|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Doanh nghiệp tìm cách thích ứng biến động tỷ giá

06:58 | 21/03/2024
Chia sẻ
Theo dự báo của các chuyên gia và tổ chức quốc tế, tỷ giá USD/VND sẽ hạ nhiệt và giảm về 23.600 VND/USD trong quý III và 23.500 VND/USD trong quý IV/2024.

Biến động tỷ giá từ đầu năm đến nay khiến hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Tỷ giá USD/VND vẫn đang ở mức cao, giá USD tại các ngân hàng thương mại gần 25.000 VND/USD buộc các doanh nghiệp phải có các giải pháp thích ứng.

Không khí sản xuất tại May 10. (Ảnh: Đức Dũng).

Tác động đã được dự báo

Theo chuyên gia kinh tế PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, tỷ giá tăng là do trong quý I, các nhu cầu ngoại tệ cho hoạt động xuất nhập khẩu tăng lên, cùng đó là tác động từ đà tăng mạnh của giá vàng khiến người dân có tâm lý chuyển sang mua USD. Điều này lý giải giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh vượt ngưỡng 25.700 đồng/USD, cao hơn nhiều so với giá USD tại các ngân hàng thương mại.

Tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh sẽ gây áp lực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và sự ổn định của đồng VND. Tổng Công ty May 10 là đơn vị dệt may xuất khẩu hàng hóa tới hơn 10 thị trường trên thế giới; trong đó, phần lớn là châu Âu, Mỹ, Nga…

Thời điểm đầu năm, sự phục hồi của nền kinh tế thế giới đã giúp các đơn hàng của doanh nghiệp này dồi dào hơn, nhiều mã hàng đã có đơn đặt đến hết tháng 4, thậm chí hết quý II/2024. Tuy vậy, biến động nhanh và liên tục của tỷ giá khiến doanh nghiệp này gặp khó. 

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho hay, tỷ giá USD/VND tăng sẽ giúp doanh nghiệp tăng giá trị thu được khi xuất khẩu, nhưng ngược lại, doanh nghiệp cũng phải trả nhiều tiền hơn để nhập khẩu thiết bị, máy móc hay nguyên liệu sản xuất…

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí SKD Việt Nam, biến động tỷ giá đầu năm nay là vấn đề đã được nhiều chuyên gia dự báo. Đồng USD tăng giá, các doanh nghiệp phải nhập khẩu nhiều hoặc vay nợ bằng USD sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khi phải chịu chi phí tăng thêm. Song ông Kết cho rằng, tiền đồng mất giá 2-3% trong thời gian qua với các giao dịch chính thức là không đáng kể và nằm trong kế hoạch của doanh nghiệp.

“Chúng tôi phải nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài để phục vụ sản xuất, việc tỷ giá biến động là có ảnh hưởng nhưng chỉ trong ngắn hạn. Dẫu vậy, nếu những biến động này không giảm về cuối năm hoặc tiếp tục tăng cao thì sẽ là chuyện khác. Doanh nghiệp có thể giảm lợi nhuận vì mua nguyên liệu, máy móc, nếu tỷ giá vẫn ở mức cao”, ông Kết nói.   

Theo các chuyên gia, về nguyên tắc, tỷ giá biến động như vừa qua sẽ làm tăng giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất đối với các doanh nghiệp nhập khẩu giao dịch bằng USD; còn các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được hưởng lợi vì doanh thu đổi ra VND được tăng lên.

Tuy vậy, nếu câu chuyện tỷ giá tiếp tục được giữ nguyên hoặc neo cao, doanh nghiệp sẽ chịu tác động mạnh hơn. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, thời gian tới nếu tiền VND tiếp tục giảm giá so với đồng USD thì không hẳn có lợi cho xuất khẩu, mà còn có nguy cơ tạo ra nhập khẩu lạm phát.

Bởi theo cán cân thương mại hiện nay, phần lớn hàng xuất khẩu của Việt Nam có hàm lượng giá trị nhập khẩu lớn. Chưa kể nhiều mặt hàng sản xuất để tiêu thụ trong nước cũng phải nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài. Những yếu tố này về lâu dài có thể sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Chế biến tôm xuất khẩu ở nhà máy của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN).

Chủ động phòng ngừa rủi ro

Theo dự báo của các chuyên gia và tổ chức quốc tế, tỷ giá USD/VND sẽ hạ nhiệt và giảm về 23.600 VND/USD trong quý III và 23.500 VND/USD trong quý IV/2024.

Ông Nguyễn Văn Kết tin rằng, phía Ngân hàng Nhà nước đã có đủ công cụ can thiệp thị trường và ổn định tỷ giá mà mới đây là đấu thầu tín phiếu sẽ góp phần giảm áp lực tỷ giá, VND và USD cân bằng nhau giúp hỗ trợ cho hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất của doanh nghiệp được ổn định. Vì thế sẽ không quá lo về việc tác động quá lớn tới hoạt động của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bản thân các doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong việc cân đối giữa các đồng tiền thanh toán, điều chỉnh kế hoạch và lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu đa dạng hơn, không nên quá phụ thuộc vào việc thanh toán bằng đồng USD.

Theo ông Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), để tránh những tác động liên quan đến tỷ giá biến động mạnh, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần phải làm tốt hơn công tác dự báo cũng như tham gia vào các công cụ về phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Nếu doanh nghiệp chủ động hơn trong việc sử dụng các công cụ tài chính phái sinh, đồng thời sàng lọc thị trường và đa dạng hóa đồng tiền thanh toán thì sẽ có nhiều cơ hội giảm thiểu rủi ro, thậm chí hưởng lợi từ chênh lệch giá các đồng tiền.

Trong các báo cáo của mình, Ngân hàng Nhà nước luôn khẳng định đã điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền; thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Thực tế, trên thị trường tự do, tỷ giá USD/VND có mức biến động lớn hơn tại hệ thống ngân hàng thương mại nhưng khối lượng giao dịch tại thị trường này là rất nhỏ trong tổng thể hoạt động của thị trường ngoại hối trong nước.

Gần như toàn bộ các giao dịch phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu, vay trả nợ nước ngoài, đầu tư nước ngoài của các doanh nghiệp và các giao dịch hợp pháp của cá nhân luôn được các ngân hàng phục vụ đầy đủ trong định hướng quản lý sự ổn định nhất quán từ cơ quan quản lý.

Đức Dũng