Chuyện kể từ người Việt ở tâm dịch Malaysia những ngày áp lệnh phong tỏa toàn quốc
"Từng dòng người Malaysia vượt qua biên giới Singapore, chấp nhận bỏ gia đình và con cái ở lại trong hai tuần chỉ để chắc chắn rằng gia đình họ không bị đói...", đây là dòng trạng thái mà chị Huỳnh Diễm Ly chia sẻ trên trang Facebook cá nhân vào sáng 18/3, ngay sau khi lệnh đóng cửa biên giới, phong tỏa toàn quốc của Malaysia để phòng chống dịch COVID-19 vừa có hiệu lực.
Chị Huỳnh Diễm Ly quê ở Đà Lạt, Việt Nam, lấy chồng người Malaysia và hiện cả đại gia đình chồng chị đang sinh sống ở Thành phố Johor Bahru (bang Johor) – thành phố giàu có và phát triển thứ hai tại Malaysia, chỉ đứng sau Thủ đô Kuala Lumpur.
Malaysia hiện được xem là tâm dịch COVID-19 của Đông Nam Á với số ca nhiễm hiện cao nhất khu vực này. Theo thống kê của trang WorldOmeters, tính đến chiều nay 19/3, nước này ghi nhận tổng cộng 900 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 2 ca tử vong vì dịch bệnh.
Một sự kiện cầu nguyện tại thánh đường Hồi giáo ở Kuala Lumpur, Malaysia diễn ra nhiều ngày hồi cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua với gần 16.000 người tham dự được cho là nguồn lây lan virus corona chủng mới tại nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Chia sẻ với người viết, chị Huỳnh Diễm Ly cho biết, chồng chị là giám đốc đại diện cho một tập đoàn Nhật Bản tại Malaysia - công ty chuyên gia công, sản xuất lò sưởi, bàn ghế gỗ kết hợp lò sưởi xuất đi Nhật, nhập hàng từ Nhật về Malaysia và các nước Đông Nam Á để bán. Ngoài ra, chồng chị có một công ty thương mại riêng, chuyển sản xuất các loại gia vị, đồ dùng nhà bếp tại bang Johor.
Từ lúc dịch COVID-19 bùng phát, chồng chị vẫn đi làm bình thường nhưng hạn chế và cắt nhiều chuyến công tác nước ngoài như các chuyến sang Nhật Bản, Việt Nam trong tháng 3. Theo kế hoạch, chi nhánh của tập đoàn mà chồng chị làm giám đốc đại diện tại Malaysia sẽ có chuyến du lịch Nhật Bản cho cả công ty vào ngày 9/4 tới đây, nhưng kế hoạch này cũng đã bị hủy bỏ.
Cho tới tối 16/3, Chính phủ Malaysia ban hành luật khẩn cấp, cấm công dân nước này ra khỏi nước từ 18 đến 31/3, công dân Malaysia từ nước ngoài về hoặc khách du lịch nhập cảnh vào Malaysia trong khoảng thời gian trên bắt buộc phải cách li 14 ngày.
Lệnh cấm cũng bao gồm các hoạt động tụ tập đông người như sự kiện tôn giáo, thể thao, xã hội và văn hóa. Tất cả nhà thờ và cơ sở kinh doanh phải đóng cửa, trừ siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi.
Các cơ sở công và tư cũng ngừng hoạt động, trừ những cơ sở cung cấp các dịch vụ thiết yếu như viễn thông, vận tải, ngân hàng, y tế, dược phẩm, cảng biển, sân bay, cung cấp lương thực và dịch vụ vệ sinh. Các trường học từ mẫu giáo tới đại học cũng phải đóng cửa trong khoảng thời gian này.
Từ khi luật có hiệu lực từ 0h ngày 18/3, hai công ty của chồng chị Ly đều đóng cửa, toàn thể nhân viên ở nhà làm việc trực tuyến qua mạng. Còn xưởng sản xuất riêng của chồng chị thì tạm ngừng hoạt động, thời gian ngừng ít nhất tới cuối tháng 3 hoặc có thể lâu hơn.
Chị cho hay, dù ngừng hoạt động nhưng công ty vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, trả lương cho nhân viên, hợp đồng đến hạn giao hàng sẽ bị dời lại hoặc bị hủy… ảnh hưởng ít nhiều tới kinh tế của gia đình.
"Dù bị ảnh hưởng nhưng vợ chồng tôi cùng có suy nghĩ, việc dịch bệnh thiên tai là ngoài ý muốn, tiền mình sẽ từ từ kiếm được, còn lúc này hãy đồng lòng cùng chính phủ, tuân thủ nghiêm các qui định và xem việc tuân thủ là trách nhiệm của mỗi người dân", chị Ly nói.
Chị Ly cũng cho hay, gia đình chị còn có tích lũy nên dù bị ảnh hưởng ít nhiều từ dịch bệnh thì cũng không quá lo lắng, nhưng với nhiều người, cuộc sống mưu sinh và tính mạng đang bị đe dọa hơn bao giờ hết vì dịch bệnh.
