Chuyên gia khuyên công ty mẹ Gojek nên rút khỏi Việt Nam để có lãi
Cuộc chiến lợi nhuận tại công ty mẹ Gojek
CEO Jianggan Li của Momentum Works - một công ty tư vấn có trụ sở tại Singapore, nói: “GoTo (công ty mẹ Gojek) đã đưa ra các mục tiêu về lợi nhuận, nhưng họ đang phải đối mặt với một môi trường cạnh tranh và vấn đề về vốn thực sự thách thức”.
“Thách thức thực sự là họ đang cạnh tranh trên nhiều mặt trận với các đối thủ lớn hơn trong khu vực, những người cũng có vị thế tiền mặt tốt hơn”, ông nói
Josua Pardede, một nhà kinh tế tại Bank Permata cho biết: “Chúng tôi cho rằng một trong những chi phí tốn kém nhất của GoTo đến từ tiền lương dành cho nhân viên và bao gồm các chi phí bồi thường cho thôi việc được thực hiện vào năm ngoái”.
"Trong tương lai, khi các hoạt động vận hành của họ hiệu quả hơn, chúng tôi kỳ vọng chi phí thay đổi, đặc biệt là tiền lương của nhân viên sẽ giảm và hỗ trợ lợi nhuận của GoTo trong tương lai”, ông nói.
GoTo không đơn độc đối mặt với bài toán lợi nhuận. Tuy nhiên, một số công ty khác cùng ngành trong khu vực đã đạt được những tín hiệu tích cực trong kinh doanh. Đơn cử, tháng trước Sea đã công bố quý đầu tiên có lãi kể từ khi lên sàn, khi các nỗ lực tái cơ cấu bao gồm cắt giảm hàng nghìn việc làm đã được đền đáp.
Hay như Grab dự kiến sẽ hòa vốn trên quy mô tập đoàn vào quý IV năm nay trên cơ sở EBITDA đã điều chỉnh, sau khi thu hẹp khoản lỗ hàng năm xuống còn 1,74 tỷ USD vào năm ngoái, cải thiện 51% so với một năm trước đó.
Công ty mẹ Gojek cũng đang tăng cường cắt giảm số lượng nhân viên. Tháng trước, hãng này thông báo sa thải 600 người, sau khi cho biết sẽ cắt giảm 1.300 nhân viên vào tháng 11 năm ngoái, tương đương 12% lực lượng lao động.
Công ty cho biết cắt giảm việc làm là cần thiết để tạo ra một tổ chức hợp lý hơn.
Các nhà phân tích hoan nghênh điều này, nhưng cho biết đó chỉ là một phần của giải pháp. "Chỉ cắt giảm việc làm sẽ không đủ”, ông Li của Momentum Works, nói.
Theo ông Li, công ty mẹ Gojek cần cắt giảm các hoạt động không cốt lõi, tăng cường hiệu quả và cải thiện lợi nhuận, đồng thời thoái vốn khỏi các thị trường như Việt Nam - nơi việc duy trì là không khả thi trong tương lai gần hoặc trung hạn.
“Để đạt được lợi nhuận ròng, họ sẽ cần nhiều biện pháp quyết liệt hơn nhằm siết chặt hiệu quả và tiết kiệm chi phí trong mọi lĩnh vực hoạt động", ông Li nói.
Năm ngoái, khoản lỗ ròng của GoTo tăng 56% so với năm 2021, lên 40.400 tỷ rupiah, tương đương 2,7 tỷ USD. Giá trị khoản lỗ thậm chí cao gấp 3 lần doanh thu ngay cả khi doanh thu đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ, đạt 11.300 tỷ rupiah.
Thị trường Việt Nam của Gojek
Gojek tiến vào thị trường Việt Nam từ tháng 8/2018 dưới tên GoViet và đây cũng là thị trường nước ngoài đầu tiên của hãng bên ngoài Indonesia. Nền tảng này cung cấp các dịch vụ như gọi xe, giao hàng và đặt đồ ăn.
Đến tháng 7/2020, GoViet hợp nhất ứng dụng và thương hiệu với Gojek để trở thành Gojek Việt Nam. Công ty cho biết ứng dụng Gojek, dựa trên nền tảng công nghệ toàn cầu mới, sẽ cho phép GoViet đáp ứng những thay đổi trong nhu cầu và ưu tiên của người dùng Việt Nam thông qua việc đổi mới sáng tạo, đưa ra các tính năng và sản phẩm mới nhanh hơn, mượt mà hơn.
Ứng dụng mới sẽ giúp người dùng Việt Nam có những trải nghiệm tốt hơn, với giao diện đơn giản, gọn gàng hơn và nhiều tính năng được nâng cấp. Người dùng cũng sẽ có thể sử dụng các dịch vụ của Gojek ở Indonesia, Singapore và Thái Lan.
Đồng thời, ông Phùng Tuấn Đức - một người Việt Nam từng làm việc tại Vingroup, cũng được bổ nhiệm làm CEO Gojek Việt Nam. “Công ty sẽ tiếp tục được dẫn dắt bởi sự am hiểu địa phương và thấu hiểu nhu cầu của khách hàng - cơ sở đã tạo ra thành công của GoViet cho tới nay”, thông cáo báo chí của GoViet giới thiệu vị CEO mới.
Sau 6 năm có mặt tại Việt Nam, Gojek đang có thị phần thứ ba tại Việt Nam, lần lượt đứng sau Grab và Be Group.
Ngoài ra, công ty cũng đang phải vật lộn với bài toán lợi nhuận trong khi hai đối thủ còn lại đã có những tín hiệu khả quan. Như Be Group là nền tảng gọi xe đầu tiên hoà vốn ở Việt Nam, công ty này cũng bắt đầu có lãi góp dương từ quý III/2022. Trong khi Grab như đã nói ở trên, đã giảm lỗ và mục tiêu hoà vốn vào cuối năm nay.
Đầu năm nay, ông Phùng Tuấn Đức rời ghế CEO. Thay ông Đức là ông Sumit Rathor - từng giữ vai trò Giám đốc vùng của Gojek tại Indonesia, phụ trách các vùng lãnh thổ Trung và Đông Java Bali.