|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ tiếp tục đi lên trước báo cáo lạm phát, Dow Jones tăng hơn 1.200 điểm trong 4 phiên

07:21 | 13/09/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 12/9 tăng điểm phiên thứ 4 liên tiếp khi USD tạm suy yếu và nhà đầu tư ngày càng tin tưởng rằng lạm phát đã lập đỉnh.

S&P 500 cắt lên trên đường MA 50 cũng như MA 20.

Chứng khoán Mỹ tăng, USD mất giá

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 230 điểm, tương đương 0,71%, và kết phiên ở 32.381 điểm. S&P 500 tăng 1,06% lên 4.110 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 1,27% lên 12.266 điểm.

Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp của cả ba chỉ số chính. Lần gần đây nhất S&P 500 và Nasdaq đi lên 4 phiên liền là vào tuần đầu tháng 7. Tổng cộng 4 phiên vừa qua, Dow Jones đã có thêm hơn 1.200 điểm.

Dow Jones tăng 1.236 điểm trong 4 phiên gần đây.

Trái ngược với diễn biến khả quan của thị trường chứng khoán, chỉ số USD giảm phiên thứ 5 liên tục, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Giáo sư Jeremy Siegel của Trường Kinh doanh Wharton cho rằng việc đồng USD suy yếu sẽ là một trong những nhân tố chính thúc đẩy giá cổ phiếu đi lên trong thời gian tới.

USD mất giá so với euro trong tuần qua sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất kỷ lục 75 điểm cơ bản (bps) và ra tín hiệu sẽ tiếp tục thắt chặt tiền tệ trong các cuộc họp tới để kiềm chế lạm phát.

USD suy yếu so với rổ gồm 6 loại ngoại tệ mạnh.

“ECB nâng lãi suất quyết liệt hơn đồng nghĩa với việc USD còn có thể đi xuống. USD đã giảm khá mạnh những ngày qua, đây là yếu tố rất quan trọng đối với lợi nhuận từ nước ngoài của các doanh nghiệp”, Giáo sư Siegel nói trên kênh CNBC.

Đà tăng lan tỏa ra toàn thị trường trong phiên 12/9, với cổ phiếu năng lượng là nhóm đi lên mạnh mẽ nhất chỉ số S&P 500 như biểu đồ sau đây cho thấy. Cổ phiếu dầu khí diễn biến tích cực cùng với đà tăng của giá dầu.

Cụ thể, giá dầu thô Brent trên thị trường quốc tế tăng ba phiên liên tiếp lên 94,25 USD/thùng. Giá dầu thô WTI tại Mỹ cũng tăng lên trên 88 USD/thùng sau khi Bộ Năng lượng cho biết kho dự trữ dầu thô chiến lược khẩn cấp của Mỹ cuối tuần vừa qua còn 434,1 triệu thùng, giảm 8,4 triệu thùng so với một tuần trước và là mức thấp nhất kể từ tháng 10/1984, Reuters cho hay.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu chính đều đi lên trong phiên 12/9.

Kỳ vọng lạm phát hạ nhiệt

Ngày thứ Ba tuần này (13/9), Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8. Các nhà kinh tế dự báo mặt bằng giá cả chung của tháng 8 sẽ giảm 0,1% so với tháng liền trước và chỉ tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn so với mức tăng 9,1% trong tháng 6 và 8,5% của tháng 7.

Sở dĩ lạm phát có thể hạ nhiệt là do giá xăng liên tục đi xuống. Nếu không kể giá nhiên liệu và lương thực, chỉ số CPI lõi (core) tháng 8 có thể sẽ tăng 0,3% so với tháng 7 và tăng 6% so với cùng kỳ 2021, CNBC cho hay.

Các nhà kinh tế dự báo tỷ lệ lạm phát tháng 8/2022 sẽ giảm tốc so với tháng 6 và 7.

Nhiều khả năng lạm phát tiếp tục chậm lại trong tháng 8 nhưng các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã liên tục tuyên bố trong những ngày gần đây rằng biến động giá cả trong một tháng là không đủ để thay đổi chính sách của ngân hàng trung ương Mỹ trong cuộc chiến chống lạm phát.

Các nhà hoạch định chính sách mong muốn nhìn thấy lạm phát giảm một cách bền bỉ về ngưỡng mục tiêu dài hạn 2%/năm. Thị trường tiền tệ dự báo Fed sẽ nâng lãi suất lần thứ ba liên tiếp trong cuộc họp ngày 20-21/9 tới đây.

Nếu Fed hành động đúng như các nhà đầu tư dự báo, lãi suất quỹ liên bang của Mỹ sẽ tăng lên khoảng 3 - 3,25%, cao nhất kể từ đầu năm 2008.

Song Ngọc - Đức Quyền