|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: Thắt chặt tiền tệ có thể không có tác dụng chống lạm phát

11:06 | 08/06/2022
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng khi thắt chặt tiền tệ, phải siết dòng tín dụng cho nên hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, vô tình tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, làm giảm sản lượng của họ,  từ đó làm nặng nề thêm tình trạng khan hiếm hàng hóa, dịch vụ.

Tại chương trình Dự báo kinh tế của HTV9 - Đài Truyền hình TP HCM, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng trong các nguyên nhân hình thành nên lạm phát, yếu tố kỳ vọng lạm phát là yếu tố quan trọng nhất, góp phần lớn nhất vào hình thành sự gia tăng trong giá cả. 

“Kỳ vọng lạm phát là suy nghĩ, tâm lý và hành vi của người dân trước sự gia tăng giá cả hàng hóa. Khi thấy giá xăng dầu tăng, tâm lý người dân cho rằng mặt bằng giá cả đang leo thang, nếu họ có tham gia sản xuất, hoặc bán một hàng hóa dịch vụ nào đó ra thị trường, họ cũng định giá lại hành hóa của họ bằng cách tăng theo, mặc dù chưa chịu sự gia tăng giá đầu vào”, ông Bảo giải thích.

 

Nói về xu hướng tăng trong giá cả của nền kinh tế, PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho biết dấu hiệu này sớm hình thành từ đầu năm, trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi sản xuất, gói kích thích được tung ra. Bên cạnh đó, xung đột Nga-Ukraine làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát.

Vị chuyên gia nhận định các yếu tố đến từ phía cung hay lạm phát do chi phí đẩy lớn hơn lạm phát cầu kéo. Vì vậy ông cho rằng thắt chặt tiền tệ hiện nay có khả năng không đạt được hiệu quả như mong muốn.

“Khi thắt chặt tiền tệ, chúng ta phải siết dòng tín dụng cho nên hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, vô tình tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp, làm giảm sản lượng của họ, cung ứng hàng hóa, dịch vụ ra thị trường, từ đó làm nặng nề thêm tình trạng khan hiếm hàng hóa, dịch vụ”, ông nói

Theo chuyên gia, trong lúc này công cụ tài khóa nên được ưu tiên. Ông đề xuất giải pháp tận dụng nguồn vốn đầu tư công chưa giải ngân để tiếp tục làm mạnh thêm quỹ bình ổn giá xăng dầu, giúp cho doanh nghiệp đầu mối xăng dầu không tăng giá quá mạnh theo giá thế giới. Ngoài ra có thể thực hiện chính sách ưu đãi, giảm nhẹ gánh nặng thuế lên hàng hóa dịch vụ để giá cả không keo thang chóng mặt, góp phần kìm giữ được đà tăng của giá.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cho rằng nếu các chính sách được đưa ra nhanh chóng và quyết liệt sẽ giúp trấn an tâm lý người dân, người dân nhận thấy Chính phủ đang quyết liệt bình ổn giá cả, từ đó kỳ vọng lạm phát không hình thành trong suy nghĩ và không đi vào hành vi. 

Ông cho rằng hiện nay mặt bằng giá cả, không riêng gì xăng dầu, mà lương thực thực phẩm, hàng hóa đầu vào cho sản xuất như phân bón, thuốc trừ sâu, kim loại chủ yếu cho các ngành công nghiệp đều tăng cả.

Giá cả tăng cao đẩy giá thành sản xuất của doanh nghiệp lên cao. Khiến doanh nghiệp không những gặp khó khăn về giá, còn khó khăn về tiếp cận nguồn cung do hàng hóa khan hiếm.

Theo ông, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhận thấy áp lực lạm phát, tiến hành thắt chặt tiền tệ bằng cách giới hạn tăng trưởng tín dụng, không nới room tín dụng cho bất cứ ngân hàng thương mại. Điều đó có nghĩa dòng tiền đang bị siết lại, bài toán cung ứng vốn cho doanh nghiệp cũng là một thách thức hiện nay.

“Một mặt doanh nghiệp gặp khó khăn thu mua nguyên nhiên vật liệu để sản xuất, mặt khác họ gặp khó khăn khi cần huy động vốn từ hệ thống ngân hàng thương mại, do NHNN đang siết tín dụng, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn để phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch”, ông nhận định.

Vị chuyên gia nói thêm, doanh nghiệp Việt Nam chỉ có khả năng tiếp cận thị trường vốn trong nước, trong khi đó doanh nghiệp FDI tiếp cận với thị trường vốn toàn cầu. Đây cũng là hạn chế trong cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tạo ra khó khăn kép. Cụ thể, hàng hóa thiếu hụt, giá cả tăng cao, trong khi khả năng phục hồi sản xuất của doanh nghiệp bị hạn chế, sản lượng cung ứng cho nền kinh tế cũng bị giảm theo. Tất cả điều này làm cho áp lực lạm phát nặng nề hơn.  

Hồng Hà