|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia WB: Hàng tỷ USD sẽ đổ vào Việt Nam nếu nâng hạng được TTCK

17:42 | 26/08/2024
Chia sẻ
Theo ông Ketut Kusuma, chuyên gia cao cấp về thị trường vốn của World Bank, các nhà đầu tư quốc tế rất quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam do nền kinh tế có mức tăng trưởng cao trên thế giới.

Sáng 26/8, Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) đã công bố Báo cáo Điểm lại – Cập nhật Kinh tế Việt Nam ấn bản tháng 8/2024 và đã dành riêng một chương nói về thị trường vốn Việt Nam với tiêu đề "Vươn tới tầm cao mới trên thị trường vốn". 

Ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB Việt Nam. (Ảnh: Hạ An).

Điểm qua các yếu tố vĩ mô, ông Andrea Coppola, Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB Việt Nam cho biết sau giai đoạn sụt giảm năm 2023, kể từ đầu năm nay, Việt Nam đã quay trở lại tốc độ tăng trưởng cao ở một số lĩnh vực như xuất khẩu hay sản xuất công nghiệp.

Việt Nam đã quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh và từ tháng trước, ngành xuất khẩu cũng tranh thủ được lực cầu bên ngoài, đầu tư FDI cũng ở mức cao. Tuy nhiên, đầu tư tư nhân và tiêu dùng vẫn chưa quay lại lộ trình tăng trưởng như trước đại dịch.

"Niềm tin còn thấp của người tiêu dùng về triển vọng kinh tế khiến họ có thói quen tiết kiệm chi tiêu và hệ quả là các ngành bán lẻ và dịch vụ tăng trưởng thấp", ông Andrea Coppola nói.

Do đó, WB dự báo kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,1% trong năm 2024, và 6,5% trong hai năm 2025 và 2026, cao hơn so với mức 5% năm 2023.

Mặc dù triển vọng là tích cực, song Chuyên gia Kinh tế trưởng WB cũng khuyến nghị để có thể duy trì mức tăng trưởng cao ở trung hạn và dài hạn thì cần mạnh đầu tư công để vừa kích cầu ngắn hạn vừa thực hiện mục tiêu hạ tầng ở các lĩnh vực xương sống như năng lượng hay giao thông để thúc đẩy tăng trưởng.

Bên cạnh đó, cần cải thiện môi trường kinh doanh, theo dõi sát sao chất lượng tài sản của các ngân hàng do nợ xấu gia tăng, tăng cường độ ổn định của khu vực tài chính.

Cần đa dạng hoá đầu tư và phát triển thị trường vốn làm sao để thị trường này có thể thực sự trở thành nguồn chính để huy động vốn cho sự phát triển dài hạn của Việt Nam. 

Hàng tỷ USD chờ đổ vào nếu TTCK Việt Nam nâng hạng 

Ông Ketut Kusuma, chuyên gia cao cấp về thị trường vốn của Ngân hàng Thế giới (WB). (Ảnh: WB).

Phân tích sâu hơn về thị trường vốn, ông Ketut Kusuma, chuyên gia cao cấp về thị trường vốn của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng để Việt Nam có thể đạt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2025 thì cần có lượng vốn đầu tư cả nhà nước và tư nhân, trong đó cần có sự hỗ trợ từ khu vực tài chính.

Chuyên gia từ WB cho biết so với các quốc gia khác trong khu vực, vốn hoá của thị trường vốn Việt Nam so với quy mô nền kinh tế không hề thấp thậm chí vượt Indonesia và sắp tới có thể vượt Phillippines.

Tuy nhiên, sự phát triển của thị trường vốn không chỉ đo lường bằng quy mô mà còn phải xem hiệu quả đến đâu. Về thành phần, ngành ngân hàng đang chiếm tỷ trọng chủ yếu trong thị trường vốn, trong khi đó cổ phiếu và trái phiếu còn chiếm thị phần khá nhỏ.

Dù vậy, ông Ketut Kusuma cũng nhấn mạnh rằng hàng tỷ USD của các quỹ đầu tư trên toàn cầu sẽ được rót vào các thị trường vốn nếu Việt Nam được nâng cấp thành thị trường mới nổi".

Rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến thị trường chứng khoán Việt Nam do tăng trưởng kinh tế ở mức cao, thế nhưng Việt Nam vẫn được coi là thị trường cận biên. Trong khi đó, đa số các nhà đầu tư quốc tế chỉ có thể đầu tư vào các quốc gia có thị trường chứng khoán mới nổi hoặc tiên tiến.

Đây là một trong những lý do tại sao số nhà đầu tư quốc tế chỉ chiếm dưới 10% trên tổng số nhà đầu tư. Đối với nhóm 5 thị trường phát triển nhất ASEAN, tỷ trọng này là khoảng 40%. Như vậy, còn dư địa rất lớn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Để thu hút các nhà đầu tư chuyên nghiệp quốc tế thông qua việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ông Ketut Kusuma, Việt Nam cần cải cách theo hướng loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch, cải thiện nguồn cung cổ phần trong điều kiện giới hạn tỷ lệ sở hữu của nước ngoài cũng như cải thiện về tiếp cận thông tin.

Muốn duy trì đà tăng trưởng từ nay đến cuối năm và các năm tới, các cấp có thẩm quyền cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giám sát các rủi ro trong thị trường tài chính", vị chuyên gia WB nói.

Bên cạnh đó, với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ông nhấn mạnh cần cải thiện các tiêu chí xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp, khuyến khích đánh giá định mức tín nhiệm và đơn giản hoá quy trình phát hành ra đại chúng.

Hạ An

Data Talk tháng 9: 'Có những lần suy thoái khiến thị trường chứng khoán giảm 80 - 90%'
Theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC, chi nhánh TP HCM, có những lần suy thoái khiến thị trường giảm 80 - 90%, ngay cả cuộc suy thoái kỹ thuật cũng khiến thị trường rơi 20 - 30%. Thị trường chứng khoán Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế Mỹ.