|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Không nên điều chỉnh mục tiêu lạm phát

14:32 | 24/05/2022
Chia sẻ
Theo tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, nếu điều chỉnh mục tiêu lạm phát sẽ gây xáo trộn không cần thiết và gây tâm lý chủ quan, giảm tính chủ động, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành kiểm soát lạm phát.
 

Trước những ảnh hưởng đến từ lạm phát chuỗi cung ứng; giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng cao và tổng cầu trong nước tăng đột biến, dự báo lạm phát năm 2022 của nền kinh tế Việt Nam trong khoảng 4-4,5%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra.

Xung quanh câu chuyện có nên điều chỉnh mục tiêu lạm phát năm 2022, phóng viên đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê.

- Trong vòng 1 tháng qua, giá xăng tăng 4 lần liên tiếp và đã vượt mốc 30.000 đồng/lít. Theo ông, có nên giảm các loại thuế đánh vào xăng dầu để giảm bớt áp lực lạm phát của nền kinh tế?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Trong cơ cấu giá cơ sở xăng, dầu, mỗi lít xăng, dầu bán ra đang có 4 loại thuế: thuế giá trị gia tăng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% và thuế bảo vệ môi trường (xăng RON95 là 4.000 đồng, xăng E5RON92 là 3.800 đồng, dầu diesel là 2.000 đồng).

Bên cạnh đó, giá mỗi lít xăng còn phải cộng thêm chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, trích lập Quỹ bình ổn và lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo tính toán, tổng các khoản thuế, phí chiếm 44% giá thành bán ra của một lít xăng RON 95.

Quốc hội và Chính phủ đặt ra và thực hiện các loại thuế đánh vào xăng dầu để tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước và điều tiết việc sử dụng tiết kiệm, hiệu quả mặt hàng này. Nếu cắt giảm các loại thuế đánh vào xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách.

Tuy vậy, hoạt động của nền kinh tế Việt Nam năm 2022 diễn ra trong bối cảnh dự báo tình hình quốc tế và trong nước có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn; tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc và dự báo thấp hơn năm 2021, rủi ro tiếp tục gia tăng; trong nước sức chống chịu và nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút, tạo áp lực lạm phát.

Khu vực doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược quốc gia, được sử dụng trong hầu hết các ngành kinh tế và tiêu dùng của dân cư. Giá xăng dầu đang tăng và đứng ở mức cao theo giá xăng dầu thế giới, ảnh hưởng đến sản xuất và hiệu quả thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Vì vậy, trong giai đoạn hiện nay, Quốc hội và Chính phủ nên coi việc giảm thuế đánh vào xăng dầu nhằm kiểm soát giá mặt hàng này không vượt ngưỡng cao để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cuộc sống của người dân. Đây được xem như khoản đầu tư và sẽ mang lại hiệu quả tức thì, tạo nguồn thu ổn định cho ngân sách nhà nước trong tương lai gần.

Với cơ cấu hình thành giá với 44% là thuế, phí nên mặt hàng xăng dầu có nhiều dư địa để giảm giá khi cắt giảm thuế, phí đánh vào xăng dầu.

Thời gian qua, khi giá xăng dầu tăng "thẳng đứng" khiến nhiều quốc gia phải tìm cách hãm đà tăng của loại nhiên liệu này thông qua các biện pháp giảm thuế, phí. Tại Thái Lan, Chính phủ đã cắt giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dầu diesel trong 3 tháng khiến doanh thu thuế giảm 17 tỷ baht. Cùng với giảm thuế tiêu thụ đặc biệt với dầu diesel, Chính phủ Thái Lan cũng sử dụng Quỹ Dầu để bình ổn mặt hàng này ở mức 30 baht/lít.

Ấn Độ cắt giảm thuế tiêu thụ đặc biệt liên bang đối với xăng và dầu diesel cũng như thúc giục các bang giảm thuế giá trị gia tăng tương ứng đối với nhiên liệu để thúc đẩy nền kinh tế đất nước.

