|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: Cần hỗ trợ đặc biệt cho các 'sếu đầu đàn' để tạo xương sống cho nền kinh tế

15:50 | 31/08/2023
Chia sẻ
Theo ông TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển, các nước như Hàn Quốc hay Trung Quốc đều có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho doanh nghiệp lớn để tạo xương sống cho nền kinh tế, từ đó lan toả đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Phát biểu tại Hội thảo Đánh giá 500 Doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (VPE500) diễn ra sáng 31/8, TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng ban Quốc tế, Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết, mặc dù doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh nhưng đến nay nước ta vẫn chưa có nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, đạt được tầm cỡ thế giới. Các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á. 

Tại thời điểm 31/12/2021, Việt Nam có 694.200 doanh nghiệp tư nhân trong nước, chiếm 96,6% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động; thu hút 58,1% số lao động, chiếm 59,3% tài sản và tạo ra 57,8% doanh thu thuần của khối doanh nghiệp. VPE phần lớn là các doanh nghiệp được thành lập sau giai đoạn đổi mới có quy mô nhỏ và vừa.

Tính đến cuối năm 2021, chỉ có 0,22% số doanh nghiệp có quy mô từ 500 lao động trở lên, thấp hơn tỷ lệ chung 0,52% cũng như 8,29% của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 19,52% của doanh nghiệp nhà nước.

Hỗ trợ cho DN lớn để tạo xương sống cho nền kinh tế

Theo ông Thắng, doanh nghiệp lớn ở Việt Nam tương đối trẻ và chưa có kinh nghiệm hàng trăm năm phát triển như các quốc gia tư bản như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Vì vậy, nếu muốn doanh nghiệp nội địa có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước và sau đó vươn ra quốc tế thì cần có chính sách hỗ trợ thực sự cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp đầu ngành, những "con sếu đầu đàn" chứ không phải hỗ trợ kiểu "cào bằng" hoặc chỉ giảm một vài loại thuế phí.

"Chính phủ phải sử dụng những hỗ trợ rất đặc biệt để có lực lượng doanh nghiệp lớn làm xương sống cho nền kinh tế. Nhìn từ các quốc gia khác, muốn có ngành công nghiệp phát triển, từ giai đoạn hàng chục năm trước, Chính phủ Hàn Quốc phải tài trợ rất nhiều cho các cheabol, các chính sách hỗ trợ đặc biệt này thậm chí còn được duy trì đến ngày nay..." ông Thắng nói.

Theo ông, việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp lớn qua đó cũng có tác động lan toả đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi các doanh nghiệp lớn có mạng lưới các nhà cung cấp và là đối tác, khách hàng của các doanh nghiệp nhỏ. 

Như ở Đài Loan, họ cũng chỉ hỗ trợ về mặt thủ tục, giấy tờ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn lãi suất thì do thị trường quyết định. Chắc chắn, lãi suất cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cao hơn doanh nghiệp lớn vì tính rủi ro cao hơn.

Tỷ lệ ra khỏi nhóm VPE500 giai đoạn 2021-2021 thấp hơn cả 2017 cho thấy sức chống chịu của doanh nghiệp lớn tốt hơn. (Nguồn: Báo cáo VPE500).

Phân tích về lực lượng doanh nghiệp tư nhân từ báo cáo VPE500, ông Thắng cho hay, tỷ lệ ra khỏi nhóm VPE500 giai đoạn 2021-2021 thấp hơn cả 2017 cho thấy sức chống chịu của doanh nghiệp lớn tốt hơn so với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ.

So sánh giữa hai năm COVID-19 và một năm trước đó, ông Thắng cho biết, có biến động khá lớn về số doanh nghiệp ra vào trong danh sách VPE500. Năm 2020, có tới 97/500 doanh nghiệp (19,4%) đã không còn trong xếp hạng VPE500 của năm 2019.

