|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ tăng điểm sau phát biểu của Chủ tịch Fed và tỷ phú Paul Tudor Jones

07:24 | 11/01/2023
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ ngày 10/1 tăng trên diện rộng, nhà đầu tư đang chờ công bố số liệu kinh tế quan trọng và kết quả kinh doanh của các tên tuổi lớn trong những ngày còn lại của tuần này.

Dow Jones hiện còn kém 8,4% so với đỉnh lịch sử thiết lập ngày 4/1/2022.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 186 điểm, tương đương 0,56%, và đóng cửa ở 33.704 điểm. S&P 500 tăng 0,7% lên 3.919 điểm.

Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng phiên thứ ba liên tiếp khi thêm 1,01% và dừng ở gần 10.743 điểm. Nhà đầu tư lạc quan rằng lạm phát hạ nhiệt sẽ thúc đẩy dòng tiền trở lại với các cổ phiếu công nghệ bị bán tháo mạnh trong năm qua. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11 Nasdaq tăng ba phiên liền.

Theo CNBC, nhà đầu tư tỷ phú Paul Tudor Jones cũng tỏ ra lạc quan về thị trường chứng khoán sáng 10/1, cho rằng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ dừng tăng lãi suất trước khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Vị tỷ phú này nói rằng ông không đưa ra dự báo cụ thể, nhưng nhận định nhu cầu với cổ phiếu trong năm nay là rất lớn do các doanh nghiệp mua lại cổ phần và sáp nhập với nhau. Ông Paul Tudor Jones là người đã dự đoán trước và kiếm lợi khủng từ sự sụp đổ chớp nhoáng trong ngày thứ Hai đen tối 19/10/1987 khi Dow Jones rớt 22,6% trong vòng một ngày.

“Nhu cầu còn dư với cổ phiếu ở Mỹ là gần 1.000 tỷ USD”, ông Jones nói trên kênh CNBC. “Lực bán sẽ đến từ đâu để bù đắp cho nhu cầu từ hoạt động mua lại cổ phiếu quỹ và M&A? Đây là lực cầu rất lớn. Nếu mọi nhân tố khác không đổi thì thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tăng 7 – 8% trong năm nay”.

S&P 500 hiện còn kém 18,6% so với đỉnh lịch sử thiết lập hôm 3/1/2022.

Bước sang đầu năm 2023, nhà đầu tư lo ngại các đợt nâng lãi suất liên tiếp của Fed sẽ đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều người tin rằng lạm phát đang hạ nhiệt nhanh chóng và Fed sẽ không cần thắt chặt tiền tệ quá mạnh tay như lo ngại trước đó.

Nhà đầu tư sẽ chú ý theo dõi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 được công bố vào thứ Năm (12/1) và kết quả kinh doanh quý IV do các ngân hàng lớn công bố vào thứ Sáu (13/1) để đánh giá tình hình kinh tế và dự báo hướng đi của Fed.

“Chúng ta nhiều khả năng sẽ giao dịch trong biên độ hẹp và không có phương hướng rõ rệt, ít nhất là cho đến sau khi có báo cáo chỉ số giá tiêu dùng ngày thứ Năm và sau đó là khởi đầu mùa công bố lợi nhuận", bà Megan Horneman, Giám đốc đầu tư tại Verdence Capital Advisors, nhận xét.

“Ngay lúc này, tôi nghĩ là thị trường đang tập trung chờ đợi số liệu kinh tế và đánh giá một số bài phát biểu của quan chức Fed”.

Đà tăng phiên 10/1 lan rộng ra hầu hết nhóm ngành trên thị trường chứng khoán Mỹ, như biểu đồ bên dưới cho thấy. Cổ phiếu viễn thông là nhóm đi lên mạnh nhất với mức tăng 1,29%.

10/11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 tăng điểm trong phiên 10/1.

Phát biểu trước Ngân hàng Trung ương Thụy Điển (Riksbank) trong ngày 10/1, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh về tính độc lập chính trị của một ngân hàng trung ương khi đối phó với lạm phát cao dai dẳng, tức là các nhà hoạch định chính sách không được nhượng bộ vì áp lực chính trị.

Theo ông Powell, nỗ lực ổn định giá cả đòi hỏi ngân hàng trung ương phải đưa ra những quyết định khó khăn và có thể chịu nhiều sự phản đối về mặt chính trị.

“Sự ổn định giá cả là nền tảng của một nền kinh tế khỏe mạnh, đem lại lợi ích vô hạn cho nhân dân theo thời gian. Nhưng việc lập lại ổn định giá cả khi lạm phát đang cao có thể đòi hỏi phải thực hiện những biện pháp không được sự ủng hộ trong ngắn hạn khi chúng ta nâng lãi suất và giảm tốc nền kinh tế”, ông Powell nói.

Đức Quyền

[Cập nhật] KQKD ngân hàng 2024: Xuất hiện nhà băng có lợi nhuận tăng bằng lần
Nhiều ngân hàng thông báo vượt chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông giao. Trong đó, một số nhà băng ước tính tăng trưởng lợi nhuận, dư nợ tín dụng cả năm 2024 sẽ ở mức hai con số.