Chứng khoán Mỹ tăng điểm sau ba ngày giảm liên tiếp
Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng gần 60 điểm, tương đương 0,18%, và đóng cửa ở 32.969 điểm. S&P 500 và Nasdaq Composite diễn biến khả quan hơn khi tăng tương ứng 0,29% và 0,41%.
Theo CNBC, các cổ phiếu năng lượng, bất động sản và tài chính nằm trong nhóm đi lên mạnh nhất phiên 24/8. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu công nghệ thông tin và y tế tăng khiêm tốn nhất.
Cổ phiếu du thuyền đi lên vượt trội, Norwegian Cruise Line nhảy vọt 8,4%, Royal Caribbean Group và Carnival thêm tương ứng 7,6% và 5,3%. Trong khi đó, Advance Auto Parts là cổ phiếu giảm mạnh nhất S&P 500 và mất tới 9,6% sau khi công ty sản xuất phụ tùng ô tô này không đạt lợi nhuận như kỳ vọng, đồng thời hạ dự báo kết quả kinh doanh cả năm.
Nhà đầu tư đang đợi hội nghị Jackson Hole kéo dài ba ngày bắt đầu từ 25/8 (theo giờ Mỹ). Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phát biểu tại sự kiện này vào sáng 26/8. Giới quan sát dự báo ông Powell sẽ gửi đi thông điệp cứng rắn liên quan tới việc nâng lãi suất và kiểm soát kỳ vọng lạm phát.
Trong những ngày còn lại của tuần này, một vài số liệu vĩ mô quan trọng sẽ được công bố bao gồm số người xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần vào hôm 25/8 và chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) hôm 26/8. Các quan chức Fed ưa thích sử dụng PCE làm thước đo lạm phát hơn so với chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
Goldman Sachs cho rằng các thông tin về kế hoạch nâng lãi suất của Fed tại Jackson Hole sẽ gây ra biến động lớn với cổ phiếu ngân hàng. Nhìn chung, các ngân hàng trong môi trường lãi suất cao thường thu về lợi nhuận lớn hơn so với khi lãi suất thấp.
Phát biểu tại một sự kiện do Đại học Pennsylvania tổ chức cuối ngày 23/8, ông Neel Kashkari, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, cho biết điều ông lo sợ nhất là thị trường đang đánh giá quá thấp mối nguy lạm phát.
“Điều mà tôi đang lo nhất là chúng tôi đã sai và thị trường đã đánh giá sai, lạm phát thực tế đã ăn sâu hơn và có khả năng lên cao hơn nhiều so với dự kiến. Khi đó chúng tôi sẽ phải nâng lãi suất quyết liệt hơn, có thể là trong thời gian dài hơn, để hạ nhiệt lạm phát”.
Ông Kashkari cũng chỉ ra rằng những cú sốc về phía cung gây ra khoảng “một nửa cho tới 2/3” lạm phát tại Mỹ. Các chính sách tiền tệ của Fed chỉ có tác động tới phía cầu của nền kinh tế, không hiệu quả để giải quyết sự đứt gãy hay ách tắc trong chuỗi cung ứng.
Tuy vậy, ông Kashkari cũng nhận định rằng đã có những bằng chứng cho thấy chuỗi cung ứng đang bắt đầu bình thường trở lại.
Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis được coi là người có tư tưởng “diều hâu” nhất, tức là ủng hộ thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát, trong số 19 thành viên thuộc Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) của Fed. Sau khi Fed nâng lãi suất 4 lần trong năm nay thêm 2,25 điểm %, ông Kashkari dự báo ngân hàng trung ương Mỹ sẽ tăng tiếp lãi suất thêm 2 điểm % nữa cho tới cuối năm sau.