|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyện loay hoay lên sàn của Cảng Quy Nhơn sắp đến hồi kết?

11:57 | 25/11/2020
Chia sẻ
HOSE thông báo đã nhận hồ sơ đăng kí niêm yết của CTCP Cảng Quy Nhơn (Mã: QNP) vào ngày 19/11. Số lượng cổ phiếu đăng kí niêm yết là 40,4 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị 404,1 tỉ đồng.

Loay hoay câu chuyện niêm yết

Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) thông báo về việc nhận hồ sơ đăng kí niêm yết của CTCP Cảng Quy Nhơn (Mã: QNP) vào ngày 19/11. Số lượng cổ phiếu đăng kí niêm yết là 40,4 triệu đơn vị, tương đương tổng giá trị 404,1 tỉ đồng.

Trước đó, HĐQT Cảng Quy Nhơn đã thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE và dự kiến sẽ hoàn thành việc niêm yết vào cuối tháng 11 năm nay. 

Đây không phải lần đầu tiên Cảng Quy Nhơn thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu. Cuối năm 2016, HOSE đã nhận hồ sơ niêm yết của công ty nhưng hồ sơ niêm yết không đáp ứng đầy đủ qui định của pháp luật. 

Đến ngày 29/12/2017, HOSE vẫn không nhận được bản hồ sơ chỉnh sửa từ Cảng Quy Nhơn nên đã quyết định dừng xem xét hồ sơ đăng kí niêm yết của công ty. 

Giới thiệu qua về Cảng Quy Nhơn, doanh nghiệp này tiền thân là Công ty TNHH MTV Cảng Quy Nhơn, được Bộ Giao thông vận tải thành lập ngày 2/7/1993. Công ty bắt đầu thực hiện quá trình cổ phần hoá từ tháng 2/2013 với vốn điều lệ ban đầu là 404,1 tỉ đồng và chính thức đổi tên như hiện nay.

Trong cơ cấu cổ đông, Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) nắm giữ 75,01% vốn điều lệ. Bên cạnh đó, số cổ phần của nhà đầu tư chiến lược chiếm 12,45% vốn điều lệ và số cổ phần của cổ đông đại chúng chiếm 7,54%.

Cảng Quy Nhơn kinh doanh ra sao?

Trong giai đoạn 2015 - 2020, Cảng Quy Nhơn luôn ghi nhận tình hình kinh doanh ổn định. Năm 2019, công ty đạt 800 tỉ đồng doanh thu thuần và 103 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, kết quả kinh doanh cao nhất trong lịch sử hoạt động của công ty. 

Tuy nhiên, đầu tháng 7, Hiệp hội Các Nhà Đầu tư Tài chính (VAFI) đã có văn bản gửi Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phản ánh về việc HĐQT Cảng Quy Nhơn đã thổi phồng thành tích kinh doanh năm 2019 và báo cáo không trung thực.

Căn cứ báo cáo tài chính năm 2019 của Cảng Quy Nhơn, lợi nhuận trước thuế đạt 128,5 tỉ đồng, tăng 7% so với 2018 nhưng thực tế lại giảm 3 tỉ đồng so với năm 2018 (120 tỉ đồng).

Năm 2019, khấu hao cơ bản là gần 52 tỉ đồng, giảm gần 11 tỉ đồng so với năm 2018 nhưng chưa rõ nguyên nhân. VAFI cho rằng nếu mức khấu hao năm 2019 như năm 2018 thì lãi trước thuế năm 2019 chỉ còn gần 118 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm 2019, quyền quản trị doanh nghiệp  thuộc về CTCP Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành và sau đó được chuyển giao cho Vinalines ngày 29/6/2019 (trước đó Vinalines đã có thời gian chuẩn bị tiếp quản doanh nghiệp khoảng một năm).

6 tháng đầu năm 2019, Hợp Thành báo cáo lợi nhuận sau thuế hơn 56 tỉ đồng, nếu tính khấu hao theo mức cũ năm 2018 thì doanh nghiệp này vẫn tăng trưởng lợi nhuận so với 2018.

Còn 6 tháng cuối năm dưới sự điều hành của người Vinalines cử xuống thì lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 47 tỉ đồng, thấp hơn cùng kì năm 2018.

