Chuyên gia: Mức tăng 6% lương tối thiểu vùng giúp hài hòa lợi ích người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp
Sau hai năm không điều chỉnh mắc tăng lương tối thiểu vùng do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, mới đât, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2022 với mức tăng 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Theo đó, mức tăng từ 180.000 - 260.000 đồng/người/tháng tùy vùng, thời điểm áp dụng từ ngày 1/7. Cụ thể: vùng 1 tăng 260.000 đồng, vùng 2 tăng 240.000 đồng, vùng 3 tăng 210.000 đồng, vùng 4 tăng 180.000 đồng.
Đánh giá về mức tăng thêm 6% lương tối thiểu vùng, Chuyên gia Tài chính, TS. Nguyễn Đức Độ cho biết việc tăng lương tối thiểu vùng cần phải hài hòa được giữa doanh nghiệp và người dân.
"Đối với mức tăng 6% thì đây là mức tăng phù hợp vừa giúp cải thiện phần nào đó đời sống của người dân sau thời gian ảnh hưởng do dịch COVID-19 mà vẫn đảm bảo được khả năng chi trả của doanh nghiệp", ông Nguyễn Đức Độ cho hay.
Chuyên gia Tài chính cũng cho biết thêm, trong hai năm qua, lạm phát duy trì ở mức tương đối thấp, cho nên mức tăng thêm 6% cũng tương đương với mức tăng của lạm phát nói chung.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cũng lưu ý, việc tăng lương tối thiểu vùng không đồng nghĩa với việc thu nhập của tất cả lao động trong nền kinh tế tăng lên. Thực tế, chỉ có những lao động đang ở mức lương tối thiểu thì thu nhập sẽ tăng, còn đối với những lao động đã trên mức tối thiểu thì thu nhập có thể hoàn toàn không thay đổi.
Về phía doanh nghiệp, việc tăng lương tối thiểu vùng chắc chắn sẽ tác động tới chi phí của các doanh nghiệp. Tuy nhiên với những doanh nghiệp đã trả mức lương cao sẵn rồi thì sẽ bị ảnh hưởng ít. Còn những doanh nghiệp đang trả mức lương tối thiểu thì họ có thể bị ảnh hưởng nhiều hơn.
Đối với kinh tế vĩ mô thì tổng cầu, sức mua của người dân cũng sẽ tăng lên song cũng sẽ không nhiều. Theo ông Nguyễn Đức Độ, vấn đề quan trọng nhất của vĩ mô chính là vấn đề tạo việc làm.
"Với chính sách nới trần giờ làm thêm của người lao động từ mức 40 giờ lên 60 giờ mỗi tháng vừa qua, kết hợp cùng việc tăng lương tối thiểu vùng sẽ giúp thu nhập của người lao động được cải thiện nhiều hơn khi người lao động có thể làm nhiều hơn", Chuyên gia Tài chính nêu ý kiến.
Đồng quan điểm, Chuyên gia kinh tế tài chính, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng nói về nhu cầu của người lao động thì đáng ra sẽ phải tăng cao hơn do đã trải qua hai năm không tăng mức lương tối thiểu vùng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, bản thân chủ doanh nghiệp vẫn còn đang trong quá trình phục hồi và vẫn còn rất nhiều khó khăn vì thế việc cân đối giữa lợi ích của người lao động và khả năng chi trả của doanh nghiệp thì mức tăng 6% là mức tăng cũng khá hợp lý.
Xét về phía doanh nghiệp, mức tăng lương tối thiểu vùng 6% không phải là quá lớn, song do nhiều doanh nghiệp sử dụng mức lương tối thiểu vùng làm cơ sở đóng các khoản bảo hiểm, lệ phí, điều này khiến cho các doanh nghiệp sẽ phải chi trả khối lượng tiền tương đối lớn. Ở một góc độ nào đó, các doanh nghiệp sẽ gặp phải những khó khăn trong việc huy động, sử dụng vốn vào sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, xét về phương diện khác, việc tăng lương này giúp tạo ra không khí lao động phấn khởi của cán bộ công nhân viên và điều này cũng sẽ đem lại những lợi ích lớn hơn cho bản thân doanh nghiệp cũng như nền kinh tế, giúp vơi bớt đi phần nào tình trạng thiếu hụt lao động của một số doanh nghiệp, các khu công nghiệp trong thời gian qua.
Trên cơ sở đó, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng những điều trên sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm.
Đánh giá tới tác động vĩ mô, Chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng trong hai năm ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh số bán lẻ sụt giảm không chỉ bởi giãn cách phong tảo mà còn từ việc người dân dần thắt chặt chi tiêu nhiều hơn. Điều này cũng phản ảnh sự sụt giảm thu nhập của người dân.
"Tổng hòa từ các chính sách tăng lương tối thiểu vùng, nới trần giờ làm thêm lên 60 giờ/tháng giúp cải thiện thu nhập người lao động tới chính sách giảm thuế VAT 2 điểm % giúp kích cầu tiêu dùng, tát cả những yếu tố này sẽ góp phần làm tăng khả năng tiêu dùng của người lao động", chuyên gia Đinh Trọng Thịnh chia sẻ và cho rằng việc tăng sức mua của người dân cũng giúp làm tăng khả năng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Sáng 12/4, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên thứ 2 và thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7, với mức tăng bình quân 6% so với lương hiện hành. Theo đó, mức tăng từ 180.000 - 260.000 đồng/người/tháng. Cụ thể:
Vùng 1 tăng thêm 260.000 đồng/tháng, lên mức 4,68 triệu đồng/người/tháng.
Vùng 2 tăng thêm 240.000 đồng/tháng, lên mức 4,16 triệu đồng/người/tháng.
Vùng 3 tăng thêm 210.000 đồng/tháng, lên mức 3,64 triệu đồng/người/tháng.
Vùng 4 tăng thêm 180.000 đồng/tháng, lên mức 3,25 triệu đồng/người/tháng.
Trước đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong năm 2020, 2021 Chính phủ không điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020. Hiện nay mức lương tối thiểu vùng vẫn đang được áp dụng theo mức cũ như sau:
Vùng I: Lương tối thiểu vùng là 4,42 đồng/tháng.
Vùng II: Lương tối thiểu vùng là 3,92 đồng/tháng.
Vùng III: Lương tối thiểu vùng là 3,43 đồng/tháng.
Vùng IV: Lương tối thiểu vùng là 3,07 đồng/tháng.