Chuyên gia chỉ ra hai dòng vốn sẽ giúp nền kinh tế 'bật tăng' vào cuối năm
Ngoài thế chủ đạo của dòng vốn đầu tư công trong việc tạo động lực để thúc đẩy kinh tế, sau nửa đầu năm sụt giảm, dòng vốn FDI cho thấy nhiều tín hiệu tích cực khi tăng ấn tượng trong hai tháng gần đây.
Trong tháng 7, vốn FDI tăng 72,4% so với cùng năm trước và sang tháng 8, vốn FDI đăng ký tăng 70,6% so với cùng kỳ năm trước lên 1,9 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân cũng tăng lần lượt là 2,8% và 5,3% vào tháng 7 và tháng 8 so với cùng kỳ năm trước.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/8/2023 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 18,15 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước,vốn FDI thực hiện cũng tăng 1,3% lên 13,1 tỷ USD so với cùng kỳ.
Đầu tư công trong 8 tháng đầu năm ước đạt 352.100 tỷ đồng, bằng 49,4% kế hoạch năm và tăng 23,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là những tín hiệu tích cực bước đầu cho thấy nền kinh tế đã bắt đầu hồi phục, bên cạnh đầu tư công, FDI sẽ là dòng vốn quan trọng kích thích kinh tế trong các tháng cuối năm và cả năm 2024.
FDI tích cực trở lại
Bình luận về xu hướng này, các chuyên gia từ Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, nhằm đón đầu nhu cầu phục hồi ở các thị trường phát triển trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và hàng tồn kho giảm, nhiều doanh nghiệp FDI đang lên kế hoạch cho các dự án mới và mở rộng đầu tư vào Việt Nam. Đó là nguyên nhân chính khiến dòng vốn FDI cải thiện đáng kể trong hai tháng trở lại đây.
Về dài hạn, trong khi triển vọng thương mại toàn cầu vẫn ảm đạm thì vốn đầu tư trực tiếp FDI vẫn đang đổ vào Việt Nam là minh chứng rõ nét nhất cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn.
Báo cáo mới nhất từ Ngân hàng HSBC cũng khẳng định, bất chấp những thách thức thương mại diễn ra gay gắt, Việt Nam vẫn tiếp tục đi đầu trong việc thu hút FDI chất lượng. Đầu tư góp vốn mua cổ phần, đầu tư thành lập mới, tại Việt Nam đã tăng 40% so với cùng kỳ trong 8 tháng đầu năm 2023, trong đó riêng lĩnh vực sản xuất đã chiếm 85% tổng vốn FDI mới.
Đặc biệt, vốn FDI mới đổ vào lĩnh vực sản xuất từ trong 8 tháng đầu năm đã vượt tổng vốn đầu tư hàng năm của giai đoạn 2020-2022. Bất chấp suy tình hình xuất nhập khẩu giảm sút, xu hướng tích cực từ dòng vốn FDI sẽ mang lại hy vọng phục hồi cho Việt Nam khi chu kỳ kinh tế thay đổi, các chuyên gia từ HSBC nhận định.
Những tín hiệu tích cực của dòng vốn FDI ngày càng xuất hiện nhiều hơn khi trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden, hàng loạt dự án mới đã được ký kết như việc, công ty bán dẫn Amkor đầu tư vào nhà máy tại Bắc Ninh 1,6 tỷ USD và sẽ khánh thành trong tháng 10/2023 hay việc các ông lớn công nghệ như:NVIDIA, Microsoft, Synopsys,..
Không chỉ vốn đăng ký từ những doanh nghiệp mới, theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, việc các "ông lớn" FDI tại Việt Nam như Samsung hay LG tiếp tục mở rộng sản xuất cho thấy môi trường đầu tư của Việt Nam khá tốt.
Chỉ tính riêng ba năm gần đây, Việt Nam đã đón nhận các dự án lớn hàng tỷ USD như dự án 6,4 tỷ USD mở rộng sản xuất của Samsung, dự án 4 tỷ USD của LG về xây dựng nhà máy smartphone hay các dự án 2 và 2,5 tỷ USD của Sharp và Sunny Optical.
"Các dự án đầu tư này tạo tín hiệu rất lớn rằng thị trường Việt Nam đã được qua được những khó khăn, không chỉ trong nội tại mà còn là những vấn đề bên ngoài như địa chính trị, địa kinh tế,…", ông Tú Anh nói.
