|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Doanh nghiệp cứu trợ nhu yếu phẩm, nhân sự góp sức hướng về vùng lũ

17:53 | 10/09/2024
Chia sẻ
Trong bối cảnh thiên tai, bão lũ đang diễn ra phức tạp tại nhiều tỉnh miền Bắc, tinh thần tương thân tương ái của người Việt Nam một lần nữa được khẳng định qua những hành động hỗ trợ thiết thực từ cộng đồng doanh nghiệp.

Các đơn vị từ lĩnh vực bất động sản, viễn thông, vận tải cho đến dịch vụ công nghệ chung tay góp sức, thể hiện trách nhiệm xã hội và sự đồng hành cùng người dân trong lúc khó khăn.

 Các chuyến xe cứu trợ nối tiếp nhau tiến về vùng lũ phía Bắc. (Ảnh: Đắk Lắk - Buôn Ma Thuột sscbmt/Facebook).

Ngày 10/9, CTCP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh Miền Bắc công bố sẵn sàng dành các căn hộ tại Tecco Elite (phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên) để hỗ trợ người dân tránh lũ. Theo thông tin từ công ty, các căn hộ trống tại tầng 18 tòa E có thể đón tiếp từ 150 đến 200 người, với đầy đủ điều kiện về điện, nước và nhu yếu phẩm cơ bản. Đây là những căn hộ cao tầng, đảm bảo an toàn cho người dân trong bối cảnh lũ lụt đang diễn biến nguy hiểm.

Chiều cùng ngày, Central Retail Việt Nam - đơn vị vận hành chuỗi siêu thị Big C, GO!, công bố sẽ hỗ trợ 10.000 suất hàng nhu yếu phẩm (mỗi suất bao gồm thùng mì, thùng nước uống tinh khiết), hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại do mưa bão, với tổng chi phí khoảng 1,25 tỷ đồng.

"Chúng tôi hy vọng, những suất hàng thiết yếu này sẽ góp phần nhỏ chung tay giúp đồng bào vùng bão lũ nhanh chóng vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống”, ôngOlivier Langlet, Tổng Giám đốc Central Retail Việt Nam nói.

Trước đó, ngày 9/9, Viettel Telecom triển khai chương trình hỗ trợ tài khoản cho các thuê bao trả trước tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và sạt lở đất. Khách hàng tại Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, Phú Thọ, Lào Cai và Bắc Giang sẽ nhận được 20.000 đồng vào tài khoản để sử dụng trong 5 ngày.

X.E Việt Nam, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải bằng xe limousine từ Hà Nội đi các tỉnh miền Bắc, đã kêu gọi sự chung tay của các nhà hảo tâm và mạnh thường quân trong việc cung cấp phương tiện cứu trợ. Công ty này đã bố trí các xe tải để vận chuyển miễn phí nhu yếu phẩm đến các tỉnh bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Phía X.E Việt Nam cho biết, họ đã nhận được rất nhiều đóng góp từ các cá nhân và tổ chức, tuy nhiên công ty sẽ không thể tiếp nhận đồ cứu trợ lẻ mà sẽ tập trung vào việc gom hàng hóa từ các điểm tập kết lớn để đảm bảo việc vận chuyển diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.

Vietflycam, một đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ flycam, cũng đã đưa ra lời kêu gọi hợp tác với các đội cứu trợ để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu hộ và khảo sát tại các khu vực ngập lụt.

Vietflycam sở hữu nhiều thiết bị như M600 Pro có khả năng vận chuyển 7 kg mỗi chuyến bay, T50 có thể mang tới 50kg và các thiết bị flycam có khả năng khảo sát địa hình, tìm kiếm người dân mắc kẹt. Đơn vị này cho biết sẵn sàng cung cấp các thiết bị và nhân lực để phối hợp cùng các đội cứu hộ trong công tác cứu trợ và tìm kiếm tại các vùng bị cô lập do ngập lụt.

Song song với các hoạt động cứu trợ từ phía doanh nghiệp, chiều 10/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Văn phòng Chính phủ đã tham gia quyên góp, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, hưởng ứng lễ phát động ủng hộ đồng bào của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. 

Theo báo cáo từ Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến ngày 9/9, bão Yagi cùng hoàn lưu bão đã gây ra mưa lớn và sạt lở đất, làm 98 người chết và mất tích. 

Ngoài thiệt hại về người, thiên tai còn gây ra hàng loạt tổn thất về kinh tế với 746 người bị thương, hơn 148.000 ha lúa và hoa màu bị hư hại, cùng với 85 tàu thuyền bị chìm và gần 1.600 lồng bè thủy sản bị cuốn trôi. Trong đó, tỉnh Cao Bằng và Lào Cai là hai địa phương chịu ảnh hưởng nặng nhất với tổng cộng 33 người thiệt mạng và mất tích. Tại Quảng Ninh, mưa lớn đã khiến 8 người chết do bão và 1 người bị lũ cuốn.

Tại Phú Thọ, sự cố sập cầu Phong Châu đã làm 8 người mất tích. Các hoạt động tìm kiếm cứu nạn vẫn đang được triển khai với sự hỗ trợ của các lực lượng chức năng cùng sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội và doanh nghiệp.

Những con số thương vong và thiệt hại về tài sản cho thấy mức độ nghiêm trọng của đợt bão lũ lần này, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc huy động nguồn lực toàn xã hội trong công tác ứng phó và khắc phục hậu quả.

Thành Vũ

Nóng mùa ESOP, có lãnh đạo được nhận giá trị cổ phiếu lên tới hơn trăm tỷ
Nhằm giữ chân, thu hút nhân tài, nhiều doanh nghiệp niêm yết luôn duy trình chính sách ESOP. Việc chào bán ESOP cũng giúp doanh nghiệp đảm bảo nguồn tiền cho hoạt động đầu tư đồng thời ESOP sẽ hiệu quả về thuế hơn cho với trả thưởng tiền mặt cho cả doanh nghiệp và người lao động. Song chính sách này cũng gây xung đột lợi ích cho cổ đông.