Chuyên gia: Giá vàng đã giảm rất nhanh, nhà đầu tư nên thận trọng khi mua vàng
Trước động thái bán vàng miếng trực tiếp tới người dân thông qua các ngân hàng thương mại Nhà nước (Big4) và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Hùng Linh, chuyên gia kinh tế, người sáng lập kiêm Giám đốc tư vấn Think Future Consultancy, để có thêm những đánh giá về chính sách mới này của nhà điều hành.
- Thưa ông, ngày 3/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa phê duyệt giá bán vàng miếng SJC là 78,98 triệu đồng/lượng. Ông có nhận định về mức giá NHNN đưa ra và giải pháp mà NHNN đang triển khai?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Kể từ khi NHNN công bố sẽ bán vàng qua 4 ngân hàng thương mại Nhà nước, chênh lệch giá vàng đã giảm rất nhanh từ mức 26% giá vàng thế giới (ngày 29/5) xuống chỉ còn 12% vào sáng ngày 3/6.
Khi giá bán chính thức được niêm yết vào buổi chiều ngày 3/6 là 79,98 triệu/lượng thì giá vàng SJC trên thị trường đang từ 80,7 - 81 triệu đồng/lượng cũng ngay lập tức giảm về bằng đúng mức giá đó. Đồng nghĩa chênh lệch giảm tiếp về 11%.
Như vậy thì ngay cả khi chưa bán vàng, chênh lệch giá vàng đã giảm, cho thấy mức độ thành công của phương pháp điều hành giá mới của NHNN
Theo tôi chênh lệch giá vàng SJC so với giá vàng thế giới hay các loại vàng khác ở trong nước cũng có lý do riêng. Vàng SJC có thương hiệu, uy tín và thanh khoản cao nhất thị trường. Thông thường với các loại “hàng hiệu” như vậy thì cũng thường có mức giá cao hơn các loại hàng hóa thông thường. Người mua nếu không thích mức chênh này thì có thể mua các loại vàng khác đang có trên thị trường và với mức chênh thấp hơn.
Chúng ta không cần phải đặt vấn đề phải giảm chênh lệch giá vàng SJC về bằng 0 mà nên giữ ở mức độ nào đó chấp nhận được. Việc nhập khẩu vàng đang làm hao tổn dự trữ ngoại hối. Dự trữ, theo đúng nghĩa là chỉ nên sử dụng vào những nhu cầu khẩn thiết.
Vàng không phải là một nguyên liệu tư liệu sản xuất thiết yếu, vàng chỉ là một công cụ cất giữ hay cho tặng. Vì vậy không nên coi vàng và giá vàng là một ưu tiên cần ổn định.
Tôi cho rằng không nên hao tổn nhiều dự trữ, và cũng không nhất thiết phải hạ giá bán thêm nếu giá thế giới tiếp tục đi ngang. Giá bán theo biện pháp này của NHNN có thể coi là một mức giá chặn trên, có thể cao, có thể thấp hơn giá bán của các cửa hàng vàng.
Nếu giá cửa hàng vàng thấp hơn, người dân có thể đến đó để mua, nhưng khi giá cửa hàng vàng cao hơn, người dân sẽ tự động đến các ngân hàng thương mại Nhà nước để mua. Làm như vậy vừa bình ổn giá, vừa không bị tốn dự trữ.
- Ông có dự đoán gì về xu hướng thị trường vàng thời gian tới?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Tôi không muốn đưa ra dự báo cá nhân về giá vàng thế giới. Điều chúng ta hướng tới là giữ mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức hợp lý để đáp ứng nhu cầu người dân và phòng chống buôn lậu. Năm 2013 chúng ta đã bán ra 74 tấn vàng nhưng chênh lệch giá vàng vẫn còn ở mức 10%-20% trong 2 năm 2014 và 2015.
Năm nay chúng ta mới chỉ bán ra hơn 2 tấn vàng (bao gồm 6 phiên đấu thầu trước đó và ngày 3/6) mà mức chênh lệch đã giảm về 11% thì có thể coi là thành công bước đầu. Ngoài ra, chênh lệch giá vàng nếu còn đến từ yếu tố đầu cơ hay từ môi trường lãi suất thấp thì chúng ta cũng phải cân nhắc để xử lý ở 2 góc độ đó. Thị trường vàng minh bạch hơn sẽ giúp giảm bớt chênh lệch giá vàng.
- Trước diễn biến thị trường hiện nay, ông có khuyến cáo gì tới người dân?
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh: Đầu tư vàng để kiếm lời từ giá lên là một công việc đòi hỏi rất nhiều kinh nghiệm và công sức để nghiên cứu theo dõi. Việc này nằm ngoài khả năng của hầu hết người dân.
Trong những ngày qua, việc bình tĩnh chờ ngân hàng thương mại Nhà nước bán vàng đã trực tiếp làm giảm nhu cầu mua vàng, làm giảm chênh lệch giá vàng và mang lại lợi ích cho chính người có nhu cầu mua vì đã mua được giá thấp hơn.
Bong bóng tài sản hay đầu cơ thổi giá chỉ có thể làm được nếu người mua nóng vội. Nếu người dân bình tĩnh, không chạy theo phong trào cũng đó cũng là một cách để bảo vệ lợi ích của chính mình.
Trân trọng cảm ơn ông đã chia sẻ!