Ngoài ra, các đơn hàng xuất khẩu cũng bắt đầu quay lại, đó là những tín hiệu tốt cho thấy nền kinh tế có thể phục hồi trong quý III còn sự phục hồi mạnh mẽ thì sẽ rơi vào quý IV.
Tuy là một trong những quốc gia thu hút vốn FDI tốt nhất trong ASEAN, song theo các chuyên gia Việt Nam vẫn cần cẩn trọng với sự cạnh tranh từ các đối thủ.
Mặc dù, FDI của Indonesia vẫn chưa tăng đáng kể, nhưng tiến trình cải cách công nghiệp của nước này đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư. Thái Lan cũng đang chạy đua trong việc thu hút FDI chất lượng, trong khi Philippines, mặc dù có thể không phải là lựa chọn hàng đầu đối với một số nhà đầu tư, cũng đã ban hành cải cách để tăng sức hấp dẫn.
Với các xu thế mới, có hai chuỗi cung ứng được hưởng lợi nhiều nhất: ngành công nghệ và xe điện. Trong khi Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia có thành tích thu hút FDI vượt trội ở lĩnh vực công nghệ trong ASEAN thì Indonesia và Thái Lan là hai quốc gia được hưởng lợi chính ở lĩnh vực xe điện, Malaysia hiện cũng chiếm 45% thị phần toàn cầu trong lĩnh vực bán dẫn. Ngoài lĩnh vực sản xuất, ngành dịch vụ tài chính của ASEAN cũng có những khởi sắc nhưng vẫn tập trung chủ yếu ở Singapore.
Việt Nam chi cho đầu tư công nhiều nhất khu vực
Trong khi dòng vốn đầu tư tư nhân sụt giảm mạnh, vốn FDI mới chỉ cải thiện trong hai tháng gần đây, động lực chính của nền kinh tế vẫn phải trông chờ vào dòng vốn đầu tư công. Điểm đáng chú ý là việc Việt Nam luôn là quốc gia chi cho đầu tư công mạnh tay nhất trong những năm gần đây.
Theo ông Hồ Hữu Tuấn Hiếu, Chuyên gia Chiến lược đầu tư, SSI Research, so với các quốc gia trong khu vực, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công/GDP của Việt Nam cao hơn rất nhiều và tiếp tục tăng dần sau đó giữ ở mức 6-7%.
Đến năm 2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công/GDP theo kế hoạch đạt trên 7%, trong khi Indonesia chỉ khoảng 3%, Ấn Độ 4% và cả Trung Quốc, một quốc gia đầu tư rất mạnh vào hạ tầng cũng chỉ ở mức khoảng 5%.
Việt Nam đang là quốc gia có tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng hàng đầu khu vực, đây là điểm rất tích cực đối với nền kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn. Với ngắn hạn, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đầu tư công bơm ra sẽ là "liều thuốc" kích thích tiêu dùng, qua đó tháo gỡ khó khăn về thị trường cho nền kinh tế.
Đầu tư công cũng là yếu tố có tác động lan toả rất lớn bởi cứ một đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,62 đồng vốn đầu tư của các khu vực ngoài nhà nước, tăng được 1% tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ kéo GDP tăng 0,06 điểm %.
Với năm nay, để đạt kế hoạch thực hiện giải ngân vốn đầu công trên 95% thì một khối lượng vốn rất lớn sẽ tập trung vào các tháng cuối năm. Theo xu hướng mùa vụ từ các năm trước, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ chậm lại vào quý III sau đó bùng nổ vào quý IV, tạo sức bật cho nền kinh tế, ông Hiếu nhìn nhận.
Khẳng định có thể kỳ vọng vào việc giải ngân trên 95% tổng vốn đầu tư công 711.000 tỷ đồng trong năm nay, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng cho biết, hiện nay toàn bộ hệ thống phục vụ cho công tác giải ngân và thủ tục hành chính đã sẵn sàng.
"Nếu có hồ sơ giải ngân sẽ chuyển tiền một cách nhanh nhất, việc này đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều từ các cơ quan quản lý dự án, các nhà thầu. Từ nay đến cuối năm, chúng tôi tin tưởng mức 95% mà Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sẽ đạt được trong năm 2023", Thứ trưởng cho hay.