Chị Ly kể, chiều qua (18/3) – ngày đầu khi lệnh phong tỏa cả nước có hiệu lực, vợ chồng chị lái ô tô ra đường xem tình hình thế nào thì thấy tất cả công ty, cửa hàng quán ăn hai bên đường đều đóng cửa, đường xá vắng tanh chỉ vài xe qua lại...
"Là người Việt đang sống tại Malaysia, tôi cũng lo lắng cho sức khỏe của bản thân, gia đình, người thân và bạn bè đang sinh sống tại đây. Tuy nhiên, tôi tin Chính phủ Malaysia sẽ có cách bảo vệ người dân và đem lại bình yên cho đất nước", chị Ly nói.
Chị Ly cũng mong muốn mọi người hạn chế ra đường, ngừng tụ tập, "ai ở đâu ở yên tại chỗ, nhà mình là an toàn nhất".
"Giờ này ai ở nước ngoài có ý định về Việt Nam trốn dịch thì nên bỏ ý định đó sẽ tốt cho các bạn và cả cho gia đình các bạn ở Việt Nam. Đừng tham gia vào dòng người ồ ạt hồi hương, nguy cơ lây nhiễm từ việc vạ vật ở các sân bay, các điểm quá cảnh là không nhỏ.
Đó là chưa kể về Việt Nam sẽ đi cách li 14 ngày, khi qua lại các nước thì có một số nước cũng yêu cầu cách li như Malaysia cách li 14 ngày… như vậy mất đi rất nhiều thời gian của các bạn", chị Ly nêu quan điểm.
Tuyết Mai, một cô gái người Việt đang làm copy writer cho một công ty tại Thủ đô Kuala Lumpur - nơi được xem là tâm dịch COVID-19 của Malaysia cho biết, từ khi có lệnh phong tỏa, cô và các nhân viên công ty được cho làm việc tại nhà và trao đổi công việc qua internet bằng cách chat hoặc video call. Đây cũng là tình trạng chung của hàng loạt công ty khác thời điểm này.
Mai cũng cho biết, dù Kuala Lumpur hiện là điểm nóng của dịch bệnh nhưng người dân rất khó để mua được khẩu trang. "Không phải hết hàng, mà ngay từ đầu họ đã bán rất ít. Rất khó có thể mua được khẩu trang tại các cửa hàng y tế hay siêu thị, chỉ có thể đặt mua trên mạng với chất lượng hên xui", Mai nói.
Mai cũng cho hay, người dân Malaysia trước đó cũng không quá cảnh giác với dịch bệnh, chỉ tới khi dịch thực sự bùng phát với 190 ca nhiễm mới một ngày như vừa qua, họ mới bắt đầu lo lắng.
Theo Mai, tại Malaysia, những người tiếp xúc với bệnh nhân không bị đưa đi cách li mà chỉ được nhắc nhở là tự theo dõi tại nhà. Tại tòa nhà cô làm việc đã có người bị dương tính với SARS-CoV-2 nhưng toàn bộ nhân viên của công ty đó, cũng như những người làm việc cùng tòa nhà không được đưa đi cách li tại các cơ sở y tế.
Thay vào đó, ban quản lí tòa nhà nhắn mọi người tự theo dõi và rời khỏi tòa một cách có trật tự để họ tiến hành phun thuốc diệt khuẩn tòa nhà. Cùng thời điểm này, luật phong tỏa toàn quốc của Malaysia có hiệu lực nên tất cả nhân viên đều được làm việc tại nhà luôn.
Mai cũng cho biết, tại thủ đô Kuala Lumpur cũng xuất hiện tình trạng chen chúc mua hàng tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi 1-2 ngày trước khi luật phong tỏa của chính phủ có hiệu lực.
Tuy nhiên thực tế các siêu thị, cửa hàng tiện lợi không bị áp lệnh đóng cửa nên nguồn cung hàng hóa sau đó vẫn đầy đủ, người dân không gặp khó khăn nhiều trong việc mua nhu yếu phẩm, hàng hóa tiêu dùng hàng ngày.
"Trong dịch, ngoài việc mua đồ ăn, hàng hóa ở các siêu thị, tôi vẫn có thể đặt mua hàng qua mạng và dịch vụ vận chuyển hàng tại thành phố này vẫn hoạt động nên tôi gần như không tích trữ đồ ăn, chỉ mua đủ dùng vài ngày thôi", Mai cho biết.
Cũng theo Mai, các quán ăn tại đây hiện được phép mở cửa nhưng chỉ cho bỏ hộp mang về, không được ngồi ăn tại quán. Thực tế thì nhiều hàng quán đã chọn giải pháp tạm đóng cửa thay vì chỉ bán cho khách mang đi.