Những doanh nghiệp này tập trung vào nhóm ngành mà bị ảnh hưởng nhiều bởi COVID-19 như bất động sản và xây dựng (23/89), thương mại (15/73), dệt may (7/32), chế biến thực phẩm (9/70). Chỉ có một số ít ngành vẫn giữ được số lượng thuộc VPE500 là những ngành được đánh giá là hưởng lợi trong COVID-19 như thông tin truyền thông, bưu chính, sản xuất và phân phối điện.

Đến năm 2021, tiếp tục có tới 61 doanh nghiệp nữa rời khỏi danh mục, nâng tổng số rời đi sau hai năm lên tới 158, tương đương 31,6%, và vẫn tập trung vào các nhóm ngành bị ảnh hưởng nặng ở trên. Bên cạnh đó, ngay cả với các doanh nghiệp vẫn còn duy trì trong bảng xếp hạng, thứ hạng của các doanh nghiệp này cũng giảm đi nhanh chóng, tỷ lệ giảm trên 50 bậc là trên 60%.

Mặc dù vậy, tỷ lệ biến động ở trên cũng không quá lớn so với các năm trước COVID- 19. Ví dụ năm 2017 đã có 21% số doanh nghiệp rời khỏi danh mục VPE500 của năm trước đó, các năm 2018, 2019 lần lượt là 19,6% và 18,2%. Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp tồn tại liên tục ba năm liền trong giai đoạn trước thậm chí còn thấp hơn (270/500 so với 342/500). Tỷ lệ doanh nghiệp chỉ xuất hiện một lần duy nhất tương đối thấp, khoảng 7,8-16,4% VPE500 mỗi năm, thấp hơn khá nhiều so với giai đoạn trước.

Ngành chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất

Ngành chế biến, chế tạo chiếm gần 50% tỷ trọng trong VPE500.(Nguồn: Báo cáo VPE500).

Còn đối với ngành chế biến, chế tạo nhóm thuộc VPE500 biến động khá rõ qua các năm. Cụ thể, năm 2019 có 237 doanh nghiệp ngành chế biến chế tạo thuộc top 500, chiếm 47,4%; năm 2020 là 245 doanh nghiệp, chiếm 49,0% và năm 2021 là 233 doanh nghiệp, chiếm 46,6%.

Các doanh nghiệp này tập trung vào một số ngành như Chế biến lương thực, thực phẩm; Kim loại và sản phẩm kim loại; sản xuất vật liệu, khai thác than, dầu; Điện, điện tử.

Thứ hạng của các doanh nghiệp chế biến, chế tạo trong bảng xếp hạng VPE500 không cao. Năm 2019 và 2020 không có doanh nghiệp sản xuất nào nằm trong TOP10, tới năm 2021 chỉ có CTCP Thép Hòa Phát Dung Quất xuất hiện với vị trí thứ 6, trong khi phần lớn doanh nghiệp trong chế biến chế tạo có thứ hạng từ 300 trở lên.

Nhóm bất động sản và xây dựng chiếm tỷ lệ khá cao trong danh mục. Mặc dù vậy, do thị trường không thuận lợi trong giai đoạn COVID-19, số lượng các doanh nghiệp xây dựng trong VPE500 đã giảm đi (từ 67 còn 50) trong đó nhóm bất động sản có số lượng tăng nhưng vị trí trong bảng xếp hạng lại giảm đi.

Cũng theo nhóm nghiên cứu VPE500, tỷ lệ ra khỏi danh mục chung của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 25,3%, thấp hơn tỷ lệ chung là 28,0%. Hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm vẫn giữ được vị trí trong bảng xếp hạng, đây cũng là nhóm có xếp hạng cao và ít thay đổi về thứ bậc.

Tương tự doanh nghiệp thuộc TOP50 vẫn giữ được xếp hạng, và thứ hạng cũng ít thay đổi hơn. Những thông tin này cho thấy trong giai đoạn COVID-19, mức độ ổn định của VPE500 có cao hơn, ngụ ý rằng, các doanh nghiệp lớn vẫn duy trì tốt được vị thế của mình trên thị trường so với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hạ An