|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Chứng khoán PHS: NHNN có thể phải bán ngoại tệ nếu tỷ giá tiệm cận ngưỡng 25.000 VND/USD

09:00 | 30/03/2024
Chia sẻ
Theo nhận định một số công ty chứng khoán áp lực tỷ giá trong ngắn hạn vẫn sẽ rất lớn. Không loại trừ khả năng NHNN sẽ sử dụng các công cụ khác ngoài tín phiếu để can thiệp.

Phiên chiều ngày 29/3, tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank lại lập kỷ lục mới khi tăng lên 24.980 VND/USD. Trên thị trường tự do, tỷ giá vẫn tiếp tục duy trì ở khoảng 25.400 VND/USD. 

Theo đánh giá của Chứng khoán Phú Hưng (PHS) các nguyên nhân chính khiến tỷ giá tăng vẫn là từ áp lực từ thị trường thế giới; cầu tín dụng yếu; nhập siêu lớn từ khu vực trong nước và nhu cầu trả nợ vay, thanh toán ngoại tệ.

PHS cũng cảnh báo rằng nếu tỷ giá tiệm cận ngưỡng 25.000 VND/USD, NHNN có thể thực hiện thêm một động thái nữa là bán ngoại tệ kỳ hạn như đã từng thực hiện trong các giai đoạn 2018 và 2022.

Yếu tố tạo áp lực lên tỷ giá

Chỉ số USD Index (DXY) tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong hơn một tháng khi thị trường cho rằng Fed có thể phải duy trì lãi suất cao hơn.

Khi so sánh giữa dot plot (biểu đồ chấm) của Fed trong tháng 12/2023 và cuộc họp tháng 3/2023, các chuyên viên của PHS nhận thấy rằng số lượng quan chức tin rằng lãi suất giảm ba lần trong năm 2024 đã giảm đi. 

Do đó, mặc dù Fed vẫn khẳng định sẽ có ba đợt hạ lãi suất trong cuộc họp vừa qua, PHS cho rằng nếu sức khỏe nền kinh tế Mỹ vẫn duy trì tốt, lạm phát tiếp tục dai dẳng thì không loại trừ khả năng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ điều chỉnh giảm số lần hạ lãi suất. Ngoài ra, Fed cũng có thể dời thời điểm cắt giảm xuống cuộc họp tháng 7, trễ hơn 1 tháng so với ước tính ban đầu.

Theo PHS, lãi suất USD neo ở mức cao lâu hơn và USD mạnh hơn khi các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cắt giảm lãi suất nhanh hơn Fed sẽ khiến cho VND chịu nhiều áp lực trong thời gian tới. Đặc biệt là khi Việt Nam vẫn đang duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng, giữ lãi suất ở mức thấp. 

Tín dụng năm 2024 đang chậm hơn đáng kể so với năm ngoái.

Một nguyên nhân khác khiến tỷ giá chịu áp lực là tín dụng suy yếu. PHS cho biết xu hướng này diễn ra bất chấp mặt bằng lãi suất liên tiếp thiết lập các mức thấp kỷ lục mới cho thấy tình hình không khả quan như kỳ vọng. 

Các chuyên viên cho rằng tín dụng đang là một trong những điểm nghẽn mà Chính phủ lẫn NHNN đều đang cố gắng tháo gỡ bằng nhiều biện pháp. Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê vừa công bố, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 25/3 đạt 0,26%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 1,99% cùng kỳ năm ngoái. 

Hệ thống ngân hàng duy trì lượng lớn thặng dư thanh khoản, PHS nhận định. Trong bối cảnh này, các chuyên viên phân tích cho biết các phiên gọi thầu luôn nhận được sự quan tâm của các ngân hàng, tỷ lệ trúng thầu cao dù lãi suất chỉ quanh mức 1,4 - 1,9%/năm. 

Giá trị phát hành trong những phiên gần đây đã giảm xuống. 

