|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Tuần đen tối của chứng khoán Việt Nam: Gáo nước lạnh dội vào cái đầu nóng của nhà đầu tư F0

17:54 | 28/01/2021
Chia sẻ
Nếu như hai phiên giảm sâu ngày 16/1 và 26/1 được các công ty chứng khoán gọi là “thứ Ba đen tối”, thì phiên lao dốc kỷ lục hôm nay (28/1) cho nhà đầu tư thấy rõ nhất sự khốc liệt của thị trường.

Thị trường chứng khoán Việt Nam liên tiếp chứng kiến phiên sau giảm mạnh hơn phiên trước khi nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu bất chấp mức giá sàn. Trong cơn bĩ cực của thị trường, VN-Index liên tục thiết lập những kỉ lục mới về số điểm giảm.

Nếu như phiên giao dịch ngày 19/1, VN-Index ghi nhận mức giảm lớn nhất lịch sử thời điểm đó khi để mất gần 61 điểm. Đến phiên 28/1, kỷ lục nhanh chóng bị phá vỡ khi chỉ số giảm đến 73,23 điểm (6,67%). Đây là mức giảm lớn nhất trong lịch sử hoạt động cả về điểm số tuyệt đối và giá trị phần trăm.

Sau những phiên giao dịch thăng hoa đầu tháng 1, nhiều nhà đầu tư nghĩ đến một viễn cảnh tươi sáng khi thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ vượt đỉnh lịch sử - mốc 1.200 điểm "thần thánh" của thị trường chứng khoán Việt Nam. Tháng 4/2018, VN-Index lao dốc ngay sau khi trở lại đỉnh 10 năm. Một lần nữa, lịch sử lặp lại.

Nếu như thị trường giảm sâu trong phiên 16/1 và 26/1, nhiều công ty chứng khoán gọi đây là "thứ Ba đen tối". Phiên hôm nay (28/1) đánh dấu thứ Năm đen tối hơn nữa. Không quá để nói đây là tuần đen tối của thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index bay hàng trăm điểm và vốn hóa thị trường bị thổi bay hàng chục tỷ USD.

Cục diện thị trường đã thay đổi chóng vánh, mọi thứ trở nên quá bất ngờ với giới đầu tư. Tưởng rằng thị trường đang có những điểm mạnh về dòng tiền F0 dồi dào đổ vào, lợi nhuận khởi sắc của các doanh nghiệp trong quý IV/2020 hay kết quả phòng chống dịch COVID-19 của Việt Nam.

Kỳ vọng của nhà đầu tư là có cơ sở dựa vào số lượng tài khoản mở mới liên tục cao nhất lịch sử, thông tin về loạt doanh nghiệp báo lãi kỷ lục. Nhưng mọi thứ đều không thể kìm hãm được lực bán trong cơn hoảng loạn.

Minh chứng phiên 28/1, toàn thị trường có hơn 500 mã chứng khoán giảm kịch sàn. Nhiều mã chứng khoán có khối lượng đặt bán giá sàn hàng chục triệu đơn vị như ROS, FLC, HPG, KBC, ITA, STB, LPB.

Không nói đến các cổ phiếu đầu cơ, những mã có kết quả kinh doanh khởi sắc, nền tảng cơ bản tốt như HPG, SSI, MBB, HSG, CTG xuất hiện dư bán giá sàn hàng triệu đơn vị thì nhiều khả năng hiện tượng bán giải chấp (force sell) đã diễn ra.

"Các bluechip thường có tỷ lệ cho vay margin rất cao, thường là 50%. Do đó, khi cổ phiếu giảm sâu trong nhiều phiên, việc nhà đầu tư bị bán giải chấp tài khoản rất dễ xảy ra", trưởng phòng môi giới một CTCK nói.

Tuần đen tối của chứng khoán Việt Nam: Gáo nước lạnh dội vào cái đầu nóng của nhà đầu tư F0? - Ảnh 1.

Nhiều cổ phiếu giảm sàn và dư bán giá sàn hàng chục triệu đơn vị phiên 28/1. Nguồn: VNDirect.

Câu chuyện thị trường có căng margin hay không đã được giới đầu tư thảo luận sôi nổi trước thời điểm thị trường lao dốc. Cơ quan quản lý nhà nước cũng đã lên tiếng về số liệu cho vay ký quỹ của thị trường và đánh giá ở ngưỡng an toàn.

Nhưng thực tế là thị trường lao dốc như những gì đã thấy? Việc tìm hiểu thị trường có bị sức ép margin, bán khống, hay thông tin về xuất hiện dịch COVID-19 giờ cũng chỉ là cái cớ lý giải cho sự lao dốc lúc này.

Với những nhà đầu tư nhiều năm tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện tượng đột ngột lao dốc cũng không phải mới lạ. Còn với những nhà đầu tư mới hay còn gọi là nhóm nhà đầu tư F0 thì cú giảm điểm lần này như "gáo nước lạnh" dội vào những lầm tưởng màu hồng về thị trường chứng khoán.

Sau phiên giảm chóng vánh ngày 19/1, thị trường phục hồi nhanh chóng. Nhiều nhà đầu tư đã quen với kịch bản "điều chỉnh là mua" những lần trước đó và cho rằng đây là cơ hội tốt để "kiếm tiền ăn tết".

Đúng như vậy, sau phiên 19/1, thị trường đã giảm sâu đầu phiên 20/1 và hồi phục lại ngay sau đó. Phiên 21 – 22/1, VN-Index tăng điểm trở lại, không ít nhà đầu tư cho rằng thị trường đã điều chỉnh xong và tiếp tục tăng như những lần trước đó. Song, kịch bản đã không lặp lại và VN-Index đánh mất hàng trăm điểm chỉ sau ít phiên.

Và như thường lệ, giới đầu tư đang lao vào tìm lời giải thích vì sao thị trường giảm. Câu trả lời là margin, nhóm bán khống, COVID-19 hoặc bất kể một lý do nào khác.

Nhưng dù lý do là gì thì thị trường vẫn tiếp tục giao dịch. Mọi dự báo càng trở nên khó khăn hơn trong cơn bĩ cực, tâm lý nhà đầu tư hoang mang. Việc bây giờ của nhà đầu tư là cơ cấu danh mục, xem xét về trạng thái an toàn của tài khoản, giảm tỷ lệ margin. Còn các công ty chứng khoán vẫn đang giải chấp tài khoản nhà đầu tư để thu hồi vốn cho vay.

Lợi Hoàng