|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ quay đầu giảm điểm trong ngày đầu họp Fed

07:11 | 02/11/2022
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán Mỹ đi xuống trong phiên 1/11 khi nhà đầu tư đánh giá tác động của số liệu việc làm mới nhất tới quyết định lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong cuộc họp đang diễn ra.

Dow Jones giảm gần 80 điểm trong phiên đầu tháng 11.

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones mất gần 80 điểm, tương đương 0,24%, và kết phiên ở 32.653 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite giảm sâu hơn khi đi xuống lần lượt 0,41% và 0,89%.

Tất cả chỉ số chính đều mở cửa trong sắc xanh nhưng rồi quay đầu giảm điểm sau khi Cục Thống kê Lao động Mỹ (BLS) cho biết số việc làm cần tuyển dụng trong tháng 9 là 10,72 triệu, cao hơn nhiều so với ước tính 9,85 triệu của FactSet. Số liệu tháng 8 cũng được điều chỉnh tăng thêm 230.000 so với công bố ban đầu.

Số việc làm cần tuyển dụng tháng 9 cao gấp 1,9 lần so với số người thất nghiệp đang tìm việc, cho thấy người lao động có lợi thế trong đàm phán và có thể đàm phán lấy mức lương cao hơn, làm tăng áp lực lạm phát.

Thông tin tích cực về thị trường lao động khiến nhà đầu tư lo ngại Fed sẽ có lý do để tiếp tục thắt chặt tiền tệ và kìm hãm đà tăng của giá cả.

Số việc làm cần tuyển dụng tháng 9/2022 tăng 440.000 so với tháng 8.

CNBC dẫn lời ông Randy Frederick, Giám đốc điều hành giao dịch và phái sinh tại Schwab Center for Financial Research, nhận định: “Bất cứ khi nào tin tốt xuất hiện, thị trường lại phản ứng tiêu cực vì lo sợ Fed sẽ thắt chặt mạnh hơn và có thể trong thời gian dài hơn. Chúng ta vẫn ở trong giai đoạn mà tin xấu mới là tin tốt”.

Hôm 1/11 là ngày đầu tiên của cuộc họp thường kỳ tháng 11 của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) thuộc Fed. Đa số chuyên gia và nhà đầu tư dự báo các quan chức Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản (bps) lần thứ 4 liên tiếp tại cuộc họp này.

Nhà đầu tư sẽ tập trung theo dõi thông cáo chính thức từ Fed cũng như phiên hỏi đáp với báo giới của Chủ tịch Jerome Powell vào chiều 2/11 để dự đoán về chính sách tiền tệ trong thời gian tới.

Nasdaq mất 0,89% trong phiên đầu họp Fed.

Đà giảm của thị trường trong phiên 1/11 được hạn chế bởi kết quả kinh doanh quý III khả quan của một số doanh nghiệp như Pfizer và Uber. Kết phiên, cổ phiếu tập đoàn dược phẩm Pfizer tăng 3,1%, hãng gọi xe Uber vọt lên gần 12%.

Trong mùa báo cáo kết quả kinh doanh này, nhiều doanh nghiệp cho biết lạm phát cao, lãi suất tăng, và đồng USD mạnh lên là những nhân tố tiêu cực tác động tới doanh thu và lợi nhuận.

Phiên 1/11, cổ phiếu công nghệ và viễn thông nằm trong nhóm giảm sâu hơn thị trường chung, như biểu đồ bên dưới cho thấy. Ngược lại, cổ phiếu năng lượng và tài chính đi lên mạnh mẽ nhất.

Thị trường chứng khoán Mỹ phân hóa trong phiên đầu tháng 11.

Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua một tháng 10 thuận lợi khi Dow Jones tăng xấp xỉ 14% và ghi nhận tháng đi lên mạnh mẽ nhất kể từ tháng 1/1976. Nhà đầu tư tìm đến cổ phiếu ngân hàng và rời xa nhóm công nghệ, khiến cho chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite chỉ đi lên khiêm tốn 3,9%, S&P 500 thêm 8%.

Lo sợ Fed tiếp tục thắt chặt

Ông Ed Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại công ty môi giới Oanda, cho rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức cao vì thị trường lao động chưa có dấu hiệu sa sút.

“Lãi suất có thể phải lên cao hơn trong thời gian dài hơn nếu thị trường việc làm vẫn vững mạnh và lạm phát tỏ ra dai dẳng hơn thị trường kỳ vọng ban đầu”, ông Moya viết trong bài phân tích gửi khách hàng hôm 1/11. Ông cho rằng những hy vọng về việc Fed đảo ngược chính sách tiền tệ vẫn là “quá sớm”.

Sau khi BLS công bố số việc làm cần tuyển dụng cao hơn dự kiến, ông Moya dự đoán Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ phát biểu cứng rắn trong cuộc họp báo chiều 2/11.

Áp lực tiền lương kéo dài sẽ khiến cho lạm phát khó hạ nhiệt, trong khi số việc làm còn trống tăng lên cho thấy hoạt động kinh tế vẫn chưa chậm lại.

Lãi suất quỹ liên bang hiệu lực tháng 10/2022 là 3,08%, cao hơn so với giai đoạn trước COVID-19.

Bà Lauren Goodwin, chuyên gia kinh tế và chiến lược danh mục tại công ty đầu tư New York Life Investments, cho rằng kịch bản Fed đổi hướng lãi suất còn lâu mới xảy ra, nhiều khả năng phải đến năm 2024 thì chính sách tiền tệ mới mang tính hỗ trợ trở lại.

Bà Goodwin chỉ ra rằng đợt tăng lãi suất đầu tiên vào tháng 3/2022 đang bắt đầu tác động tới nền kinh tế thực. Tuy nhiên, Fed sẽ cần thấy dữ liệu hợp lý trong vài tháng rồi mới thay đổi chính sách.

Ông Mike Wilson, Giám đốc đầu tư tại Morgan Stanley, tin rằng thị trường gấu vẫn chưa kết thúc và thị trường sẽ chỉ chạm đáy khi lợi nhuận doanh nghiệp xuống thấp hơn hiện nay.

Đức Quyền