Tại Hàn Quốc, Chính phủ áp dụng quy định giảm 20% thuế xăng dầu cho tới cuối tháng 7 và bỏ ngỏ khả năng tăng thêm mức giảm thuế lên 30% nếu giá xăng dầu thế giới không suy giảm.

Nhiều quốc gia khác như Bồ Đào Nha, Canada hay Anh cũng tính tới phương án giảm thuế VAT hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào nhiên liệu để hạ nhiệt giá năng lượng.

Hiện nay, với các chương trình phục hồi kinh tế của các quốc gia, tổng cầu thế giới tăng cao; bất ổn địa chính trị và các biện pháp cấm vận dầu mỏ và khí đốt của Nga, dự báo giá xăng dầu thế giới vẫn tăng ở mức cao. 

Vì vậy, đối với kinh tế Việt Nam, chỉ có giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT đối với xăng dầu mới giữ cho giá của mặt hàng này không vượt ngưỡng 30.000 đồng/lít. Kiềm chế giá xăng dầu là yếu tố quan trọng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô nên cần khẩn trương thực hiện linh hoạt, hiệu quả bởi giá xăng dầu tăng ở mức cao gây ra nhiều khó cho nền kinh tế, làm giảm hiệu quả của chính sách tài khóa và tiền tệ. Khi giá dầu thế giới chững lại, chúng ta có thể áp dụng trở lại như bình thường.

Tôi cho rằng việc giảm thuế đối với xăng dầu không làm giảm thu ngân sách nhà nước mà chỉ thay đổi cơ cấu thu. Cụ thể, thu từ các loại thuế đánh vào xăng dầu sụt giảm, nhưng khi giảm thuế xăng dầu sẽ giữ ổn định sản xuất của nền kinh tế, thu ngân sách từ thuế sản xuất, thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác gia tăng sẽ bù đắp và vượt phần hụt thu từ giảm thuế xăng dầu.

- Theo ông có nên đánh đổi tăng trưởng kinh tế để kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4% không?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Tăng trưởng kinh tế có tầm quan trọng đối với quá trình phát triển của đất nước. Vì thế, tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững luôn là mục tiêu xuyên suốt của các quốc gia.

Ngay khi đại dịch được khống chế, với sự bao phủ của vaccine và nỗ lực của Chính phủ các nước thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng, kinh tế thế giới đã thoát khỏi suy thoái. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kể từ khi đại dịch diễn ra, Chính phủ các nước đã chi số tiền kỷ lục, khoảng 16.900 tỷ USD; trong đó Mỹ chiếm tỷ lệ 1/3.

Kết quả cho thấy năm 2021, kinh tế thế giới đã phục hồi ngoạn mục với mức tăng trưởng đạt 5,9%; trong đó, các nước phát triển đạt 5,2%, tăng so với mức âm 4,5% của năm 2020, các nước mới nổi và đang phát triển đạt 6,4%, tăng so với mức âm 2,1% của năm 2020.

Tại Mỹ, nền kinh tế đã bật tăng trở lại với mức tăng trưởng 5,7% trong năm 2021, mức tăng cao nhất trong gần 40 năm qua, đánh dấu sự phục hồi ấn tượng vì chỉ một năm trước đó kinh tế Mỹ suy giảm sâu, với mức tăng trưởng âm 3,4%, mức giảm sâu nhất trong 74 năm. Tăng trưởng kinh tế Mỹ có được động lực mạnh mẽ từ các gói kích thích kinh tế quy mô lớn và chính sách lãi suất thấp. Trong số 6.000 tỷ USD được Mỹ bơm ra, khoảng 1/7 số tiền được chuyển thẳng vào tài khoản của người dân đóng thuế.

Tuy vậy, năm 2021, kinh tế Mỹ cũng trải qua một năm lạm phát cao, giá cả không ngừng tăng, đạt đỉnh trong quý 4/2021; trong đó, chỉ số giá tiêu dùng tăng 6,5%, cao nhất trong 40 năm.

