|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Chứng khoán Việt Nam đi ngược khu vực: Lên từ từ, lao dốc sốc, đồng loạt giảm sàn bất chấp kết quả kinh doanh

16:30 | 01/02/2021
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Việt Nam mở màn tháng 2 bằng một phiên giảm điểm mạnh, đi ngược diễn biến của các thị trường khác trong khu vực. Kể từ đầu năm 2021, Việt Nam là một trong những quốc gia có thị trường diễn biến tồi tệ nhất.

Chứng khoán Việt Nam đi ngược khu vực

Sau phiên hồi phục ấn tượng cuối tuần trước (29/1), thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm sâu trong phiên hôm nay (1/2). Kết phiên, VN-Index giảm 21,1 điểm (2%) xuống 1.035,51 điểm. Tương tự, HNX-Index giảm 2,5% xuống 208,85 điểm, UPCoM-Index giảm 1,39% xuống 71,08 điểm.

Đi cùng với sự sụt giảm về điểm số, thanh khoản thị trường cũng thấp hơn so với phiên hồi phục mạnh trước đó. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường hôm nay đạt hơn 783,3 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 15.798 tỷ đồng. Giá trị khớp lệnh trên HOSE hôm nay đạt 12.288 tỷ đồng. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư thận trọng hơn với diễn biến hiện tại của thị trường.

Tuy nhiên, qua quan sát, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam đang đi ngược so với những gì đang diễn ra tại một số thị trường lớn khác trong khu vực.

Chứng khoán Việt Nam đi ngược khu vực: Lên từ từ, lao dốc sốc, đồng loạt giảm sàn bất chấp kết quả kinh doanh - Ảnh 1.

Diễn biến các chỉ số chứng khoán châu Á. Nguồn: Tradingeconomics.

Theo ghi nhận, hầu hết thị trường lớn khu vực châu Á đều tăng điểm hôm nay. Ví dụ, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 427,66 điểm, tương ứng tỉ lệ 1,55%. Tại thị trường Trung Quốc, Shanghai Composite tăng 0,64%. Chỉ số Kospi của chứng khoán Hàn Quốc ghi nhận mức tăng 2,7%. 

Tích cực hơn, chỉ số thị trường của chứng khoán Ấn Độ có mức tăng trên 3%, trong đó chỉ số Nifty 50 tăng trên 4%. 

Trong khu vực Asean, thị trường chứng khoán Indonesia đóng cửa với mức tăng 3,5%. Thị trường Thái Lan và Lào kết phiên trong sắc xanh. Chứng khoán Singapore giảm nhẹ với tỷ lệ dưới 0,2%.

Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đi ngược xu hướng của các thị trường trong khu vực và ghi nhận mức giảm mạnh nhất khu vực châu Á.

Hơn thế nữa, Việt Nam còn là thị trường ghi nhận mức giảm mạnh nhất khu vực châu Á kể từ đầu năm 2021. Theo đó, VN-Index ghi nhận mức giảm 6,19% kể từ đầu năm 2021. Trong khi đó, nhiều thị trường có mức tăng trên 5% như Pakistan, Hong Kong, Mông Cổ. Thậm chí, thị trường chứng khoán Sri Lanka còn có mức tăng lên đến 28,87%.

Diễn biến không mấy tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam xuất hiện kể từ giữa tháng 1. Sau khi không thể chinh phục thành công vùng đỉnh lịch sử (1.200 điểm), VN-Index bắt đầu lao dốc kể từ phiên 19/1. Thị trường liên tiếp diễn ra các phiên bán tháo sau đó. 

Đáng chú ý, phiên 28/1 đánh dấu ngày tồi tệ nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index có mức giảm kỷ lục - 73,23 điểm, tương đương 6,67%. Tâm lý nhà đầu tư hoảng loạn và bán tháo cổ phiếu trong danh mục khiến VN-Index mất hàng trăm điểm và vốn hóa thị trường bốc hơi hàng chục tỷ USD.

Với những gì mà thị trường đang diễn ra, không ít nhà đầu tư tỏ ra bi quan với triển vọng kênh đầu tư chứng khoán năm nay. Điều này trái với những nhận định tích cực được các quỹ đầu tư và công ty chứng khoán đưa ra thời điểm đầu năm khi VN-Index tăng điểm nhiều phiên liên tiếp.

Chứng khoán Việt Nam đi ngược khu vực: Lên từ từ, lao dốc sốc, đồng loạt giảm sàn bất chấp kết quả kinh doanh - Ảnh 2.

Hàng trăm cổ phiếu giảm sàn hôm nay (1/2), bất chấp thông tin tích cực của nhóm chứng khoán, dệt may, bất động sản khu công nghiệp. Nguồn: VNDirect.

Cổ phiếu chứng khoán, xây dựng đồng loạt giảm sàn

Trở lại diễn biến của thị trường phiên hôm nay (1/2), trong những giờ giao dịch đầu phiên sáng, thị trường diễn biến khởi sắc và VN-Index có lúc tăng hơn 16 điểm. Không ít nhà đầu tư nghĩ rằng thị trường sẽ có một phiên hồi phục đầu tuần. Tuy nhiên, lực bán sau đó gia tăng trong phiên chiều đẩy chỉ số giảm sâu. 

Toàn thị trường hôm nay có 147 cổ phiếu giảm sàn, trong đó sàn HOSE có 89 mã, HNX (41 mã) và thị trường UPCoM (17 mã). Tại nhóm VN30, hai cổ phiếu giảm kịch sàn là SSI của Chứng khoán SSI và TCH của Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy.

Qua quan sát, cổ phiếu nhóm chứng khoán, xây dựng, khu công nghiệp đồng loạt giảm sàn trong phiên hôm nay. Với các mã nhóm xây dựng như ROS, CTD, HBC, FCN giảm sàn đến từ kết quả kinh doanh năm 2020 không mấy tích cực. Cổ phiếu ROS của Xây dựng FLC Faros giảm kịch sàn và dư bán giá sàn hơn 73 triệu đơn vị.

Trái với nhóm xây dựng, cổ phiếu của các công ty chứng khoán lớn đồng loạt giảm sàn, bất chấp kết quả kinh doanh năm 2020 tích cực. Không nằm ngoài xu hướng trên, các mã trong nhóm khu công nghiệp (GVR, TIP, SZC, KBC), thép (TVN, TLH, SMC, NKG) cũng đóng cửa tại mức giá sàn.

Không chỉ các nhóm cổ phiếu trên, cổ phiếu đầu cơ cũng giảm sàn la liệt. Đơn cử, cổ phiếu "họ FLC" với nhiều mã đóng cửa tại mức giá sàn như FLC, ART, KLF. Cùng với đó còn có các mã đầu cơ như DLG, EVG, HHS, LDG, OGC, SCR.

Trao đổi với một số nhà đầu tư, hiện tượng cổ phiếu midcap đồng loạt giảm sàn bất chấp thông tin về kết quả kinh doanh phần nào cho thấy tác động của hiệu ứng "tin ra là bán" trên thị trường. Ý kiến khác lại cho rằng thị trường rung lắc với biên độ rộng khiến NĐT cảm thấy bất an và bán ra cổ phiếu bằng mọi giá để "ăn tết". Hệ quả là hàng loạt cổ phiếu giảm sàn phiên hôm nay.

Lợi Hoàng