|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chuyên gia: 6 yếu tố vĩ mô nhà đầu tư cần lưu ý trong năm 2023?

17:44 | 14/02/2023
Chia sẻ
Các chuyên gia cho rằng, trong năm nay kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như: Xuất khẩu giảm tốc, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất,... Với nội tại trong nước, các vấn đề của thị trường BĐS, TPDN sẽ là những yếu tố mà nhà đầu tư cần lưu tâm.

Năm 2023, nền kinh tế thế giới và cả Việt Nam được dự báo vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Lạm phát cao, kinh tế suy giảm và đặc biệt là "cuộc đua" nâng lãi suất để giữ giá đồng tiền của các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ là những yếu tố tác động đến nền kinh tế trong năm nay.

Vậy nhà đầu tư chứng khoán cần lưu tâm điều gì và các chỉ số vĩ mô có tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán trong năm 2023?

Xuất khẩu giảm tốc

Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect. (Ảnh: VTV).

Chia sẻ tại talk shows Phố Tài chính của VTV, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, năm 2023 nền kinh tế phải đối mặt với nhiều thách thức.

Đầu tiên là xuất khẩu chậm lại. Đây là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam nhưng năm 2023 sẽ có xu hướng khó khăn hơn khi tổng cầu thế giới suy giảm rõ rệt.

“Theo những dự báo gần đây, nhu cầu tiêu dùng của thế giới sẽ giảm xuống dưới 1% trong năm 2023, cho dù Trung Quốc đã mở cửa nền kinh tế trở lại. Vì vậy, xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó đạt mức tăng trưởng hai con số như trong 2 năm gần đây”, Giám đốc Phân tích VNDirect cho biết.

Lạm phát ở mức cao

 

Thách thức thứ hai theo bà Hiền là lạm phát. Áp lực lạm phát của năm 2023 có thể sẽ lớn hơn so với năm 2022.

Nếu như năm 2022, áp lực lạm phát chủ yếu đến từ những yếu tố bên ngoài như giá cả nguyên vật liệu cơ bản tăng mạnh thì năm 2023, đa phần nguyên nhân sẽ đến từ những yếu tố trong nước, như tăng giá điện hay tăng giá dịch vụ công thiết yếu khác, hoặc do tăng lương cơ bản từ tháng 7.

Bà Hiền cho rằng, mặc dù giá nguyên vật liệu có xu hướng hạ nhiệt, tuy nhiên do tỷ giá USD vẫn ở mức cao, nên sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới lạm phát trong nước cho đến ít nhất là giữa năm 2023.

Báo cáo của Công ty Chứng khoán SSI cũng cho rằng, lạm phát cao và dự kiến đạt đỉnh vào quý I/2023 sẽ tác động tiêu cực đến tiêu dùng từ đó gây ảnh hưởng lên kết quả kinh doanh của doanh nghiệp và thị trường chứng khoán.

Dữ liệu theo tháng cho thấy chỉ số CPI đã bắt đầu tăng tốc mạnh từ quý III/2022 với các yếu tố tác động tăng dịch chuyển dần từ nhóm năng lượng sang nhóm hàng hóa liên quan đến giáo dục và nhà ở. Điều này cũng khiến cho lạm phát cơ bản tăng mạnh hơn lạm phát chung, và áp lực lạm phát sẽ lớn dần hơn trong nửa đầu năm 2023, đặc biệt là khi Chính phủ sắp tăng giá điện hoặc dịch vụ y tế.

SSI cũng cho rằng, lạm phát lương thực và thực phẩm có thể là yếu tố rủi ro trong năm 2023 khi thuế VAT trở lại mức 10% hay giá thịt heo trong nước có thể sẽ bật tăng do việc mở cửa của Trung Quốc.

Áp lực tỷ giá

 

Yếu tố tiếp theo cần lưu ý là việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Chuyên gia của VnDirect cho rằng, áp lực tỷ giá vẫn ở mức cao ít nhất cho đến hết quý II/2023.

Theo dự báo của các chuyên gia quốc tế, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn sẽ tăng lãi suất vào tháng 2, tháng 3 và tháng 5 sẽ giữ lãi suất ở mức cao. Điều này gây áp lực không nhỏ đến điều hành tỷ giá của Việt Nam. Do đó, chắc chắn NHNN vẫn duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt và chỉ có thể nới lỏng đôi chút kể từ giữa năm.

Bên cạnh đó, dù cho tỷ giá đang dần được bình ổn, NHNN cũng đã mua vào thêm dự trữ ngoại tệ, song theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), việc suy giảm xuất khẩu trong năm 2023 có thể dẫn đến rủi ro về tăng tỷ giá, bởi đây là ngành mang lại nguồn cung ngoại tệ rất lớn cho Việt Nam.