Tính cả năm 2021, kinh tế Mỹ ghi nhận lạm phát tăng 3,9%. Lạm phát của Mỹ vẫn kéo sang 4 tháng đầu năm 2022; trong đó, tháng 4/2022, lạm phát tăng 8,3%, giảm nhẹ so với mức 8,5% của tháng 3/2022 - mức cao nhất kể từ năm 1981.

Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu tiếp tục tăng nhẹ, đạt mức cao kỷ lục 7,5%, so với mức 7,4% vào tháng 3/2022 và nhiều khả năng còn tiếp tục tăng cao.

Câu chuyện đánh đổi lạm phát cao để phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng kinh tế không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn tại các nền kinh tế lớn trên thế giới như: khu vực đồng tiền chung châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản...

Từ thực tiễn chấp nhận lạm phát vượt mục tiêu trong ngắn hạn để ưu tiên cho tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trên thế giới, theo tôi không nên đánh đổi tăng trưởng kinh tế để kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4%.

- Thưa ông, mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4% đang là một thách thức rất lớn trong bối cảnh giá nguyên, nhiêu vật liệu thế giới vẫn tăng cao, chúng ta có nên điều chỉnh mục tiêu lạm phát năm 2022?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Năm 2020, dịch COVID-19 đã trở thành “kẻ sát thủ vô hình," tàn phá ghê gớm kinh tế thế giới, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai với mức tăng trưởng âm 3,1%. Phần lớn các nền kinh tế đều tăng trưởng âm, ngoại trừ Trung Quốc, Ai Cập và Việt Nam.

Năm 2020, lạm phát thế giới tiếp tục ở mức thấp. Tại các nền kinh tế phát triển, lạm phát dưới ngưỡng mục tiêu 2%, thậm chí có những tháng chỉ số giá tiêu dùng ở trạng thái giảm phát, kéo dài liên tục trong một vài tháng như trường hợp của khu vực đồng tiền chung châu Âu và Nhật Bản. Trong khi đó, diễn biến lạm phát tại hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi giảm mạnh trong giai đoạn đầu của đại dịch và đạt ở mức thấp so với dữ liệu trong lịch sử.

Năm 2021, do đứt gãy chuỗi cung ứng, biến thể Delta, khủng hoảng năng lượng, cung tiền nhiều trên thị trường, quá trình phục hồi nền kinh tế thế giới đã khiến giá cả hàng hóa leo thang, lạm phát toàn cầu tăng cao với tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế thế giới năm 2021 ở mức 4,3%, vượt trội so với mức lạm phát trung bình 3,2% trong giai đoạn 2015-2020 và thế giới tiếp tục phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn do lạm phát bùng phát trong năm 2022.

Kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu. Áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam đến từ lạm phát chuỗi cung ứng; giá nguyên, nhiên vật liệu thế giới tăng cao và tổng cầu trong nước tăng đột biến.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. (Ảnh: Thúy Hiền/TTXVN).

Bên cạnh đó, khủng hoảng Nga-Ukraine chưa có hồi kết càng làm trầm trọng thêm sự đứt gãy chuỗi cung ứng, đẩy giá nguyên, nhiên vật liệu và lạm phát thế giới tăng cao, lập kỷ lục trong mấy thập kỷ gần đây.

Trong nước, dự báo giá lương thực, thực phẩm, giá dịch vụ giáo dục; giá nhiên liệu, năng lượng tăng trong những tháng cuối năm. Vì vậy, dự báo lạm phát năm 2022 của nền kinh tế Việt Nam trong khoảng 4-4,5%, cao hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra nhưng là mức thấp trong bối cảnh lạm phát thế giới tăng cao.

Theo tôi, chúng ta không nên điều chỉnh mục tiêu lạm phát của năm 2022 vì các cân đối vĩ mô, chỉ tiêu kế hoạch, chính sách và giải pháp đều xây dựng trên cơ sở mục tiêu lạm phát khoảng 4%. Nếu điều chỉnh mục tiêu lạm phát sẽ gây xáo trộn không cần thiết và gây tâm lý chủ quan, giảm tính chủ động, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành kiểm soát lạm phát...

