|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chuyên gia hiến kế để tài chính tiêu dùng an toàn đối với nhà đầu tư và người tiêu dùng

15:10 | 22/05/2018
Chia sẻ
Theo các chuyên gia, người tiêu dùng cần phải hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước khi quyết định sử dụng dịch vụ tài chính để giảm thiểu rủi ro. Đối với Công ty Tài chính không nên chấp nhận rủi ro tăng trưởng dư nợ bằng mọi giá.

Ngày 22/5, tại “Tọa đàm tài chính tiêu dùng: An toàn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng”, các vấn đề chính của thị trường tài chính tiêu dùng (TCTD), bao gồm thực trạng, tiềm năng và vai trò của TCTD nói chung và tín dụng tiêu dùng nói riêng với sự phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam đã được các chuyên gia phân tích, mổ xẻ chi tiết.

Đồng thời, các chuyên gia cũng khuyến nghị nhiều giải pháp cần thực hiện để thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển bền vững, đảm bảo an toàn cho cả nhà đầu tư và người tiêu dùng.

tai chinh tieu dung an toan cho cac nha dau tu va nguoi tieu dung
Toàn cảnh Toạ đàm "Toạ đàm Tài chính tiêu dùng: An toàn cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng"

Tài chính tiêu dùng là cơ hội và thách thức cho hệ thống TCTD

Ông Nguyễn Tú Anh, Phó Vụ trưởng vụ Chính sách tiền tệ, NHNN nhấn mạnh: “Sự phát triển mạnh của cho vay tiêu dùng vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với hệ thống các TCTD. Một mặt lĩnh vực cho vay tiêu dùng mới phát triển, dư địa tăng trưởng còn lớn do đó đây là thị trường đầy tiềm năng cho các TCTD. Mặt khác, cũng vì đây là lĩnh vực còn mới ở Việt Nam, nên kinh nghiệm cho vay, kinh nghiệm quản lý rủi ro của cả các TCTD và người đi vay còn non trẻ. Do đó sự phát triển nhanh của hoạt động cho vay tiêu dùng đặt ra rất nhiều vấn đề về quản lý rủi ro đối với các TCTD, với cơ quan quản lý nhà nước và đối với cả khách hàng.”

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, tài chính tiêu dùng đang đóng góp rất tốt cho sự phát triển xã hội. Đặc biệt, các công ty tài chính (CTTC) ra đời đã giúp nhiều người có thể tiếp cận vốn từ các kênh chính thức hơn. Chỉ tính riêng các CTTC đang phục vụ khoảng gần 30 triệu khách hàng. Bên cạnh, đó các CTTC đã tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.

Trong vòng 5 năm qua, tín dụng tiêu dùng đã tăng gần 5 lần và tiếp tục được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời gian tới. Cụ thể, nếu cuối năm 2012, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng khoảng 230.000 tỷ đồng, chiếm 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế thì đến cuối năm 2017, dư nợ tín dụng tiêu dùng đã đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (gấp 4,8 lần năm 2012), chiếm khoảng 18% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Đến tháng 4 năm 2017, các CTTC đã có số lượng nhân sự lên đến 40.000 người; trong đó, riêng FE Credit có đến 15.000 nhân viên. Số lượng nhân viên này có được mức thu nhập nhất định, góp phần giảm nghèo cho xã hội.

Cả người đi vay và người cho vay đều phải cẩn trọng

Theo các chuyên gia để giảm thiểu rủi ro trong hoạt động vay tiêu dùng, các CTTC cần kiện toàn hệ thống kỹ thuật quản lý hồ sơ khách hàng, cần thực hiện tốt hơn việc minh bạch thông tin cho khách hàng. Đồng thời, cần thực hiện nghiêm túc các quy định về cho vay và quản lý vay, đặc biệt lưu ý đến các quy tắc về đòi nợ - vấn đề đang gặp khá nhiều tranh cãi với khách hàng trong thời gian qua.

Ngoài ra, CTTC cũng cần truyền thông cho người dân hiểu hơn về tài chính tiêu dùng bởi hoạt động này là cơ hội cho người nghèo, người thu nhập thấp có thể tích lũy tài sản, cải thiện đời sống, dòng lưu thông hàng hóa của xã hội được lưu thông tốt hơn.

“Các CTTC cũng cần coi trọng việc quản trị rủi ro trên các khoản vay, không nên quan tâm đến tăng trưởng dư nợ bằng mọi giá”, các chuyên gia nhấn mạnh.

Về phía khách hàng vay, TS Đỗ Hoài Linh (Giảng viên tài chính tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân) khuyến cáo: “Người đi vay cần hiểu rõ về tài chính tiêu dùng, có kế hoạch tài chính cá nhân thật tốt để tối ưu giá trị của những khoản vay. Người tiêu dùng phải hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ của mình trước khi quyết định sử dụng dịch vụ”.

Chương trình có sự tham dự của ông Nguyễn Văn Thùy, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Giám sát Tổng hợp, Ủy Ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ông Nguyễn Tú Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước; TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV, nhiều chuyên gia kinh tế uy tín và đại diện các công ty tài chính (CTTC) lớn nhất hiện nay tại Việt Nam là FE Credit và Home Credit.


An Nhiên