Một vấn đề khác được VAFI nêu ra là lượng hàng hóa năm 2019 tăng thêm gần 1 triệu tấn, doanh thu tăng gần 100 tỉ đồng, tương đương tăng 10% so với năm 2018 nhưng lợi nhuận lại giảm so với năm 2018 ở thời kì Vinalines quản lí trong khi yếu tố giá cước và nhiều yếu tố cơ bản khác không thay đổi.

Thông thường hàng hóa 6 tháng cuối năm sẽ nhiều hơn 6 tháng đầu năm nhưng lợi nhuận lại giảm mạnh trong thời kì Vinalines điều hành Cảng Quy Nhơn.

Công ty Hợp Thành còn mù mờ về khai thác cảng, lại chưa phải là nhà quản lí tài chính chuyên nghiệp nhưng khi chuyển giao sang Vinalines thì nhiều khoản chi tiêu không hợp lí tăng lên.

VAFI cho biết cổ đông đang quan ngại nếu không được cảnh báo, giám sát tốt thì Cảng Quy Nhơn sẽ trở lại thời kì trước (tiêu cực tham nhũng) khiến quyền lợi của cổ đông nhà nước và tư nhân sẽ bị xâm phạm nghiêm trọng.

Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra ngày 26/6, cổ đông có đưa ra vấn đề này và đề nghị ban lãnh đạo giải trình nhưng không nhận được câu trả lời đúng vấn đề mà chỉ nói vòng vo là công ty đã thực hiện đúng các qui định về tài chính của nhà nước.

Sang đến năm 2020, Cảng Quy Nhơn tiếp tục gây bất ngờ khi công bố báo cáo tài chính quí III/2020 với 204 tỉ đồng doanh thu thuần và gần 32 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 6% và 77% so với cùng kì năm ngoái. 

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Cảng Quy Nhơn ghi nhận 627 tỉ đồng doanh thu, tăng 5% và lãi sau thuế tăng 24% lên 92 tỉ đồng so với 9 tháng đầu năm 2019.

Cảng Quy Nhơn muốn niêm yết trên HOSE sau lùm xùm pháp lí - Ảnh 1.

Nguồn: LG tổng hợp từ báo cáo tài chính của Cảng Quy Nhơn.

Lùm xùm quanh những cáo buộc của VAFI 

Bên cạnh những phản ánh về số liệu kinh doanh năm 2019 thiếu trung thực, VAFI còn đề cập đến nhiều tồn tại của Cảng Quy Nhơn, trong đó có việc chậm niêm yết và tổng vốn đầu tư dự toán ở dự án cải tạo nâng cấp Bến số 1 cao bất thường.

VAFI cho biết nghị quyết đại hội cổ đông ngày 29/6/2019 có nội dung đưa Cảng Quy Nhơn lên sàn chứng khoán nhưng cho tới nay doanh nghiệp vẫn không thực hiện bất kì công việc gì cho tiến trình niêm yết.

Thủ tục niêm yết Cảng Quy Nhơn đã thực hiện từ năm 2016 nhưng khi việc niêm gần hoàn tất thì bị tạm dừng do doanh nghiệp bị thanh tra về thoái vốn nhà nước. Tuy nhiên, khi kết quả thanh tra thoái vốn giải quyết xong thì HĐQT mới của Vinalines vẫn không hề thực hiện niêm yết.

Vấn đề tiếp theo VAFI đưa ra là cổ đông lo lắng tài sản bị thất thoát trong quá trình công ty thực hiện dự án đầu tư xây dựng Bến số 1 Cảng Quy Nhơn.

Tổng mức đầu tư dự toán cho việc cải tạo nâng cấp Bến số 1 dài 350m lên tới 497 tỉ đồng. VAFI cho biết đây chỉ là cải tạo nâng cấp cầu bến và nạo vét vùng nước trước bến mà chưa có đầu tư máy móc thiết bị và trong tình trạng cơ sở hạ tầng của cảng đã có đầy đủ.

Phía nhà thầu tư vấn thiết kế dự án (công ty con do Vinalines nắm 49% vốn) cho biết cơ sở đưa ra con số 497 tỉ đồng dựa vào các biểu giá của nhà nước chứ không dựa vào thực tế. Chi phí chỉ cải tạo cầu tàu và một phần nạo vét trước bến ở qui mô 480mx35 m vượt quá xa tổng chi phí xây dựng hạ tầng cho một cảng biến mới.

VAFI nhận định con số này "không đáng tin cậy, có thể chỉ là bình phong cho các nhóm lợi ích".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Linh Giang

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.