Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Việt Nam muốn phát triển nền kinh tế số cần phải đổi mới thể chế
Nền kinh tế số - sự phát triển tất yếu
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2019 do Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (UEB – VNU) và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam vừa mới công bố chỉ rõ, nền kinh tế số đã thúc đẩy sự ra đời và phát triển của các thị trường online, từ đó thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) phát triển. Trong những năm qua, doanh thu từ hoạt động TMĐT đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2015, thị trường TMĐT toàn cầu đạt doanh số 25,3 nghìn tỉ USD (UNCTAD, 2018) thì đến năm 2017, con số này tăng 13%, đạt khoảng 29 nghìn tỉ USD (Azevedo, 2019). Tỉ trọng của TMĐT qua biên giới ngày càng gia tăng. Số lượng người tiêu dùng tham gia mua bán online và tìm kiếm các nguồn mua hàng ở nước ngoài tăng nhanh chóng…
Đặc biệt, so sánh Việt Nam trong tương quan với các quốc gia láng giềng cho thấy Việt Nam đang có những điều kiện tốt để phát triển nền kinh tế số. Thế mạnh của Việt Nam so với các quốc gia khác là xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao và kết quả chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Hiện nay, có 7 xu thế chủ đạo định hình nền kinh tế số Việt Nam, bao gồm: Các công nghệ số mới nổi; một thế giới thu nhỏ - quốc tế hóa; gia tăng nhu cầu về an ninh mạng và quyền riêng tư; tăng nhu cầu về cơ sở hạ tầng số hiện đại; nhu cầu thành phố thông minh; gia tăng các kỹ năng, dịch vụ, doanh nghiệp số, nền kinh tế việc làm tự do và thay đổi hành vi tiêu dùng.
Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ rõ bốn kịch bản cho tương lai của nền kinh tế số Việt Nam đến năm 2030 và 2045. Các kịch bản này gồm có: Kịch bản Truyền thống: Ngành Công nghệ thông tin và truyền thông chậm phát triển, mức độ ứng dụng công nghệ thấp trên toàn nền kinh tế; Kịch bản Chuyển đổi số: Chuyển đổi số lớn, rộng khắp các ngành công nghiệp và dịch vụ của chính phủ đi kèm với tăng trưởng nhanh trong xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ CNTT&TT…
Phải đổi mới hệ thống pháp luật
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (Nguồn: Trí thức trẻ)
Phát biểu tại Hội thảo, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc phát triển và ứng dụng kinh tế số là điều vô cùng quan trọng đôi với Việt Nam. "Tôi luôn có một trăn trở đó là, dù Việt Nam trong quá trình hội nhập tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngày càng có những bước tiến quan trọng, tuy nhiên Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như thế nào?", bà Lan nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích, trên thực tế, sản phẩm công nghệ cao đóng góp lớn vào xuất khẩu của Việt Nam và tỉ trọng tăng lên chủ yếu là của đầu tư nước ngoài. Chẳng hạn, một mình Sam Sung thôi đã đóng gớp tới hơn 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam,… còn phần của nội địa rất hạn hẹp.
"Hiện tại có một điều rất cần suy nghĩ cho tương lai đó là liệu Việt Nam sẽ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu như thế nào để thoát ra khỏi tình trạng tham gia lâu nay nhưng vẫn ở mức thấp như nhân công thấp, công nghệ thấp,… Tất cả những cái đó khiến Việt Nam rất khó có thể phát triển trong thời đại của kinh tế số", bà Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho biết, việc kết hợp những vấn đề của kinh tế số, những chỉ số để đánh giá kinh tế số với những chỉ số đánh giá về việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cho thấy, tương lai phát triển tới đây của Việt Nam rất cần xem lại để định hình lại xem nên tham gia chuỗi giá trị toàn cầu như thế nào. Và việc cố gắng bứt ra khỏi tình trạng tất cả đang ở nền tảng thấp hiện nay là vô cùng quan trọng và cấp thiết đối với Việt Nam.
Theo bà Phạm Chi Lan, không thể cứ tiếp tục hài lòng với tốc độ tăng tưởng kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao, tỉ trọng cao về các mảng cao vì trên thực tế, nội lực của nền kinh tế chưa tăng cường được bao nhiêu, chưa làm chủ được để đi lên theo xu hướng phát triển mới của thế giới hiện nay. Trong khi đó, những cơ hội mà kinh tế số mang lại cho các quốc gia là rất lớn, trong đó có cả các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Bàn về giải pháp và hướng đi trong thời gian tới, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, nhân tố chủ đạo giúp cho Việt Nam có thể đi được vào kinh tế số hay không, theo được kịch bản tốt nhất là chuyển đổi số hay không là vấn đề thay đổi tư duy. Từ việc thay đổi tư duy phải biến thành hai lĩnh vực quan trọng nhất về đổi mới là đổi mới về hệ thống luật pháp và hệ thống giáo dục của Việt Nam.
Theo nhận định của vị chuyên gia này, hiện nay, hệ thống luật pháp của Việt Nam vẫn còn rất nhiều vấn đề cần phải cải thiện thì mới có thể làm cho kinh tế số hoặc khát vọng tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam phát triển được. Cụ thể, trong Chỉ thị 16 của Chính phủ về những việc cần làm để phát triển công nghiệp 4.0 đã nêu được hai điều: Thứ nhất là xây dựng hạ tầng cho cách mạng 4.0 và kinh tế số và thứ hai là tạo môi trường kinh doanh và đổi mới về thể chế.
"Tôi nghĩ, điều thứ hai sẽ trở thành một điều quan trọng nhất của Việt Nam bởi vì nếu không thay đổi về thể chế cho tốt thì cách phát triển hạ tầng của Việt Nam sẽ trở thành lệch lạc. Hiện nay, câu chuyện hạ tầng là câu chuyện đang rất nóng, kể cả trên diễn đàn Quốc hội, trên các mặt báo… đều nhắc tới vấn đề này. Điều này đang đòi hỏi Việt Nam cải thiện về hạ tầng. Nếu như không tập trung được và giúp hạ tầng mang lại được lợi ích tốt nhất cho nền kinh tế thì có thể tạo thành một sự lãng phí lớn. Vì vậy, thể chế để phát triển hạ tầng cũng rất cần phải xem lại, làm sao tạo được sự minh bạch để từ đó có những quyết định đầu tư mang lại hiệu quả tốt nhất", bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh.