Chuyện bán lẻ và ngân hàng số của TPBank
Định hướng phát triển ngân hàng bán lẻ và ngân hàng số
Trong một báo cáo mới đây của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, phát triển khái niệm Ngân Hàng Số (Digital Banking) là một hướng đi mới mẻ mà các ngân hàng vừa và nhỏ như LienVietPostBank, OCB và TPBank chú trọng nhằm đa dạng hóa nguồn doanh thu ngoài lãi và tăng trưởng huy động cá nhân. Trong đó, TPBank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam đi vào hoạt động mô hình LiveBank, ngân hàng 24/7 vào năm 2016; trong năm 2017, ngân hàng phát triển thêm gần 50 điểm bán tự động trên cả nước.
Điểm giao dịch này có thể thực hiện mọi chức năng của một máy ATM nhưng tích hợp thêm các chức năng khác như tiết kiệm, mở tài khoản và phát hành thẻ debit. Hiện tại, mô hình LiveBank chưa tích hợp các chức năng thẻ tín dụng, cho vay cá nhân nhưng xu hướng này cũng đã được tích hợp ở một số ngân hàng ở châu Á như CitiBank, SBI.
Nguồn: MBS/StockXPlus |
Theo MBS, so với mạng lưới chi nhánh ngân hàng truyền thống, độ thâm nhập của các điểm ATM hay LiveBank cao hơn. Vì vậy, khoảng chi phí hoạt động để duy trì một điểm bán truyền thống sẽ có khả năng đươc cắt giảm với mô hình hoạt động mới này.
Nguồn: MBS/ WorldBank |
Hơn nữa, tỷ lệ dân số Việt Nam chưa sử dụng các dịch vụ tài chính và có tài khoản ngân hàng vẫn còn chiếm tỷ trọng cao so với tỷ lệ này ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Qua đó, MBS đánh giá hướng đi vào ngân hàng số của TPBank có tiềm năng để Ngân hàng khai thác mạnh hơn mảng bán lẻ trong tương lai.
Nguồn: MBS/ WorldBank |
Ngân hàng số đóng góp cho tăng trưởng tín dụng 2018 là không đáng kể
Từ khi đưa vào hoạt động mô hình LiveBank năm 2016 với hai điểm bán, trong năm 2017, ngân hàng đã triển khai gần 50 điếm bán LiveBank và các sản phẩm ngân hàng số khác như eBank và eToken nhằm tăng mức độ thâm nhập thị trường khách hàng cá nhân và nhận diện thương hiệu.
Ngân hàng tự động LiveBank của TPBank |
Theo MBS, kết quả tăng trưởng huy động thị trường 1 trong quý III/2017 đạt 30% so với cùng kỳ một phần đến từ huy động của mô hình này và tỷ lệ CIR vẫn duy trì ở mức hợp lý 57% năm 2016 và 49% quý III/2017 do chi phí mở các điểm giao dịch này khá thấp so với chi nhánh giao dịch truyền thống cho các giao dịch huy động vốn đơn giản.
Tuy nhiên, trong thời điểm này, các giao dịch tại hệ thống LiveBank chưa có các giao dịch cho vay mà chỉ tập trung ở huy động nên MBS đánh giá đóng góp của mảng này cho tăng trưởng tín dụng 2018 là không đáng kể.
Những thay đổi cơ cấu cổ đông định hướng cho ngân hàng số
Việc tiếp cận với ngân hàng số của TPBank gắn liền với việc thay đổi cơ cấu cổ đông trong thời gian qua.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) được thành lập vào tháng 5/2008 với cổ đông sáng lập chính là FPT chiếm 17% vốn cùng với các cổ đông lớn là VMS Mobifone và Tổng Công ty Tái Hảo hiểm Quốc gia (Vinare). Tuy nhiên, sau gần 4 năm hoạt động, lợi thế công nghệ và viễn thông của các cổ đông lớn không được tận dụng tốt và ngân hàng bị xếp vào nhóm ngân hàng yếu cần tái cơ cấu với mức lỗ lũy kế ở mức trên 1.300 tỷ đồng năm 2011.
Đầu năm 2012, ông Đỗ Minh Phú và Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji mua lại gần 20% cổ phần Ngân hàng với mức dưới mệnh giá và đã góp phần vực dậy TPBank với những thay đổi trong nhận diện thương hiệu, định hướng hoạt động.
Vào đầu năm 2016, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (WB Group) đã tiến hành góp vốn vào ngân hàng với tỷ lệ sở hữu 4,35% thông qua cổ phiếu ưu đãi cổ tức.
Tháng 12/2017, đại hội đồng cổ đông ngân hàng đã thông qua kế hoạch tăng vốn với việc phát hành riêng lẻ 87,6 triệu cổ phiếu, trong đó, 33,5 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài là PYN Elite Fund (tỉ lệ sở hữu tương đương 4,99%).
Cơ cấu cổ đông TPBank thay đổi |
Việc thay đổi cơ cấu cổ đông chiến lược tạo thêm nhiều mảng cơ hội kinh doanh cũng như quản trị rủi ro cho ngân hàng. Với Doji, ngân hàng có được lợi thế kinh doanh vàng, điển hình như các dịch vụ mua bán và giữ hộ vàng nhằm gia tăng thu ph dịch vụ. Nhờ đó, TPBank được cấp phép tham gia thị trường vàng, điều mà không nhiều ngân hàng khác có khả năng làm được. Tháng 1/2017, ngân hàng triển khai ứng dụng eBank bản mới cho phép người dùng mua bán vàng trực tiếp trên điện thoại.
Không những thế, TPbank cũng có thể tiếp tục khai thác các đối tác chiến lược của Doji trong lĩnh vực xuất khẩu, nông nghiệp và công nghiệp phụ trợ nhằm mở rộng tăng trưởng tín dụng thông qua tài trợ vốn lưu động, loại hình tín dụng ít rủi ro và có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn kinh tế hồi phục.
Cổ đông sáng lập FPT cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải tiến các ứng dụng ngân hàng số và hỗ trợ công nghệ trong mô hình LiveBank. Các ứng dụng eBank và eToken của ngân hàng thay đổi 3 phiên bản với phương châm thấu hiểu người tiêu dùng. Các điểm bán LiveBank tăng đến 48 điểm chỉ trong 2017.
Bên cạnh khoản vốn góp, các đối tác chiến lược nước ngoài như IFC và PYN sẽ góp phần tham vấn cho ngân hàng trong công tác quản lý rủi ro và định hướng phát triển tín dụng của ngân hàng hướng mới mẻ hơn để trở thành ngân hàng số hàng đầu nhằm đa dạng hóa cơ cấu thu nhập ngoài lãi của ngân hàng.