|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chuyên gia VPBankS: Chứng khoán ở chu kỳ tăng mới, khả năng có 1 đến 2 nhịp điều chỉnh mạnh sau đó tiếp tục đi lên

11:30 | 05/03/2024
Chia sẻ
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường Chứng khoán VPBank (VPBankS) dự báo, thị trường có thể sẽ điều chỉnh mạnh sau nhịp tăng nóng, nhà đầu tư cần lưu ý hai mốc kháng cự mạnh 1.326 điểm và 1.350 điểm.

Nhà đầu tư lưu ý vùng 1.326 – 1.350 điểm trong năm 2024

Đưa quan điểm về xu hướng thị trường tại Tọa đàm với chủ đề “Thị trường chứng khoán: Xây nền – Tích lũy – Bứt tốc” do Báo Đầu tư tổ chức sáng nay (5/3), ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường của Chứng khoán VPBankS cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam đang trong chu kỳ tăng điểm (uptrend) mới.

Quan điểm trên được đưa ra dựa trên hai yếu tố. Thứ nhất là định hướng chính sách. Thị trường có động lực tăng trưởng ít nhất hai năm tới cho làn sóng thị trường mới nổi (emerging market). Yếu tố thứ hai là đà phục hồi của lợi nhuận doanh nghiệp. Hai yếu tố này đảm bảo cho mức tăng trưởng khá tốt trong năm 2024.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường VPBankS. Ảnh chụp màn hình.

Theo chuyên gia từ VPBankS, năm nay có sự chuyển dịch khi các doanh nghiệp niêm yết có thể tạo đáy lợi nhuận. Dựa trên nền kinh doanh thấp của năm 2023, năm 2024 sẽ có nhiều nhóm ngành tăng trưởng trở lại, cao hơn nhiều năm vừa trải qua.

Dự báo diễn biến trong ngắn hạn, ông Trần Hoàng Sơn nói: “Tôi đang dự báo VN-Index đạt vùng 1.326 – 1.350 điểm, là mức cao trong năm nay. Vì vậy, với VN-Index hiện ở sát ngưỡng 1.300 điểm, là điểm nhà đầu tư đáng chú ý bởi vì chúng ta đã trải qua con sóng khá dài từ đáy tháng 11 năm ngoái. Thị trường đã trải qua 4 tháng tăng điểm liên tiếp. Với thị trường chứng khoán toàn cầu, chúng ta đã có 8 tháng tăng điểm, chu kỳ tăng điểm đã khá dài”.

Dựa trên góc nhìn trên, ông Sơn lưu ý nhà đầu tư về khả năng thị trường có thể đón 1 – 2 sóng điều chỉnh mạnh và sau đó thị trường sẽ tiếp tục đi lên.

“Sau nhịp tăng nóng và điều chỉnh mạnh, nhà đầu tư có thể sẽ gặp khó khăn, đâu đó có khả năng mất niềm tin vào thị trường trong ngắn hạn nên chúng ta cần tính toán trước những điểm kháng cự của thị trường như 1.326 điểm, 1.350 điểm. Đây là mốc điểm nhà đầu tư tránh việc mua đuổi. Khi thị trường điều chỉnh về ngưỡng hỗ trợ thấp hơn như 1.160 – 1.200 điểm, có thể vị thế mua mới sẽ được mở ra”, Giám đốc Chiến lược thị trường khuyến nghị chiến lược giao dịch cho nhà đầu tư.

Còn trong chu kỳ dài hạn hơn, Việt Nam đón sóng nâng hạng lên thị trường mới nổi, thị trường có thể quay trở về chu kỳ như 2006 – 2007, 2016 – 2017, VN-Index tăng lên mức rất cao. Với quan điểm tích cực, ông Trần Hoàng Sơn nêu kịch bản chỉ số có khả năng vượt qua đỉnh lịch sử của năm 2022 và đi lên mốc cao mới cho con sóng nâng hạng. Nhưng con sóng này có thể không diễn ra trong năm nay, có thể trong năm 2025 hoặc 2026.

