Chuyên gia bày kế đầu tư trong môi trường lạm phát cao
Với lạm phát tại Mỹ lên đỉnh 40 năm ở mức 7% vào tháng 12/2021, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang (Fed) Jerome Powell cam kết sẽ ổn định giá cả cho người tiêu dùng. Nhưng nhiều chuyên gia dự đoán giá cả cao hơn bình thường sẽ kéo dài trong suốt 2022, góp phần đẩy biến động lên cao. Điều này dĩ nhiên khiến mọi người lo lắng.
Những chuyển biến này sẽ ảnh hưởng ra sao đến các khoản đầu tư? 7 chuyên gia hoạch định tài chính đã chia sẻ với tờ Fortune các bước mọi nhà đầu tư có thể sử dụng để giảm thiểu tác động của lạm phát đến khoản đầu tư của họ.
Đánh giá lại các khoản đầu tư
Định kỳ đánh giá lại các khoản đầu tư và mục tiêu tài chính là thói quen tốt, nhưng trong môi trường hiện tại thì nhà đầu tư nên làm việc này càng sớm càng tốt.
Nếu có cố vấn tài chính, bạn nên yêu cầu họ chạy lại bất kỳ dự báo mục tiêu nào với tỷ lệ lạm phát cao hơn. Ví dụ, hầu hết các mô hình đều giả định tỷ lệ lạm phát 3%, có thể là quá thấp nếu bạn định nghỉ hưu trong vài năm tới.
Ông Seth Mullikin, nhà sáng lập công ty cố vấn Lattice Financial cho biết: "Thông thường, khách hàng nên có danh mục có thể chống chịu lạm phát ở ngưỡng nhất định". Nếu điều này là đúng thì có lẽ bạn không cần phải điều chỉnh nhiều. Nhưng những nhà đầu tư mà danh mục chủ yếu bao gồm chứng khoán trả thu nhập cố định có lẽ cần phải đánh giá lại.
Nhiều khả năng điều này đồng nghĩa với thực hiện những điều chỉnh nhỏ về phân bổ tài sản tổng thể nhằm đảm bảo rằng lợi nhuận vượt quá lạm phát.
Đừng vứt bỏ cổ phiếu
Lịch sử cho thấy cổ phiếu là công cụ phòng ngừa lạm phát tốt, tùy thuộc vào từng ngành, do đó các nhà hoạch định tài chính khuyên khách hàng không bán tháo cổ phiếu hay chứng chỉ quỹ chủ yếu đầu tư vào cổ phiếu.
Những khoản đầu tư này có thể bù đắp tác động của lạm phát. Ông Greg Giardino, nhà hoạch định tài chính tại J.M. Franklin & Co cho biết: "Về mặt lịch sử mà nói, sử hữu danh mục cổ phiếu mạnh mẽ mang lại cho nhà đầu tư biện pháp bảo vệ tốt nhất trước lạm phát".
Ông John Schere, nhà sáng lập công ty Trinity Financial Planning, khuyến nghị đầu tư vào quỹ tương hỗ cổ phiếu.
"Doanh nghiệp có vị thế tốt nhất để điều chỉnh trước lạm phát", ông nói. Đầu tư vào cổ phiếu là hợp lý vì trong phần lớn trường hợp, doanh nghiệp có thể chuyển chi phí gia tăng cho người tiêu dùng và giữ nguyên tỷ suất lợi nhuận và giá cổ phiếu của họ tăng lên. "Do vậy đầu tư vào doanh nghiệp, đa dạng hóa bằng cách sử dụng quỹ tương hỗ là cách phòng vệ lạm phát tuyệt vời".
"Thực tế là khách hàng có thể cần phải sở hữu nhiều cổ phiếu hơn mức họ muốn", ông Alec Quaid, chuyên gia tài chính tại American Portfolios Denver nói. Một phần tỷ trọng trong danh mục cần được đầu tư vào cổ phiếu để đánh bại lạm phát.
"Hãy nhớ rằng có hai cách khiến bạn mất tiền: 1 USD của bạn giảm còn 0,9 USD hay 1 USD của bạn chỉ mua được lượng hàng hóa trị giá 0,9 USD trong tương lai".
Bỏ qua tiền mặt và đa dạng hóa
Ông Jon Ulin, nhà sáng lập công ty quả lý tài sản Ulin & Co. Wealth Management cho rằng tiền mặt là loại tài sản dễ bị tổn thương nhất trong giai đoạn lãi suất gia tăng.
"Giá cả leo thang xói mòn giá trị của tiền mặt, nhấn mạnh tầm quan trọng của danh mục được đa dạng hóa hợp lý dù bạn đã nghỉ hưu hay chưa". Ví dụ, ông tính rằng chi phí nắm giữ 250.000 USD tiền mặt dẫn đến tổn thất sức mua 17.500 USD một năm với tỷ lệ lạm phát là 7%.
"Với nhà đầu tư, điều quan trọng là đa dạng hóa và nắm giữ những tài sản có thể thích ứng với môi trường lạm phát thay đổi", ông nói thêm.
Nhiều loại tài sản nhà đầu tư quen thuộc có sẵn đặc tính này, bao gồm cổ phiếu, hàng hóa và bất động sản. Ông Ulin đã bổ sung cách khoản đầu tư chống lạm phát và lãi suất cho danh mục đa dạng hóa chiến lược của khách hàng bao gồm trái phiếu lãi suất thả nổi và chứng chỉ quỹ ETF đầu tư cổ phiếu ưu đãi có thể điều chỉnh, cũng như cổ phiếu hàng hóa, dầu mỏ, tài chính, công nghiệp và quỹ tín thác đầu tư bất động sản.
Theo ông Ashton Lawrence, chuyên gia tại Goldfinch Wealth Management thì nhà đầu tư cũng nên xem xét thêm các công cụ khác. "Hiện nay quỹ đầu tư tư nhân hoặc khoản vay trực tiếp cho doanh nghiệp là những lựa chọn thú vị mà nhà đầu tư có thể cho vào danh mục để tăng cường đa dạng hóa".
Trái phiếu cấu trúc (structured notes) cũng là lựa chọn nhà đầu tư có thể cân nhắc nếu lo ngại thị trường lao dốc, nhưng vẫn muốn được hưởng một phần lợi nhuận nếu thị trường tăng tốt hơn dự kiến.
Ông Marco Rimassa, nhà sáng lập CFE Financial nhận định ngoài việc chuyển đổi các khoản đầu tư, người tiêu dùng cũng nên đánh giá thu nhập và chi tiêu. Điều này bao gồm những động thái tài chính rộng hơn như tìm cách để kiếm thêm tiền nếu có thể và kiểm soát chi phí, ví dụ như sử dụng những sản phẩm rẻ hơn tại cửa hàng tạp hóa và chủ động tìm kiếm nơi có giá tốt nhất.
"Nhà đầu tư nên phòng thủ tích cực chống lại lạm phát cao trong các lĩnh vực khác trong đời sống tài chính của họ", ông Rimassa nói.