Chuyên gia: TP HCM khó tăng trưởng 10% nếu dựa vào động lực hiện hữu
Các đề xuất, gợi ý để TP HCM tăng trưởng hai con số được các thành viên Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 đưa ra tại cuộc họp sáng 8/2 trước đề nghị của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi.
Năm nay TP HCM đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP 10%, trong đó kinh tế số đóng góp trên 25%. Như vậy, sau 5 năm (từ năm 2019) đến nay, lần đầu tiên, thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số. Hiện, quy mô GRDP của thành phố vào cuối năm 2024 là 1,78 triệu tỷ đồng và để đạt mục tiêu kinh tế tăng trưởng 10% trong năm 2025, thành phố cần nguồn vốn đầu tư khoảng 620.000 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư công khoảng 110.000 tỷ đồng. Như vậy, thành phố cần huy động thêm nguồn vốn trên 510.000 tỷ đồng.
"Mục tiêu tăng trưởng hai con số là thách thức đối với địa phương trong bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi, chuyển động rất nhanh", ông Mãi nói và đề nghị các chuyên gia gợi ý, phân tích để vượt qua thách thức trước mắt, hướng tới phát triển bền vững về lâu dài.
Ông Nguyễn Xuân Thành, giảng viên Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, dẫn kinh nghiệm của Trung Quốc để tăng trưởng được hai con số phải tạo ra được nền kinh tế mới ở các thành phố mới và cộng hưởng với nền kinh tế hiện hữu để tạo ra được động lực.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/08/crawl-20250208193435973.jpg)
Ông Nguyễn Xuân Thành phát biểu tại hội nghị sáng 8/2. (Ảnh: An Phương).
"Nếu chỉ dựa vào các động lực sản xuất kinh doanh hiện hữu thì không bao giờ có được tăng trưởng hai con số", chuyên gia Thành nêu quan điểm. Theo ông, nền kinh tế mới ở TP HCM là TP Thủ Đức với định hướng là đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông, khu đô thị mới Cần Giờ, khu thương mại tự do, metro...
Một động lực quan trọng, theo ông Thành, là 400.000 hộ kinh doanh, sản xuất cá thể trên địa bàn. TP HCM cần có chính sách hỗ trợ từ kế toán, thuế... để các hộ này chuyển đổi thành doanh nghiệp, từ đó có thêm động lực để mở rộng kinh doanh. Ngoài ra, chính quyền cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc của các dự án, khơi thông các nguồn lực dở dang, đặc biệt là các dự án bất động sản.
GS Trần Văn Thọ, giáo sư danh sự Đại học Waseda, Nhật Bản, cho rằng từ khi đổi mới đến nay, Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng có nhiều tiềm năng để tăng trưởng hai con số và có thể kéo dài 10 năm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Tuy nhiên, theo ông "rất tiếc chúng ta đã không tận dụng được" và giờ đây đang đứng trước mục tiêu tăng trưởng hai con số.
"Đã đặt mục tiêu thì phải có sự chuẩn bị nếu không sẽ tăng trưởng không bền vững, dễ gây lạm phát và bất ổn", GS Thọ nói. Nhiều năm nghiên cứu Nhật Bản, ông cho rằng nên học tập kinh nghiệm của nước bạn, trong đó quan trọng hàng đầu là phải tạo ra "không khí hồ hởi để thu hút doanh nghiệp đầu tư". Ban đầu, Nhật Bản chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 7% nhưng họ tạo ra cơ chế kích cầu đầu tư, kích thích doanh nghiệp, gặp gỡ trực tiếp và cam kết hỗ trợ từ chính quyền. Điều này giúp cả xã hội cùng tập trung và giúp mức tăng trưởng vượt kỳ vọng khi đạt tới 10% và kéo dài nhiều năm.
Trong khi đó, tại TP HCM, chuyên gia gặp nhiều doanh nghiệp Nhật Bản và họ than phiền muốn đầu tư mới nhưng khu công nghiệp đã đầy. Họ phải chuyển sang địa phương khác hoặc nước khác.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/08/crawl-20250208193437520.jpg)
TP Thủ Đức với các dự án chung cư, đất nền, nhà phố; tháng 10/2024. (Ảnh: Quỳnh Trần).
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng TP HCM cần thẳng thắn nhìn nhận nhiều ngành, doanh nghiệp lớn không còn đi đầu nữa mà bị các tỉnh, thành khác vượt lên. Do đó, thành phố cần học tập Malaysia nghiên cứu toàn diện các ngành, đánh giá hiệu quả những ngành tạo ra giá trị cao để đầu tư, đề xuất chính sách phù hợp.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, để đạt mức tăng trưởng 10% cho năm 2025, thành phố cần thực hiện các giải pháp để nắm chắc mức tăng trưởng 8% và sau đó tiến thêm 2% còn lại. Các giải pháp cần được thực hiện theo lộ trình phù hợp tình hình thực tế. Vấn đề mấu chốt để TP HCM nắm chắc mức tăng trưởng 8% là huy động vốn đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài trên 500.000 tỷ đồng.
Ông Ngân cho rằng giải pháp hiện tại là TP HCM cần có đất đai cho nhà đầu tư với giá cả hợp lý thông qua xây dựng nhanh khu công nghiệp mới, cơ cấu lại khu công nghiệp cũ để có đất sạch thu hút nguồn vốn. Ngoài ra, TP HCM cần tập trung nguồn lực để giải quyết các vấn đề về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội. Nghị quyết 98 đã mở ra về mặt thể chế, tuy nhiên, gốc rễ của vấn đề là ở môi trường đầu tư, cải cách hành chính.
"Chúng ta thấy các dự án vẫn ách tắc về thời gian, các chỉ số về năng lực cạnh tranh cần tiếp tục cạnh tranh, cải thiện", chuyên gia nêu quan điểm. Sau khi đủ khả năng đạt mức tăng trưởng 8% cho năm 2025, nền tảng để TP HCM đạt được 2% còn lại nằm ở việc vận hành, khai thác Trung tâm Tài chính quốc tế, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ gắn với khu đô thị lấn biển, khu thương mại tự do. Ngoài ra, TP HCM cần tận dụng các động lực tăng trưởng mới trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
![](https://cdn.vietnambiz.vn/1881912202208555/images/2025/02/08/crawl-20250208193437984.jpg)
Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi tại hội nghị sáng 8/2. (Ảnh: An Phương).
Trước ý kiến các chuyên gia, ông Phan Văn Mãi cho biết, địa phương đã có kịch bản và các kế hoạch nhánh để đạt mức tăng trưởng hai con số. Các kế hoạch nhánh liên quan đến huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp, xử lý dự án dở dang, cải thiện môi trường đầu tư, công tác điều hành, huy động nguồn vốn.
Trong năm nay, TP HCM sẽ giải quyết để huy động 230 ha đất từ các khu công nghiệp, 110.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, 90.000 tỷ đồng vốn đầu tư nước ngoài. Vừa qua, thành phố đã làm việc với các ngân hàng và xác định có thể giải quyết 350.000 tỷ đồng hoặc nhiều hơn cho vốn đầu tư xã hội.