Chứng khoán Mỹ trượt dốc, nhóm công nghệ bị bán tháo giữa bê bối của Facebook
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 323,5 điểm, tương đương 0,94%, xuống còn 34.003 điểm. S&P 500 giảm 1,3% còn 4.300,46 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tụt lại phía sau với mức giảm 2,1%, đóng cửa ở 14.255,48 điểm.
Theo CNBC, các cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn như Apple, Nvidia, Amazon và Microsoft đều đóng cửa trong sắc đỏ khi lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ lên 1,48%. Trong tháng 9, lợi suất tăng cao đã khiến các cổ phiếu công nghệ đang được định giá cao phải chao đảo.
Việc lợi suất tăng khiến nhà đầu tư lo ngại áp lực lạm phát cũng đang lên cao và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ phải cắt bớt nới lỏng tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Các tập đoàn công nghệ vay nợ nhiều để tài trợ tăng trưởng nên giá cổ phiếu rất nhạy cảm với lợi suất.
Cổ phiếu Facebook mất 4,9% sau khi một cựu nhân viên đứng ra tố giác tập đoàn mạng xã hội này "phản bội lại dân chủ" và "đặt lợi nhuận của công ty lên trên an toàn của cộng đồng, đe dọa tính mạng con người".
Người tố giác (whistleblower) đã tự công khai danh tính là Frances Haugen, cựu quản lý sản phẩm tại Facebook. Trang LinkedIn của cô Haugen cho biết cô từng làm quản lý sản phẩm tại nhiều hãng công nghệ khác như Pinterest, Yelp và Google.
Trả lời phỏng vấn chương trình "60 Minutes" của đài CBS, cô Haugen cho biết: "Tôi đã làm việc ở một số mạng xã hội và nhận thấy Facebook tệ hại hơn tất cả". Frances Haugen rời khỏi Facebook vào tháng 5 năm nay, sau đó chuyển các tài liệu mật tố giác Facebook tới tờ Wall Street Journal và Quốc hội Mỹ.
Nhiều cổ phiếu mạng xã hội khác như Twitter, Snap và Pinterest cũng đồng loạt lao dốc trên 5%.
Cùng ngày 4/10, Facebook và loạt ứng dụng khác như Messenger, Instagram, WhatsApp (đều do Facebook sở hữu) đồng loạt "sập", người dùng ở nhiều quốc gia trên thế giới - trong đó có Việt Nam - không thể truy cập được. Đến sáng 5/10 (theo giờ Việt Nam), Facebook và Instagram đã vận hành trở lại.
CNBC dẫn lời ông Jim Paulsen, Giám đốc chiến lược đầu tư tại công ty nghiên cứu và quản lý tài sản Leuthold Group nhận định: "Các thị trường tài chính đang điều chỉnh dòng dẫn dắt để phản ánh một giai đoạn mở cửa mới hậu COVID-19. Cụ thể là giá hàng hóa tăng, lợi suất đi lên, cổ phiếu thuận chu kỳ và cổ phiếu vốn hóa nhỏ vượt trội, còn cổ phiếu công nghệ và tăng trưởng nói chung thì tụt lại phía sau.
Tesla tăng 0,8% sau khi đại gia xe điện này công bố doanh số 241.300 xe điện được bán trong quý III, cao hơn nhiều so với ước tính của các chuyên gia.
Cổ phiếu Merck tiếp tục tăng 2,1% sau khi vọt lên hơn 8% trong phiên cuối tuần trước. Hãng dược phẩm này cho biết một loại thuốc uống mà hãng phát triển cùng với Ridgeback Biotherapeutics có khả năng giảm 50% tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19 vừa và nhẹ.
Southwest Airlines tăng 1,3% sau khi một nhà phân tích tại ngân hàng Barclays nâng mức khuyến nghị cổ phiếu hàng không này. Nhà phân tích trên cũng nâng mức đánh giá toàn bộ ngành hàng không Bắc Mỹ từ trung tính lên tích cực.
Cổ phiếu năng lượng tăng hàng loạt khi giá dầu thô vượt ngưỡng 80 USD/thùng. Exxon Mobil tăng 1,3%, ConocoPhillips thêm 2%, Occidental Petroleum tăng 2,1%
Các chỉ số chứng khoán Mỹ đều giảm khoảng 5% trong tháng 9. Lịch sử cho thấy tháng 10 nói riêng và quý IV nói chung thường là quãng thời gian tương đối thuận lợi cho cổ phiếu. Theo số liệu của Stock Trader's Almanac, chỉ số S&P 500 tăng trung bình 0,8% trong các tháng 10 trước đây. Với tháng 11 và 12, chỉ số này đi lên bình quân 1,6% và 1,5%.
Theo công ty nghiên cứu CFRA, trong các năm từ sau Thế chiến thứ 2 đến nay, S&P 500 có xác suất tăng trong quý IV là khoảng 80% và mức tăng trung bình là 3,9%, mạnh hơn hẳn ba quý còn lại.