Xuất khẩu đang suy yếu rõ rệt, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã sụt giảm liên tiếp trong 3 tháng gần đây, nếu xuất khẩu suy yếu sẽ làm tăng rủi ro về tỷ giá, ông Linh cho biết.

Lãi suất vẫn ở mức cao

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank. (Ảnh: VCBF).

Xuất phát từ việc Fed tăng lãi suất, NHNN khó tránh khỏi việc phải tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và tránh dòng vốn đầu tư nước ngoài rút khỏi Việt Nam. Vì vậy, mặt bằng lãi suất khó có thể giảm trong nửa đầu năm.

Mặt bằng lãi suất ở mức rất cao hiện nay khiến các doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn về chi phí vốn cũng như rất khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn. Ông Linh nói: "Nếu như lãi suất không giảm và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp không được cải thiện trong thời gian tới, tôi cho rằng có thể nhiều doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ phá sản trong năm nay, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc nhóm bất động sản và xây dựng”.

Đồng thời, điều này cũng đặt ra thách thức là sự suy yếu của thị trường lao động. Trong quý IV vừa qua, 400.000 công nhân đã bị ảnh hưởng bởi tình trạng thiếu đơn hàng xuất khẩu cũng như thị trường bất động sản đóng băng, ông Linh cho biết. 

Thị trường bất động sản, TPDN đóng băng

Thách thức cuối cùng của nền kinh tế năm 2023 là việc thị trường bất động sản đóng băng cũng như việc thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) vẫn chưa có những biện pháp rõ ràng để tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản.

Báo cáo từ SSI chỉ ra, lượng TPND đến hạn thanh toán trong năm 2023 là rất lớn, trong đó có một phần TPDN đến hạn được dời từ quý IV/2022 sang quý I/2023). Các vụ việc sai phạm liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang chờ xử lý.

Với Nghị định 65 sửa đổi về TPDN, hiện Bộ Tài chính đã trình Chính phủ và nhiều khả năng sẽ được thông qua trong Quý I/2023. 


Với thị trường bất động sản, Chính phủ đang nỗ lực tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sẽ rất khó để thị trường sôi động trở lại ngay trong năm nay.

Trung Quốc mở cửa trở lại

 

Ngoài 5 thách thức với nền kinh tế, một trong những cơ hội có thể tác động đến kinh tế vĩ mô là việc Trung Quốc mở cửa trở lại. 

Theo phân tích của SSI, việc Trung Quốc chính thức mở cửa hoàn toàn sau 3 năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 chắc chắn tác động tích cực đến các hoạt động kinh tế của Việt Nam, ví dụ như đối với ngành xuất khẩu, du lịch.

Tuy nhiên, tác động rõ rệt có thể chỉ đến từ nửa cuối năm 2023, và cũng cần phải nhắc lại rằng ba năm COVID-19 đã phần nào thay đổi thói quen tiêu dùng cũng như du lịch của du khách Trung Quốc, và các doanh nghiệp của Việt Nam sẽ cần phải nỗ lực hơn để thích ứng với xu hướng du lịch đó.

Với ước tính tích cực, SSI kỳ vọng khách Trung Quốc sẽ có tiềm năng đóng góp 2,8 tỷ USD doanh thu khách sạn và dịch vụ cho Việt Nam trong năm 2023.

Về thương mại, việc các hoạt động thương mại tại các cửa khẩu đường bộ có thể diễn ra mạnh mẽ hơn là nhân tố quan trọng giúp hỗ trợ xuất khẩu, chưa kể đến việc phục hồi của cầu nội địa của Trung Quốc.

Cụ thể, xuất khẩu các mặt hàng sản phẩm nông nghiệp ước tính tăng sau thời gian gặp khó khăn do chính sách Không COVID-19 kéo dài trong khi đó tốc độ tăng trưởng của các sản phẩm chủ chốt khác như hàng điện tử, giày dép, gỗ và bông vẫn được duy trì.

Theo SSI, trong kịch bản tích cực, mặc dù các dữ liệu vĩ mô có vẻ vẫn yếu, nhưng thị trường chứng khoán có thể đã bỏ qua các yếu tố này và hướng đến kỳ vọng cho sự phục hồi vào năm 2024.

"Chúng ta cũng cần thận trọng và không nên bỏ qua tác động của các yếu tố có độ trễ, như lợi nhuận doanh nghiệp kém khả quan hoặc dòng vốn FDI yếu đi, vì những yếu tố này có thể chỉ bắt đầu xuất hiện từ nửa cuối năm 2023", báo cáo từ SSI nêu rõ. 


Hạ An