Ngoài vấn đề về thanh khoản tiền đồng dồi dào khiến cho chênh lệch lãi suất giữa VND & USD âm sâu, PHS cho rằng vấn đề lớn khiến cho tỷ giá liên tục thiết lập các mức cao mới còn đến từ cung cầu ngoại tệ đang không như kỳ vọng.

Thứ nhất, mặc dù tăng trưởng xuất khẩu đang rất khả quan nhưng thực tế thặng dư thương mại chỉ ghi nhận ở nhóm doanh nghiệp FDI. Khu vực trong nước tiếp tục nới rộng mức thâm hụt (tính đến 15/03, khu vực trong nước nhập siêu 3.5 tỷ USD). 

Trong khi đó, lượng vốn giải ngân FDI ghi nhận tích cực nhưng chưa đủ để lấn át các khoản chi ngoại tệ. Trên thị trường vốn, thị trường có vẻ thiếu vắng các thương vụ M&A, bán vốn nước ngoài trong bối cảnh lãi suất tại các quốc gia phát triển vẫn đang ở mức cao.

NHNN có thể phải bán ngoại tệ

Từ những yếu tố trên, PHS duy trì quan điểm rằng tỷ giá còn chịu nhiều áp lực và nhiều khả năng NHNN sẽ đưa ra thêm các biện pháp nâng cao để ổn định tình hình. 

Cụ thể, PHS dự báo lãi suất Tín phiếu sẽ tiếp tục tăng lên quanh mức 2 – 2,5%/năm. Trong phiên 28/3, lãi suất tín phiếu đã lên mức 2,5%/năm.

Điều này có thể là tín hiệu cho thấy phần thặng dư thanh khoản có thể đã giảm đi đáng kể sau khi 14 phiên thầu liên tiếp. Đồng thời, lãi suất trúng thầu cũng có thể tăng cao khi các ngân hàng thương mại cân đối thanh khoản vào cuối quý.  

Mức lãi suất Tín phiếu sẽ trở thành mức đối chiếu cho các mức lãi suất liên ngân hàng. Qua đó, PHS dự kiến lãi suất liên ngân hàng có thể tăng thêm 0,5 – 0,7 điểm % tương ứng mức lãi suất qua đêm và 1 tuần ở vào 2,0 – 2,5%/năm và kéo dài cho đến hết quý II. 

Các chuyên viên phân tích cũng lưu ý rằng lãi suất liên ngân hàng tăng không ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất huy động và nỗ lực giảm lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng, tuy nhiên nó có thể khiến cho lãi suất Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn ngắn tăng lên.

Tỷ giá tại Vietcombank đang sát mốc 25.000 VND/USD. (Ảnh: WiChart).

Tỷ giá được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao lâu hơn, dao động quanh vùng 24.780 – 25.000. Áp lực sẽ kéo dài đến cuối quý II/2024, thời điểm Fed chính thức giảm lãi suất và tín dụng trong nước khơi thông.  

PHS cũng cho rằng NHNN có thể thực hiện thêm một động thái nữa là bán ngoại tệ kỳ hạn như đã từng thực hiện trong các giai đoạn 2018 và 2022 nếu như tỷ giá tiệm cận ngưỡng 25.000 VND/USD.

Chứng khoán Shinhan (SSV) cũng đồng quan điểm rằng áp lực tỷ giá trong ngắn hạn vẫn sẽ rất lớn. Tuy nhiên, tỷ giá được kỳ vọng sẽ sớm hạ nhiệt trong nửa cuối năm 2024, giúp VND không mất giá quá 3% trong cả năm 2024 nhờ: triển vọng cắt giảm lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương khác, FDI và xuất khẩu phục hồi mạnh mẽ, tác động từ đồng thái hút ròng của NHNN và cơ chế điều hành linh hoạt tỷ giá kỳ hạn sắp được thông qua. 

Minh Quang