Tuy vậy, Chính phủ nên có kịch bản vĩ mô với lạm phát của nền kinh tế năm 2022 ở mức 4,5% và 5% để chủ động giải pháp điều hành nền kinh tế và điều chỉnh dự toán ngân sách, kế hoạch đầu tư công.

Tăng trưởng, việc làm và lạm phát luôn là vấn đề quan tâm của Chính phủ, các nhà kinh tế và người dân. Trong bối cảnh năm 2022, kinh tế thế giới suy giảm, lạm phát cao, nếu kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng khoảng 6% và lạm phát trong khoảng 4-4,5% là một thành công, đặc biệt vẫn được các nhà đầu tư nước ngoài, các tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, tin tưởng tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam đầy tiềm năng.

- Thưa ông, Mỹ - nền kinh tế đầu tàu thế giới - vừa quyết định tăng lãi suất mạnh nhất trong hai thập kỷ. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam và có còn dư địa thực hiện chính sách vĩ mô nới lỏng để phục hồi và phát triển kinh tế?

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm: Đầu tháng 5/2022, Ủy ban thị trường mở Liên bang Mỹ đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản lên biên độ mới từ 0,75% đến 1%. Quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 0,5% đánh dấu mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 5/2020.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra thông tin họ sẽ tiếp tục tăng lãi suất điều hành trong năm nay để kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, Fed sẽ thu hẹp quy mô bảng cân đối kế toán khoảng 427,5 tỷ USD trong nửa cuối năm 2022. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ sẽ tác động đến kinh tế nước ta ở các nội dung. Đó là mặt bằng lãi suất toàn cầu tăng lên khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, làm giảm tổng cầu hàng hóa và dịch vụ thế giới vì thế giảm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Người dân mua hàng hóa tại siêu thị. (Nguồn: TTXVN).

Tiếp đến, Fed tăng lãi suất khiến đồng USD lên giá so với hầu hết các đồng tiền khác; trong đó, có đồng Việt Nam (VND), gây áp lực tăng tỷ giá và lãi suất của VND. Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD dự báo tăng không nhiều do dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt mức khá cao, đủ khả năng chống chịu các cú sốc bên ngoài để ổn định tỷ giá; nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối, thực hiện giải ngân vốn FDI dự báo vẫn tăng ổn định, cán cân thương mại cả năm dự báo thặng dư; Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường.

Ngoài ra, Mỹ tăng lãi suất khiến giá trị đồng USD, tỷ giá VND/USD và lãi suất trong nước tăng khiến nghĩa vụ trả nợ nước ngoài tăng, điều này tác động tới các doanh nghiệp FDI nhiều hơn so với nợ nước ngoài của Chính phủ. Tuy nhiên, với sự điều hành tỷ giá linh hoạt, giữ ổn định của Ngân hàng Nhà nước sẽ không gây xáo trộn và ảnh hưởng đến thị trường tiện tệ trong nước.

Đồng thời, khi Fed tăng lãi suất, các nhà đầu tư lo ngại rủi ro, rút vốn từ các thị trường mới nổi, quay về đầu tư tại thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác để phòng tránh rủi ro và hưởng lãi suất cao. Điều này tác động đến dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp nước ngoài. Dẫu vậy, Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn do hệ thống chính trị và kinh tế vĩ mô ổn định, dự báo tăng trưởng kinh tế đạt trên 6% trong năm 2022 và 2023.

Theo số liệu thống kê 4 tháng đầu năm, khối ngoại chỉ bán ròng gần 2,5 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 110 triệu USD. Vì vậy, dự báo các nhà đầu tư ngoại nếu có rút vốn cũng sẽ không nhiều đối với thị trường Việt Nam.

Trước 4 nhóm tác động của việc Fed tăng lãi suất ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam, với sự điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá linh hoạt đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá sẽ góp phần kiềm chế lạm phát, nhất là chúng ta vẫn còn dư địa thực hiện chính sách vĩ mô nới lỏng để phục hồi và phát triển kinh tế.

- Xin cám ơn ông! 

Thúy Hiền