|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: Phải tìm cách tăng cầu trong nước để bù đắp nhu cầu sụt giảm từ bên ngoài

12:22 | 07/06/2024
Chia sẻ
Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng ADB khuyến nghị, trong vòng một hai năm tới Việt Nam cần tập trung đẩy mạnh vào đầu tư tư nhân, đầu tư công và tiêu dùng để tạo động lực cho kinh tế trong nước cân bằng với sự suy yếu của nhu cầu từ bên ngoài.

Phân tích về những thách thức đối với kinh tế Việt Nam tại Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam 2024 chiều 6/6, ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam cho rằng kinh tế thế giới đang có rất nhiều bất ổn, xu hướng căng thẳng, xung đột giữa các quốc gia gia tăng, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng nhiều đến những quốc gia mà nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam.

Việt Nam có nền kinh tế rất mở, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi GDP dẫn đến Việt Nam phụ thuộc nhiều vào bên ngoài. Trong cơ cấu xuất nhập khẩu, chúng ta nhập siêu từ Đông Á và xuất siêu sang những nước Âu, Mỹ.

Hiện tại, kinh tế châu Âu và Mỹ rất khó khăn, vừa qua ECB đã hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2019, đây cũng là một chỉ dấu cho thấy nền kinh tế của họ đang rất khó khăn nên phải hạ lãi suất để kích thích kinh tế. Điều này dẫn đến nhu cầu đối với hàng hoá Việt Nam cũng sụt giảm.

Kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam dự báo trong năm nay, xuất khẩu có thể sẽ phục hồi so với năm ngoái nhưng cũng khó có thể tăng trưởng mạnh mẽ. Cầu xuất khẩu có phục hồi nhưng khó có tăng trưởng mạnh vì vậy nền kinh tế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cầu trong nước.

Tạo động lực trong nước để cân bằng với bên ngoài

Ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam. (Ảnh: BTC).

Phân tích về những yếu tố tác động đến thị trường nội địa, ông Hùng cho hay cầu trong nước phụ thuộc rất nhiều vào chính sách bởi nó liên quan trực tiếp đến đầu tư tư nhân, đầu tư công và tiêu dùng nội địa.

Trong khi đó, các động lực bên trong cũng chưa phục hồi thực sự tích cực. Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, đầu tư tư nhân vẫn còn yếu, tiêu dùng nội địa dù có tăng trưởng nhưng mức tăng trưởng chậm lại, thấp hơn nhiều so với giai đoạn các năm trước.

Người tiêu dùng thận trọng, tiết kiệm hơn do bối cảnh kinh tế khó khăn dẫn đến tiêu dùng tăng trưởng chậm, khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng tới 65% về mặt số lượng nhưng chi tiêu vẫn còn thấp, doanh thu của ngành du lịch chỉ tăng 15% so với cùng kỳ. "Cả khách quốc tế và khách trong nước đều rất thận trọng trong chi tiêu", ông Lực nói.

Để tạo đà tăng trưởng cho những động lực này, ông Hùng nhấn mạnh đầu tư tư nhân, đầu tư công hay tiêu dùng phụ thuộc vào môi trường đầu tư, kinh doanh.

Bên cạnh đó, các yếu tố này phụ thuộc vào những chính sách tài khoá của Chính phủ và phụ thuộc vào các biện pháp cải cách để làm sao giảm chi phí, tạo nhiều cơ hội kinh doanh hơn cho doanh nghiệp để phát triển được thị trường nội địa.

“Đây nên là trọng tâm chính sách trong vòng một hai năm tới để tạo động lực cho kinh tế trong nước cân bằng với sự suy yếu của nhu cầu từ bên ngoài", ông nói.

Hai biến số ảnh hưởng nhiều nhất đến doanh nghiệp

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. (Ảnh: VIR).

Đồng quan điểm, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đánh giá thị trường và thể chế là hai biến số trong “vạn biến” ảnh hưởng nhiều nhất đến doanh nghiệp.

Với yếu tố thị trường, hiện tại tính cạnh tranh của doanh nghiệp ở thị trường trong nước và nước ngoài đều trở nên gay gắt hơn. Nếu như trước đây, doanh nghiệp có thể giành lại thị phần khi thị trường phục hồi nhưng hiện tại sẽ có rất nhiều đối thủ cạnh tranh tham gia giành lấy thị phần cùng các hàng rào gia nhập khó khăn hơn và cùng đó hành vi của người tiêu dùng khó dự đoán.

Về thể chế, Chính phủ hiện đang điều hành chính sách rất quyết liệt, kiểm soát chất lượng của các văn bản từ khâu ban hành, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước giảm câu chuyện một cửa nhiều ngách. Trong năm qua, nhiều luật được ban hành.

Trong đó, 4 luật quan trọng là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15 có hiệu lực từ 1/1/2025 và đang được trình để đẩy sớm lên trước 5 tháng.

“Hiện nay, luật chơi mới đã được thiết lập. Với sự thay đổi này, doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ và chiến lược phù hợp với 4 luật. Các luật này có thể tái cơ cấu thị trường đối với ngành nghề sản xuất kinh doanh có liên quan”, ông Hiếu cho hay.

Việc của các doanh nghiệp do đó cần chuẩn bị cho kịch bản. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần thay đổi về cách tiếp cận trong vạn biến với tâm thế chủ động và chấp nhận cuộc chơi, từ việc tuân thủ thế chế hiện tại cho đến việc chuẩn bị và sẵn sàng cho thay đổi thể chế trong tương lai.

Ngay như tại kỳ họp Quốc hội lần này, các luật mới như luật đấu giá tài sản, luật Thủ đô, luật… có tác động lớn về hoạt động kinh tế xã hội.  Để ứng biến, các doanh nghiệp cần bám sát để phản biện để có thể chế tốt và ứng biến khi luật lệ đã được thông qua, thậm chí có kịch bản sớm từ khi có Dự thảo.

Hạ An