Chuỗi siêu thị nội 'điêu đứng' vì siêu thị ngoại
"Nội" lo ngại... "ngoại"
Tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo TPHCM với các doanh nghiệp trong nước diễn ra sáng nay (7/3), đại diện các doanh nghiệp, hệ thống siêu thị, đơn vị cung ứng... bày tỏ sự lo lắng khi hàng nội có nguy cơ bị hàng ngoại lấn át thị trường nội địa.
Bà Lê Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc công ty Saigon Food cho rằng, hệ thống siêu thị phát triển mạnh nhằm giúp người dân an tâm khi mua sắm, có được những sản phẩm an toàn thật sự. Thế nhưng, năm 2016, hệ thống siêu thị nước ngoài thay đổi chủ kéo theo mọi hoạt động, con người cũng thay đổi làm ảnh hưởng lớn đến kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hệ thống siêu thị ngoại từ lâu có chiết khấu cao nhưng khi thay đổi chủ thì chiết khấu càng cao hơn nữa. Chiết khấu của siêu thị ngoại từ 15-30%. Việc tăng mức chiết khấu "khủng" khiến siêu thị nội không cạnh tranh nổi. Điều đó đã buộc hiệp hội Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phải vào cuộc "đấu tranh". Nhờ đó, siêu thị ngoại đã giảm mức chiết khấu xuống còn 15%, tuy nhiên vẫn cao hơn so với mức chiết khấu hiện nay của siêu thị nội (10%).
Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ doanh nghiệp trong nước. Nguồn: Dân Trí. |
Không chỉ siêu thị nội mà ngay cả chuỗi các cửa hàng tiện lợi cũng phát triển ồ ạt. Tuy nhiên, bản thân sự phát triển này chưa chuẩn bị kỹ lưỡng, doanh thu không cao. Mặc dù hệ thống phát triển nhưng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Bà Lâm cũng cảnh báo về tình trạng an toàn thực phẩm. Theo nữ doanh nhân này, thực phẩm sạch cũng có khả năng không an toàn. Nên dùng khái niệm thực phẩm an toàn để phân biệt với không an toàn.
Bà Lâm đề xuất cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để người tiêu dùng đừng vì hám lợi mua giá rẻ mà hại mình. Tuyên truyền doanh nghiệp nâng cao đạo đức doanh nghiệp để tồn tại lâu dài.
"Người dân quay lưng với chợ truyền thống vì hàng không bao bì, không nhãn mác nên quay vào siêu thị để được an toàn. Thế nhưng, trong hệ thống siêu thị hiện nay cũng có nhiều sản phẩm không chọn lọc kỹ nên không an toàn", bà Lâm nói.
Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Nhựa Bình Minh cho rằng, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện đang rất khó khăn, năng lực cạnh tranh thấp. Riêng doanh nghiệp ngành nhựa chịu áp lực rất lớn khi các doanh nghiệp nước ngoài có vốn, thực hiện chiến lược thâu tóm doanh nghiệp nhỏ.
Mặt khác, doanh nghiệp còn đang đứng trước nguy cơ hàng nhái, hàng giả khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Doanh nghiệp càng lớn càng bị làm giả.
"Phát hiện vi phạm hàng nhái, hàng giả nhưng suốt một năm vẫn không xử. Như vậy, pháp luật không răn đe, làm các doanh nghiệp bị thiệt hại vật chất, mất niềm tin người tiêu dùng. Tôi đề nghị, chính quyền cần có ý kiến về những vụ "ngâm hồ sơ" này để bảo vệ doanh nghiệp chân chính đúng lúc, kịp thời", ông Ngân nói.
Cứu doanh nghiệp nội bằng... chuỗi giá trị
Nữ doanh nhân Lê Thanh Lâm kể lại rằng, để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, cần có kênh quảng bá, giới thiệu, tôn vinh sản phẩm Việt. Nếu không tôn vinh kịp thời những thực phẩm an toàn của ta thì người tiêu dùng quay lưng sản phẩm Việt, ủng hộ hàng ngoại nhập. Khi đó, chúng ta chưa đánh đã thua, dọn khoảng trống thị trường cho doanh nghiệp ngoại.
Bà Lâm kể lại trường hợp doanh nghiệp của bà với "scandal" nhiễm khuẩn. Theo đó, doanh nghiệp của bà Lâm chưa bao giờ xuất khẩu cá diêu hồng đi Úc. Thế nhưng, truyền thông đưa tin doanh nghiệp bà đưa cá qua Úc và nhiễm kháng sinh. Tin đồn thất thiệt này khiến một thời gian dài doanh nghiệp bà điêu đứng, tổn hại uy tín.
Từ "bài học xương máu" trên, bà Lâm đề nghị cơ quan chức năng phải thực hiện trên tư duy cảnh báo chứ không theo tư duy thành tích. Phải làm kịp thời để người tiêu dùng, thị trường được rõ chứ không "bắt cóc bỏ đĩa".
Siêu thị trong nước đang cạnh tranh khốc liệt với siêu thị ngoại. Nguồn: Dân Trí |
Để giúp chuỗi siêu thị nội cạnh tranh được với siêu thị ngoại, bà Lâm đề xuất, Nhà nước cần tạo điều kiện và hỗ trợ để siêu thị nội phát triển, cũng là cách giúp doanh nghiệp Việt phát triển. "Đề nghị hệ thống siêu thị nội giữ nguyên mức chiết khấu cũ 10% và có thể giảm chiết khấu để các doanh nghiệp đẩy mạnh kênh bán hàng ở các siêu thị nội", bà Lâm nói.
"Doanh nghiệp của ta lâu nay đánh lẻ, không chia sẻ thông tin và không hợp tác. Nếu chấp nhận chiết khấu cao là tiếp tay cho siêu thị ngoại cạnh tranh siêu thị nội vì họ móc túi nhà cung cấp của ta để bán rẻ và cạnh tranh", bà Lâm cảnh báo.
Ở góc độ khác, ông Diệp Dũng, Tổng Giám đốc Saigon Coop cho biết, đằng sau của các tập đoàn bán lẻ lớn là cả binh đoàn các nhà cung cấp nước ngoài. Các doanh nghiệp ngoại có tầm nhìn dài hạn. Họ chiếm lĩnh thị trường từ từ và có chiến thuật rõ ràng. Không chỉ có tầm nhìn, doanh nghiệp ngoại còn san sẻ về trách nhiệm, chi phí. Sẵn sàng bán sản phẩm các nhà cung cấp của họ với giá thấp hơn 40%. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp của ta thì chưa có.
"Nói hàng hoá nước ta toả đi khắp thế giới mà không xác định mục tiêu để bơm vào thì nguồn lực của ta phân tán và lãng phí. Doanh nghiệp ngoại có tính liên kết tạo thành chuỗi cung ứng, có tính chia sẻ tầm nhìn, giá trị, đi chuyên sâu và luôn cải tiến công nghệ. Các doanh nghiệp của ta khi gặp khó khăn thì linh hoạt chuyển qua lĩnh vực khác, tạo ra sự phát triển không bền vững và khó hoà vào chuỗi giá trị", ông Dũng phân tích.
Do đó, để doanh nghiệp Việt vững mạnh, đủ sức cạnh tranh, ông Diệp Dũng cho rằng, cần chú trọng chuẩn hoá 3 yếu tố cơ bản là chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, hệ thống quản trị.
lãnh đạo TPHCM, hệ thống siêu thị, Saigon Food, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, VASEP, Nhựa Bình Minh, xuất khẩu cá diêu hồng, Saigon Co.op.