Chứng khoán Việt Nam năm Canh Tý (2020): Mua là thắng mùa COVID-19, hoảng loạn bán tháo là cơ hội
Theo âm lịch, năm giao dịch Canh Tý (2020) trên thị trường chứng khoán Việt Nam sắp kết thúc. Nhưng phiên giao dịch cuối cùng (9/2) của thị trường đã diễn ra, khép lại một năm đầy biến động. Phiên cuối năm Canh Tý (9/2 dương lịch), nhà đầu tư hứng khởi khi VN-Index tăng 31,75 điểm (2,93%), đóng cửa ở 1.114,93 điểm. Như vậy, VN-Index tăng 12,45% trong năm Canh Tý.
Không bình yên như những gì thể hiện phiên cuối năm, VN-Index đã có năm sóng gió. Trong đó, không thể không nhắc đến những đợt lao dốc của thị trường khi dịch COVID-19 tái bùng phát ngoài cộng đồng.
Ngay hai phiên giao dịch đầu năm (30 – 31/1 dương lịch), TTCK Việt Nam đã giảm sâu khi NĐT lo ngại về những tác động tiêu cực của dịch COVID-19. VN-Index mất gần 55 điểm trong hai phiên đầu năm Canh Tý.
Sau đó, NĐT bình tĩnh trở lại và thị trường bắt đầu có những phiên hồi phụ. Kết quả công tác kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam là niềm tin để nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu và ngăn chặn đà bán tháo.
Song, tâm lý hoang mang trong giới đầu tư lại xuất hiện trở lại sau những thông tin dịch COVID-19 bùng phát trở lại ngoài cộng đồng đầu tháng 3.
Lần thứ nhất dịch tái bùng phát tại Hà Nội (thành phố ghi nhận ca nhiễm COVID-19 ngoài cộng đồng), VN-Index giảm 55,95 điểm trong phiên 9/3. Sau đó, thị trường liên tiếp có những phiên giảm sâu. Cơn bĩ cực của thị trường được đẩy lên cao độ. VN-Index đóng cửa thấp nhất tại 659,21 điểm phiên 24/3.
Đang trên đà chinh phục 1.000 điểm trước kỳ nghỉ lễ, chỉ số đột ngột lao dốc mạnh khiến tâm lý NĐT trở nên hoang mang. Những phiên đồng loạt giảm sàn liên tiếp diễn ra. Thời điểm đó, không ít người nghĩ về vùng đáy 300 điểm, thậm chí là 200 điểm của VN-Index.
Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai, cùng với các thị trường quốc tế, TTCK Việt Nam tạo đáy vào cuối tháng 3 và bắt đầu hồi phục. Sau đợt lao dốc, nhà đầu tư hoài nghi việc thị trường hồi phục hình "chữ V". Và thị trường luôn có những bất ngờ, kịch bản "giảm sâu, tăng sốc" đã diễn ra. VN-Index liên tục có chuỗi phiên tăng mạnh lên vùng 900 điểm.
Đang trên đà trở lại vùng điểm trước khi dịch COVID-19 xảy ra, VN-Index lại một lần nữa lao dốc trong đợt bùng phát dịch thứ hai tại Đà Nẵng. NĐT tiếp tục trở nên hoang mang và bán tháo cổ phiếu trong hai phiên (24 và 27/7) khi những ca nhiễm xuất hiện tại Đà Nẵng và một số tỉnh miền trung khác.
Không giống như làn sóng COVID-19 thứ nhất, nhà đầu tư trở nên bình tĩnh hơn trong làn sóng thứ hai và thị trường tăng điểm lại ngay sau đó.
Khi tình hình dịch tại Đà Nẵng và các tỉnh miền trung được kiểm soát, giới đầu tư lại tiếp tục kỳ vọng vào công tác phòng chống dịch tại Việt Nam. Hệ quả là thị trường đã có chuỗi phiên tăng mạnh. Những ngưỡng kháng cự theo NĐT phân tích kỹ thuật đưa ra như 900 điểm, 1.000 điểm và 1.100 điểm lần lượt bị phá vỡ một cách dễ dàng.
Bất ngờ hơn, sau kỳ nghỉ Tết dương lịch, VN-Index liên tục tăng, tiến đến vùng đỉnh lịch sử 1.200 điểm. Những điểm sáng của thị trường như dòng tiền ồ ạt của giới đầu tư trong nước, việc kiểm soát dịch COVID-19 thành công khiến nhiều người dự đoán VN-Index sẽ vượt đỉnh lịch sử và bước sang một trang mới.
Nhưng NĐT đã bị dội "gáo nước lạnh" khi đang trên đà hưng phấn. TTCK Việt Nam bất ngờ lao dốc từ giữa tháng 1. Phiên 19/1, VN-Index thiết lập mức giảm kỷ lục khi mất gần 61 điểm. Đến phiên 28/1, kỷ lục lại bị phá vỡ khi chỉ số giảm đến 73,23 điểm (tương đương 6,67%). Đây là mức giảm lớn nhất trong lịch sử hoạt động cả về điểm số tuyệt đối và giá trị phần trăm.
Nếu như thị trường giảm sâu trong phiên 16/1 và 26/1, nhiều công ty chứng khoán gọi đây là "thứ Ba đen tối". Phiên (28/1) ngày thứ Năm trở nên đen tối hơn nữa. Không quá khi nói tuần (25 – 29/1) là tuần đen tối của TTCK Việt Nam khi VN-Index bay hàng trăm điểm và vốn hóa thị trường bị thổi bay hàng chục tỷ USD.
Những thông tin bất lợi về tình trạng "nóng" cho vay ký quỹ (margin) tại các công ty chứng khoán và đợt tái bùng phát dịch COVID-19 ngoài cộng đồng lần thứ ba tại ổ dịch Hải Dương, Quảng Ninh tác động tiêu cực đến giới đầu tư. Trong phiên 28/1, hàng trăm cổ phiếu giảm sàn trên toàn thị trường. Đáng chú ý, lần đầu tiên cả 30 mã trong rổ VN30 đều đóng cửa tại mức giá sàn.
Tuy nhiên, phải nói rằng NĐT đã phản ứng chuyên nghiệp hơn với những thông tin về COVID-19. Thị trường hồi phục nhanh chóng. Trước kỳ nghỉ lễ Tết âm lịch, thị trường lại bất ngờ giảm sâu phiên (8/2) khi TP HCM ghi nhận số ca nhiễm tăng nhanh liên quan đến ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất. Không phản ứng thái quá như những lần trước đó, tâm lý NĐT nhanh chóng ổn định và thị trường lại khởi sắc trở lại.
Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một năm Canh Tý giao dịch nhiều cảm xúc. Từ chỗ bi quan tột cùng đến sự hưng phấn tột độ của giới đầu tư. Nhưng nhìn chung, nhà đầu tư đã có một năm thắng lợi. Tại nhiều giai đoạn, nhà đầu tư "bán là thua, mua là thắng" hay đợt điều chỉnh mạnh khi dịch COVID-19 tái bùng phát mở ra cơ hội cho giới đầu tư.
Để có được những kết quả đó, không thể không nhắc đến sự xuất hiện những "nhà đầu tư F0" – một khái niệm mới trong năm COVID-19 thứ nhất. Trong bài tiếp theo, người viết sẽ đề cập đến dòng tiền của những nhà đầu tư nội năm vừa qua.