Chuỗi cung ứng nông sản ở các tỉnh phía Nam cơ bản được khơi thông
Chia sẻ với báo chí chiều 23/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, với sự nỗ lực vào cuộc của Tổ công tác của Bộ cũng như các bộ, ngành trong những ngày qua, hiện các địa phương phía Nam đã cơ bản khơi thông chuỗi cung ứng nông sản, từ thu hoạch, sơ chế, chế biến đến phân phối. Nguồn lương thực, thực phẩm cơ bản đã được đảm bảo tới tất cả các nơi, kể cả khu cách ly.
Về thu hoạch lúa Hè Thu, với chủ trương "xanh nhà hơn già đồng", các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ thu hoạch để đảm bảo mùa vụ tiếp theo, đồng thời triển khai hệ thống chế biến, tiêu thụ, đảm bảo nông sản không bị ách tắc nhiều như những ngày trước đây.
Về vận chuyển, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, sau quá trình tháo gỡ khó khăn, hệ thống giao thông "luồng xanh" đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, theo báo cáo của một số địa phương, một số chốt, trạm vẫn có những quy định khác nhau nên đã gây ảnh hưởng đến "luồng xanh" phân phối sản phẩm từ các tỉnh đến TP HCM.
Tại các tỉnh cũng có những vướng mắc nhất định và Tổ công tác đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Y tế thống nhất giữa các địa phương, để "luồng xanh" phát huy tác dụng và không cản trở gì khi lưu thông nông sản.
Hệ thống phân phối nông sản có chợ đầu mối, chiếm từ 60 - 65% tổng sản lượng nông sản. Hiện TP HCM vẫn còn 3 chợ đầu mối là Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn bị đóng cửa. TP HCM cần bàn với các bộ, ngành, địa phương của Thành phố xem xét mở cửa trở lại vì đây cũng là đầu mối của chuỗi cung ứng nông sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.
Với kinh nghiệm từ bài học tiêu thụ nông sản ở Bắc Giang, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, TP HCM cũng như các tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long cần tận dụng các hình thức tiêu thụ nông sản như: online, sàn thương mại điện tử... Từ đó có thể tiêu thụ kịp thời nông sản theo đúng mùa vụ cũng như đảm bảo chất lượng, giá cả cho nông dân.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, toàn bộ vật tư nông nghiệp cho chu kỳ sản xuất cũng cần được đảm bảo lưu thông thường xuyên. Bộ đã có chỉ đạo các tỉnh thành phải cập nhật danh mục đó, để khi lưu thông qua các chốt, trạm kiểm tra thì những vật tư này sẽ được lưu thông thông suốt. Việc lưu thông tốt vật tư cho sản xuất cũng chính là tiền đề để đảm bảo chuỗi sản xuất không bị đứt gãy.
Về việc đảm bảo an toàn trong các cơ sở chế biến, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, từ rất sớm Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp kiểm soát chặt người lao động. Bài học kinh nghiệm từ phòng, chống dịch bệnh trên động vật với việc áp dụng cách ly, đảm bảo an toàn với người rất quan trọng. Những cơ sở chế biến phải quản lý chặt người lao động. Bộ đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn những cơ sở khi có ca F0 trong tổ chức vệ sinh, tiêu độc sát trùng và kiểm soát người vào để sớm tổ chức chế biến lại.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, sản xuất nông nghiệp có mùa vụ nên tất cả kế hoạch sản xuất đều được lãnh đạo các lĩnh vực triển khai bình thường. Những khó khăn trong lưu thông phân phối vật tư sản xuất phải được giải quyết thông suốt. Việc tiêu thụ, sơ chế, chế biến cũng phải được tháo gỡ khó khăn nhanh chóng để tổ chức sản xuất bình thường thì ngành mới đảm bảo mục tiêu kép.
Cũng trong ngày 23/7, Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản gửi UBND TP HCM về việc thu mua trứng gia cầm trong điều kiện dịch COVID-19.
Tổ công tác cho biết, qua khảo sát nắm tình hình và báo cáo của các địa phương về khả năng năng lực sản xuất, cung ứng của một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trứng gia cầm cho thấy khả năng cung ứng là khá lớn.
Theo đó, nhiều đơn vị có thể cung ứng trên 1 triệu quả trứng mỗi ngày như: Công ty trách nhiệm hữu hạn QL Việt Nam, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty Việt Swan.
Nhiều đơn vị có khả năng cung ứng trên 200.000 quả/ngày như: Công ty cổ phần Ba Huân, Công ty trách nhiệm hữu hạn Emivest Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn chăn nuôi gia cầm Năm Hưởng, Công ty trách nhiệm hữu hạn An Tỷ, Trại gà Tafa Việt (Bình Thuận), Công ty Vĩnh Thành Đạt…
Bên cạnh đó, một số đơn vị cũng có khả năng cung cấp trứng vịt như: Công ty cổ phần Ba Huân với 100.000 quả/ngày, Công ty Vĩnh Thành Đạt với 153.300 quả/ngày…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND TP HCM chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thu mua, cung ứng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân Thành phố.
Tổ công tác cũng khảo sát giá trứng gia cầm bình quân ngày 23/7 như sau: tại trại trứng gà từ 2.000 - 2.800 đồng/quả, trứng vịt 3.000 - 3.500 đồng/quả ở Bình Dương, Long An và Đồng Nai. Giá trứng bình ổn, cụ thể: trứng gà 2.800 đồng/quả, trứng vịt 3.300 đồng/quả của Công ty cổ phần Ba Huân. Tại cửa hàng tiện lợi, siêu thị, giá trứng gà từ 3.200 - 4.000 đồng/quả, trứng vịt từ 4.500 - 5.000 đồng/quả.
Trước đó, ngày 22/7, Tổ công tác đã có văn bản gửi các tỉnh, thành phố; trong đó có TP HCM về danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng hàng hóa nông sản. Tổ công tác đã tổng hợp được 180 đơn vị cung ứng các mặt hàng nông sản.
Cụ thể, rau củ có 41 đơn vị cung ứng; trái cây có 65 đơn vị; thủy hải sản, hàng chế biến, chăn nuôi, trứng, thịt, sữa có 59 đơn vị; gạo 11 đơn vị; các mặt hàng khác có 4 đơn vị. Danh sách các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng hàng hóa, nông sản và trứng gia cầm tiếp tục được Tổ công tác cập nhật.