Cô gái này cũng chia sẻ cảm thấy khá lo lắng khi sống giữa tâm dịch, lại xa gia đình. Nhưng cô lựa chọn không về Việt Nam thời điểm này vì ở giữa vùng dịch về nước lúc này sẽ gây khó khăn cho cả hai bên. Hiện cô tuân thủ nghiêm các qui định của cơ quan y tế nước sở tại và tự theo dõi sức khỏe tại nhà.
Có cùng chung cái nhìn giống Mai, chị Diễm Ly sinh sống lâu năm tại Malaysia cũng cho hay, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, người dân Malaysia nói chung rất thờ ơ với dịch bệnh. Sau Tết Việt Nam cho học sinh nghỉ, còn Malaysia vẫn cho học sinh đi học bình thường, người dân ra đường rất ít người đeo khẩu trang, dù khi đó nước này đã xuất hiện ca dương tính.
Tới khi dịch bùng phát, nhiều người mới biết sợ và không dám tới những chỗ đông người, hạn chế ra đường nếu không có việc quan trọng, nhiều người bắt đầu lùng sục tìm mua khẩu trang, nước rửa tay khô…
Đoàn người ùn ùn kéo nhau qua biên giới Singapore tránh lệnh cách li để mưu sinh
Quay trở lại với dòng status mà chị Diễm Ly chia sẻ trên Facebook ngày 18/3, thực trạng đoàn người ùn ùn kéo nhau vượt qua biên giới Singapore vào trước ngày Malaysia đóng biên cho thấy một góc nhìn khác trong cuộc mưu sinh mùa đại dịch của người Malaysia nói chung và người Việt định cư tại đất nước này nói riêng.
Trong dòng người này có không ít người Việt hoặc người Malaysia đang là chồng hoặc vợ của người Việt định cư tại đây.
"Trong dòng người đó có chồng em" là bình luận của chị D., một phụ nữ người Việt lấy chồng Malaysia và hiện sinh sống tại Thành phố Johor Bahru, trên tài khoản Facebook chị Diễm Ly.
"Công ty có cho sự lựa chọn khác là nghỉ phép 14 ngày, ai muốn tính phép thì ở lại Malaysia nhưng đồng nghiệp chồng em ai cũng xách bao lô đi làm. Mỗi tháng đều phải trả tiền nhà, rồi sau 14 ngày chính phủ Malaysia có kêu đóng biên thêm ngày nào nữa không, không ai biết, lỡ mà đóng biên tiếp, không đi làm được là đói luôn nên phải đi.
Hôm qua vợ chồng em ra đường, ai nấy tay xách nách mang ba lô, va li lên xe đi Singapore, ai chạy xe máy thì đeo ba lô sau lưng, nhìn y như đi di tản, buồn lắm chị", chị D. bình luận.
Trao đổi với người viết, chị D. cho hay, chồng chị tuy nhà ở Johor Bahru nhưng làm việc ở Singapore và đi về ngày một.
Hiện Malaysia đang phong tỏa biên giới nên chồng chị phải tạm xa gia đình, vợ con sang Singapore ở để đi làm bên đó, lựa chọn này cũng là vì cuộc sống mưu sinh.
Chị D. cho biết, mỗi ngày có khoảng 300.000 người Malaysia di chuyển qua biên giới Singapore để đi làm và phần lớn họ đi về hàng ngày. Còn một số khác thì cuối tuần hoặc một tháng họ mới về thăm nhà được một lần do không ở gần biên giới hoặc ở những bang xa như Pahang…
Người Malaysia dễ dàng sang Singapore làm việc vì họ thông thạo 3 thứ tiếng. "Những người tôi biết thì họ chủ yếu sang Singapore làm các công việc trí óc hoặc làm bên sữa chữa điện lạnh, điện tử hoặc trong các cửa hàng 24h", chị D. nói.
Theo chị D., nếu như trước kia Chính phủ Singapore khi gia hạn giấy phép lao động cho người Malaysia thì sẽ gia hạn thời gian một năm, hai năm nhưng bây giờ vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên phía Singapore chỉ gia hạn cho 3 tháng.
Từ bang Johor Bahru qua Singapore rất gần, chạy xe máy hoặc ô tô nếu không kẹt xe thì mất khoảng 45 phút. Người dân Malaysia đa phần thích qua Singapore làm việc vì trị giá đồng đô Singapore cao gấp 3 lần tiền Ringit của Malaysia.
Chẳng hạn, làm công nhân tại Malaysia lương trung bình 1.500 Ringit/tháng, nhưng nếu chịu vất vả đi về mỗi ngày thì qua Singapore làm công nhân thu nhập trung bình 1.500 đô la Singapore/tháng, tương đương 4.500 Ringit.
Vì vậy mà khi có lệnh đóng biên trong hai tuần, nhiều người ở Malaysia đã phải tạm xa gia đình sang ở hẳn Singapore để lao động mưu sinh.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/