng rộng nhất cả trong và ngoài nước. Mới đây Viettel đã công bố thông tin là nhà mạng có tốc độ nhanh nhất Việt Nam dựa trên sự thống kê của Speedtest, đơn vị về đo kiểm tốc độ Internet của thế giới chứng nhận. Sự thống kê này được thực hiện dựa trên 1,61 triệu kết quả do người dùng tại Việt Nam sử dụng Speedtest trong sáu tháng đầu năm 2018. Cũng theo số liệu Speedtest, mạng di động Viettel chiếm vị trí hàng đầu về tốc độ trong suốt ba năm gần đây. Cụ thể, mạng Viettel đạt tốc độ trung bình tải xuống/tải lên (download/upload) tương ứng là 28,22 và 13,56 Mb/giây, tương đương với 26,21 điểm Speed Score theo tiêu chuẩn do Ookla thiết lập. Điểm Speed Score này không chỉ cao nhất trong các nhà mạng tại Việt Nam mà còn cao hơn so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan (14,65), Philippines (14,98), hay Ấn Độ (10,14), Nga (21,79).
Hiện tại, Viettel là nhà mạng có hạ tầng phát triển rộng nhất tại thị trường Việt Nam với hơn 100.000 trạm 2G, 3G, 4G phủ tới hơn 95% dân số cả vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đối với mạng 4G, Viettel có hơn 37.000 trạm BTS sử dụng công nghệ 4T4R (4 trạm phát, 4 trạm thu) hiện đại nhất thế giới. Do vậy, Viettel tự tin xem việc chuyển mạng giữ số là cơ hội cho nhà mạng thu hút thêm khách hàng bởi các cuộc khảo sát được thực hiện trên các diễn đàn, các kênh mạng xã hội, báo chí, YouTube cho thấy Viettel đang đứng đầu danh sách các nhà mạng có mức độ hài lòng của người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ. Theo đó, có gần 40% số khách hàng của các nhà mạng khác mong muốn được chuyển sang sử dụng dịch vụ của Viettel để tận dụng ưu điểm về hạ tầng mạng (sóng) rộng khắp cả trong và ngoài nước.
Hiện nay, số thuê bao của Viettel bằng số thuê bao của VinaPhone và MobiFone cộng lại. Viettel cho rằng các nhà mạng lớn vẫn có thể tăng mức thị phần từ chuyển mạng giữ số sau khi đã nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài. Tại Tây Ban Nha, sau năm năm triển khai dịch vụ này, Vodafone có 105.000 thuê bao chuyển ra nhưng có 129.000 thuê bao chuyển vào, tăng 24.000 thuê bao. Tại Ấn Độ, mạng Airtel tăng 38 triệu thuê bao, Vodafone tăng 44 triệu thuê bao.
Viettel cũng cho hay mạng Bitel do Viettel đầu tư tại Peru đã thành công với dịch vụ chuyển mạng giữ số. Do đó Viettel đã có được kinh nghiệm để thu hút khách hàng.
Theo Viettel, dịch vụ chuyển mạng giữ số được áp dụng tại Peru từ năm 2010, cùng thời điểm mạng Bitel ra mắt.
Lúc đó thị trường di động tại quốc gia Nam Mỹ này đã bão hòa với mật độ sử dụng dịch vụ di động gần đạt ngưỡng 100% dân số. Do Bitel xem việc chuyển mạng giữ số là một cơ hội để thu hút khách hàng mới nên đã khảo sát để biết được những mong muốn của khách khi lựa chọn nhà mạng và đã đưa ra những chính sách để đáp ứng nhu cầu này. Viettel cho biết chỉ riêng trong tháng 9 vừa qua, tổng thuê bao tăng mới của Bitel tại Peru nhờ chuyển mạng giữ số đạt gần 30.000, gấp gần 30 lần mạng Movistar (chỉ tăng 950 thuê bao) và gấp 4 lần Claro (tăng 6.974 thuê bao).
Mặc dù Viettel thể hiện sự tự tin trong cuộc cạnh tranh chuyển mạng giữ số, nhưng giới chuyên gia cho rằng kết quả thế nào thì phải cần thêm thời gian tới và sự thành công của các nhà mạng sẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ chăm sóc khách hàng. Bởi kinh nghiệm thế giới cho thấy cũng có nhiều khách hàng chuyển từ nhà mạng lớn sang nhà mạng nhỏ.