|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia WB: Nhiều tín hiệu phục hồi từ khu vực xuất khẩu, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng năm nay

14:18 | 18/08/2023
Chia sẻ
Theo chuyên gia từ WB, nhu cầu nhập khẩu của Mỹ và EU có thể khôi phục nhẹ vào cuối năm, là cơ hội cho Việt Nam, tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng GDP năm nay.

Trình bày về viễn cảnh vĩ mô tại Diễn đàn Kinh doanh 2023: Đổi mới mô hình tăng trưởng diễn ra chiều 17/8, bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho hay, không chỉ WB và IMF đều dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu khó có thể tăng mạnh trong năm nay. Ngay cả sắp tới, nền kinh tế toàn cầu sẽ khó có thể phục hồi mạnh mẽ mà chỉ ở mức trung bình.

Với Trung Quốc, mặc dù nhiều dự báo cho rằng nước này sẽ hồi phục mạnh mẽ sau khi mở cửa nhưng thực tế lại cho thấy mức độ phục hồi không được như kỳ vọng, sức mua của nền kinh tế chưa hồi phục như trước dịch. Bên cạnh đó, những vấn đề trên thị trường bất động sản làm giảm khả năng tăng trưởng của Trung Quốc. 

Với Việt Nam, khác với xu hướng tăng trưởng trong hai năm 2021 và 2022, thương mại sụt giảm khá nặng vào năm 2023 và 2024. Xuất khẩu hiện đóng góp hơn 50% vào GDP của Việt Nam nên sự sụt giảm này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng tăng trưởng kinh tế.

Xuất khẩu đang thu hẹp, trong khi các hoạt động sản xuất công nghiệp gắn chặt với xuất khẩu hàng hoá vì vậy hoạt động sản xuất cũng bị co lại. 

Với nền kinh tế nội địa, ngay sau COVID-19 Việt Nam phục hồi rất nhanh, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng đột biến. Nhưng sau giai đoạn tăng nóng, nền kinh tế bắt đầu giảm tốc, tổng cầu cũng sụt giảm.

Điều này thể hiện tâm lý của người tiêu dùng trở nên thận trọng hơn, xu hướng tiêu dùng yếu đi và chỉ có các mặt hàng thiết yếu là không giảm còn lại đều giảm, bà Dorsati Madani cho biết.

Tính bất định của nền kinh tế cũng thể hiện qua sự sụt giảm mạnh của đầu tư tư nhân. Giai đoạn nửa năm 2021, đầu tư từ khu vực tư nhân lập đỉnh thì đến nửa đầu năm năm 2023 lại sụt giảm rất mạnh, tới hơn 36%.

Dù vậy, vẫn rất nhiều nền kinh tế trên thế giới mong muốn đạt được mức tăng trưởng như Việt Nam. Với yếu tố lạm phát, bà Dorsati Madani đánh giá, lạm phát không hẳn là xấu, có lạm phát tức là có tăng trưởng.

Bà Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB. (Ảnh: Forbes Việt Nam).

Xuất khẩu đang dần phục hồi

World Bank dự báo GDP Việt Nam 2023 tăng trưởng 4,7%, và đạt 5,5% vào 2024, 6% vào 2025. Phân tích về các tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế nửa cuối năm, bà Dorsati Madani cho rằng, tiêu dùng hàng hóa thiết yếu vẫn sẽ có nhu cầu. Chính phủ đã áp dụng tăng lương cơ sở cho công chức cũng sẽ góp phần thúc đẩy khả năng chi tiêu của người dân.

Đại diện WB cũng kỳ vọng đầu tư từ khu vực tư nhân sẽ khôi phục vào cuối năm nay và tăng hơn vào đầu năm 2024. Với đầu tư công, Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy giải ngân nguồn vốn này. "Đây là một bước đi rất đúng đắn", bà Dorsati Madani đánh giá.

Có rất nhiều tín hiệu cho thấy xuất khẩu sẽ hồi phục vào cuối năm nay tiếp tục xu hướng tăng trong đầu năm sau. Nhu cầu nhập khẩu của Mỹ và EU sẽ khôi phục nhẹ vào cuối năm, là cơ hội cho Việt Nam.

Theo chuyên gia WB, nhờ xuất khẩu dần khả quan, đầu tư tư nhân có hy vọng khôi phục cuối năm và tốt hơn vào 2024. Đây sẽ là một động lực quan trọng cho nền kinh tế.

Dù vậy, bà Dorsati Madani cũng lưu ý, Việt Nam cần đi trước đón đầu trong sản xuất xanh. Người tiêu dùng tại các thị trường phát triển như Mỹ châu Âu hiện đang muốn có các sản phẩm xanh vì vậy nếu Việt Nam đi trước sẽ có cơ hội đón đầu, tiên phong trong lĩnh vực này.

Bà cũng cũng khuyến nghị cần hết sức thận trọng trong việc cải cách để hệ thống tài chính của Việt Nam có tính chống chịu và phục hồi cũng như đủ mạnh. Các tổ chức tín dụng cần đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn phù hợp để tạo sự vững chắc trong hệ thống tín dụng, sẵn sàng đối phó với những rủi ro.

Hạ An

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).