|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chuỗi nhà sách Fahasa thu gần 1.400 tỷ đồng trong quý III, tiền mặt chiếm gần 1/3 tài sản

11:15 | 13/10/2023
Chia sẻ
Trong quý III, Fahasa (công ty mẹ) ghi nhận 1.389 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng nhẹ 3% nhưng chi phí bán tăng mạnh hơn khiến lãi ròng của công ty giảm 22% còn hơn 14 tỷ đồng.

Trong bối cảnh sức mua của nền kinh tế yếu, bức tranh kinh doanh quý III của CTCP Phát hành sách Thành phố Hồ Chí Minh (Fahasa - Mã: FHS) - chủ sở hữu chuỗi 105 nhà sách không mấy sáng cửa. Theo báo cáo tài chính công ty mẹ, doanh thu của Fahasa tăng trưởng nhẹ nhưng lợi nhuận đi xuống.

Cụ thể, doanh thu thuần của Fahasa ghi nhận 1.389 tỷ đồng trong quý vừa qua, tăng 3% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp đạt hơn 325 tỷ đồng, tăng 8% so với quý III/2022. Biên lợi nhuận gộp cải thiện nhưng các chi phí như tài chính, bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều tăng so với cùng kỳ. Trong đó, chi phí bán hàng chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 285 tỷ đồng, tăng 11% so với quý III/2022.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ Fahasa giảm 22% so với cùng kỳ, đạt 14,1 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Fahasa có doanh thu 3.171 tỷ đồng, lãi ròng 36,3 tỷ đồng tăng lần lượt 2%, 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lãi trên không đơn thuần đến từ các chuỗi cửa hàng sách, hoạt động tài chính đóng góp hơn 1/3 do Fahasa đang có hàng trăm tỷ đồng gửi tiết kiệm.

9 tháng đầu năm 2023, Fahasa lãi 36 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ: Fahasa).

 

Cụ thể, tại ngày 30/9/2023, quy mô tài sản của Fahasa trên 1.697 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm. Mức tăng này đến từ tiền và tương đương tiền, khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho. Trong đó, hàng tồn kho tăng 19% lên 786 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang “khát” tiền mặt, tổng tiền và tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn của Fahasa khoảng 514 tỷ đồng tại ngày 30/9, chiếm 30% tổng tài sản.

Tiền gửi có kỳ hạn của Fahasa là 455,9 tỷ đồng. Lượng tiền gửi lớn giúp công ty thu về gần 17 tỷ đồng từ lãi tiền gửi, tiền cho vay trong ba quý đầu năm.

Cuối tháng 9, nợ phải trả của Fahasa hơn 1.515 tỷ đồng, chủ yếu đến từ phải trả cho người bán ngắn hạn là 1.298 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Fahasa nói không với nợ vay và điều này được duy trì kể từ khi công ty lên sàn.

Lâm Anh