|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ rớt 400 điểm sau phiên tăng 800 điểm, lợi suất lên cao

07:57 | 15/10/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ sa sút trong phiên cuối tuần 14/10 sau khi hồi phục mạnh mẽ trong ngày thông báo chỉ số giá tiêu dùng 13/10. Một báo cáo mới cho thấy kỳ vọng lạm phát của người dân đang tăng cao.

S&P 500 giảm điểm trong phiên 14/10.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm gần 404 điểm, tương đương 1,34%, và đóng cửa ở gần 29.635 điểm. Phiên hôm trước (13/10), chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này vọt lên 828 điểm.

Chỉ số S&P 500 kết phiên cuối tuần ở 3.583 điểm, tương ứng giảm 2,37%. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite cũng mất 3,08% và dừng ở 10.321 điểm. Đây là phiên giảm thứ 7 trong 8 phiên gần đây nhất của cả hai chỉ số.

Xét chung cả tuần qua, Dow Jones tăng 1,15% trong khi S&P 500 và Nasdaq giảm tương ứng 1,55% và 3,11%. 

Dow Jones mất hơn 400 điểm trong phiên cuối tuần 14/10, tụt xuống dưới mốc 30.000.

Theo CNBC, giá cổ phiếu giảm xuống đáy của phiên 14/10 sau khi khảo sát người tiêu dùng của Đại học Michigan cho thấy xu hướng tăng nhanh của kỳ vọng lạm phát – một biến số mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng đang theo dõi chặt chẽ để ra quyết định về lãi suất.

Nasdaq Composite dẫn đầu đà lao dốc của thị trường vì các cổ phiếu công nghệ là nhóm nhạy cảm nhất với các đợt nâng lãi suất nhằm kiềm chế lạm phát.

Theo khảo sát của Đại học Michigan, người tiêu dùng trong tháng 9 dự báo lạm phát trong một năm tới sẽ là 5,1%, cao hơn đáng kể so với mức 4,7% của tháng 8. Biểu đồ bên dưới cho thấy kỳ vọng lạm phát một năm của Mỹ đang ở vùng cao nhất kể từ năm 2008.

Kỳ vọng lạm phát tại Mỹ giảm trong tháng 8 nhưng tăng trở lại trong tháng 9.

“Tháng trước, kỳ vọng lạm phát dài hạn giảm xuống dưới khoảng 2,9 – 3,1% lần đầu tiên kể từ tháng 7/2021, nhưng giờ kỳ vọng đã quay lại ngưỡng 2,9%”, bà Joanne Hsu, Giám đốc Các khảo sát Người tiêu dùng của Đại học Michigan, cho hay.

Chỉ số tâm lý người tiêu dùng nói chung tăng từ 58,6 điểm lên 59,8 điểm trong tháng 9. Tuy nhiên, chỉ số kỳ vọng người tiêu dùng giảm từ 58 còn 56,2 điểm.

Trong khi đó, lợi suất đi lên do nhà đầu tư lo ngại lạm phát tiếp tục tăng cao. Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt mốc 4% lần thứ hai trong hai ngày. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Anh kỳ hạn 10 năm cũng tăng lên mức 4,323% sau khi nữ Thủ tướng Liz Truss sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng và thay đổi một phần kế hoạch ngân sách gây tranh cãi trong vài tuần qua.

Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ vượt mốc 4% trong phiên 14/10.

Ông Mark Haefele, Giám đốc đầu tư tại công ty quản lý tài sản UBS, nhận định: “Lạm phát lõi vẫn đi lên và thị trường lao động vững mạnh, đây không phải là những điều kiện hợp lý để Fed thay đổi chính sách. Chỉ khi nào Fed đảo chiều chính sách thì thị trường cổ phiếu mới có thể tăng điểm bền vững”.

“Bên cạnh đó, khi lạm phát cao dai dẳng hơn và Fed nâng lãi suất mạnh hơn, nguy cơ tác động lũy kế của chính sách thắt chặt tiền tệ đẩy nền kinh tế vào suy thoái càng cao, khiến cho triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp thêm u ám”, ông Haefele nói thêm.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều giảm điểm trong phiên 14/10, như thể hiện trong biểu đồ dưới đây. Cổ phiếu năng lượng sa sút khi giá dầu đi xuống do việc OPEC+ cắt giảm sản lượng là không đủ để xua đi những lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Cổ phiếu tài chính đi xuống khi nhiều ngân hàng lớn báo cáo lợi nhuận giảm.

Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều giảm sút trong phiên 14/10.

 Cục Thống kê Dân số Mỹ ngày 14/10 cho biết doanh số bán lẻ tháng 9 đi ngang so với tháng 8 và tăng 8,2% so với cùng kỳ 2021.

Đức Quyền