Xét về tổng quan, vị chuyên gia từ VPBankS một lần nữa nhận định thị trường đã bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, nhà đầu tư nên chú ý vùng kháng cự mạnh.

Cơ sở cho lo ngại trong ngắn hạn trên là định giá nhiều nhóm ngành đã phục hồi sớm trong thời gian vừa qua như chứng khoán, ngân hàng, thép. “Có thể trong giai đoạn nóng nào đó, định giá không còn quá rẻ so với lợi nhuận lũy kế 12 tháng gần nhất. Vì vậy, thị trường sẽ có những giai đoạn điều chỉnh lại định giá trước khi kết quả kinh doanh mới tích cực hơn, bổ sung dữ liệu cho thị trường để tái định giá lại”.

 Cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán có thể dẫn dắt thị trường trong năm 2024. Ảnh: Hoàng Linh. 

Điểm tên những nhóm cổ phiếu có thể dẫn dắt thị trường năm 2024

Nói về nhóm cổ phiếu có khả năng dẫn dắt thị trường, dựa trên dữ liệu thực tế, chuyên gia từ VPBankS cho rằng đầu tiên vẫn là nhóm ngân hàng. Nhóm ngành này vừa có vốn hóa lớn, có thể tác động lên chỉ số vừa thu hút tỷ trọng giao dịch lớn nhất trên toàn thị trường.

Như VPBankS thống kê trong giai đoạn thị trường tăng trưởng vừa rồi và nhóm ngân hàng dẫn dắt, tỷ trọng giao dịch nhóm này chiếm gần 30% tổng thanh khoản của thị trường, cho thấy sức hút của nhóm ngành ngân hàng rất lớn.

Nhóm ngành thứ hai được Giám đốc chiến lược thị trường của VPBankS đề cập đến là nhóm ngành chứng khoán. Đây luôn là nhóm ngành được nhà đầu tư ưa thích trong năm 2023 và đầu 2024 vì câu chuyện phục hồi về mặt lợi nhuận rất rõ. Thứ hai là câu chuyện nâng hạng.

Nhóm ngành thứ ba liên quan đến xây dựng và vật liệu xây dựng. Trong nhóm này có ngành nhỏ là thép. Ngoài thép, nhóm xây dựng hạ tầng cũng được nhà đầu tư chú ý vì Chính phủ đang thúc đẩy đầu tư công rất mạnh mẽ hai năm gần đây.

Đây là ba nhóm ngành đang dẫn sóng về mặt xu hướng dòng tiền, chiếm tỷ trọng lớn nhất trên toàn thị trường. Còn lại một số nhóm ngành nhỏ nhà đầu tư khá ưa thích như bất động sản khu công nghiệp khi có làn sóng chuyển dịch vốn đầu tư FDI từ Trung Quốc sang, hệ thống hạ tầng giao thông của Việt Nam được bạn bè đánh giá tốt. Điểm thứ ba là giá cho thuê đất tại các khu công nghiệp đang tăng. Cuối cùng, một số bạn hàng của Việt Nam như Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore quay trở lại đầu tư FDI vào Việt Nam.

Ngoài ra, còn có nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng ròng rã trong năm 2023 ví dụ SAB, MWG, GAS, VNM. Đây đều là những mã trụ cột nhưng nằm trong xu hướng giảm giá vì chịu áp lực rút ròng mạnh từ nhà đầu tư nước ngoài vào nửa cuối 2023.

Ông Trần Hoàng Sơn dự báo trong năm 2024, kỳ vọng Fed hạ lại suất, thị trường kỳ vọng dòng vốn ngoại trở lại, khi đó tiền sẽ phân bổ trở lại những cổ phiếu bị bán ròng trong thời gian vừa qua. Nếu nhóm vốn hóa lớn này bức tốc, thị trường sẽ có giai đoạn phục hồi khá tích cực.

Hoàng Linh