Chứng khoán Mỹ mất đà tăng sau yêu cầu bất ngờ của ông Trump vào phút chót
Chỉ số S&P 500 đóng cửa nhích lên chưa đầy 0,1%, tương đương 2,75 điểm, mặc dù giữa phiên tăng tới 0,7%. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones thêm 114 điểm, tức 0,7% và kết phiên ở 30.130 điểm. Đã có lúc chỉ số gồm 30 cổ phiếu này vọt lên 277 điểm.
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,3% xuống còn 12.771 điểm khi các đại gia Amazon, Apple và Microsoft đều đóng cửa trong sắc đỏ.
Nhóm cổ phiếu thuận chu kỳ - bộ phận thị trường nhạy cảm nhất với triển vọng kinh tế - diễn biến khả quan trong phiên 23/12. Nổi bật nhất là nhóm năng lượng và tài chính, tăng lần lượt 2,2% và 1,6%.
Đêm 23/12, Tổng thống Donald Trump kịch liệt chỉ trích gói cứu trợ COVID-19 trị giá 900 tỷ USD mà lưỡng viện Quốc hội phải rất vất vả mới thông qua được sau 7 tháng ròng bế tắc. Theo CNBC, ông Trump gọi dự luật này là một sự "nhục nhã" và đòi hỏi các nhà lập pháp phải thay đổi nhiều nội dung, đặc biệt là nâng quy mô chương trình phát tiền mặt trực tiếp cho người dân từ 600 USD/người lên thành 2.000 USD/người.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (đảng viên Dân chủ) đồng ý với yêu cầu tăng phát tiền mặt mà ông Trump đưa ra và cho biết Đảng Dân chủ Hạ viện sẽ cố gắng thông qua một dự luật riêng rẽ theo phương thức đồng thuận tuyệt đối vào ngày 24/12.
Đề xuất nâng quy mô hỗ trợ của ông Trump là khá bất ngờ vì nó đi ngược lại quan điểm của các đồng minh của ông trong Đảng Cộng hòa và xuất khi khi quá trình đàm phán lưỡng đảng đã xong xuôi.
Đảng Dân chủ trước đây đề xuất phát 1.200 USD/người nhưng Đảng Cộng hòa kiên quyết phản đối, cuối cùng Đảng Dân chủ nhượng bộ với con số 600 USD. Vì vậy, phương án phát 2.000 USD của ông Trump sẽ rất khó được chính Đảng Cộng hòa của ông ủng hộ.
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin từng cho biết nếu ông Trump ký ban hành dự luật mà Quốc hội gửi đến, người dân Mỹ có thể sẽ bắt đầu nhận được tiền từ tuần sau. Tuy nhiên, yêu cầu bất ngờ vào phút chót của ông Trump sẽ làm chậm thời gian nhận hỗ trợ của hàng triệu người Mỹ đang gặp khó khăn.
Ngày 23/12, Tổng thống Trump còn phủ quyết một dự luật quốc phòng trị giá 740 tỷ USD vì cho rằng dự luật này làm lợi cho Trung Quốc. Nếu một dự luật được trên 2/3 số thành viên Quốc hội thông qua thì dự luật đó sẽ tự động trở thành luật mà không cần chữ ký của tổng thống.
CNBC dẫn lời ông Ed Mills - Chuyên gia phân tích chính trị tại ngân hàng đầu tư Raymond James nhận định: "Việc Tổng thống Trump đòi hỏi xem xét lại dự luật cứu trợ COVID-19 để nâng số tiền phát trực tiếp sẽ gây ra nhiều bất ổn cho những ngày sắp tới. Tuy nhiên kịch bản cơ sở của chúng tôi vẫn là dự luật mà Quốc hội thông qua vẫn sẽ trở thành luật chính thức".
"Dự luật sẽ biến thành luật vào ngày 3/1 [khi khóa quốc hội mới tuyên thệ] mà không cần thêm động thái nào từ phía tổng thống. Tuy nhiên chính phủ liên bang sẽ phải đóng cửa nếu dự luật không được thông qua trước ngày 28/12", ông Ed Mills nói thêm.
Ông Trump không đe dọa phủ quyết dự luật cứu trợ nhưng ông muốn Quốc hội gửi đến "một dự luật thích hợp, nếu không, chính phủ tiếp theo sẽ phải cho ra một gói giải cứu".
Các cổ phiếu liên quan tới du lịch đầu tuần này bị bán tháo nhưng đã hồi phục phần nào trong phiên 23/12 sau khi những lo ngại về biến thể COVID-19 tại Anh đã dịu bớt. Cổ phiếu hàng không United Airlines và Delta Air Lines cùng tăng 2,7%, nhóm du thuyền Carnival và Norwegian Cruise Line thêm lần lượt 5,7% và 6,2%. Các chuyên gia y tế cho rằng các loại vắc xin đang sản xuất vẫn sẽ có hiệu quả với biến chủng virus mới.
Còn 5 phiên giao dịch nữa là hết năm 2020. Chỉ số S&P 500 hiện đang cao hơn 14% so với ngày đầu năm.
Trong ngày 23/12, hai hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) thông báo sẽ cung cấp thêm cho chính phủ Mỹ 100 triệu liều vắc xin COVID-19 trước cuối tháng 7/2021. Tổng trị giá của lô vắc xin này cũng là 1,95 tỷ USD, bằng với lô 100 triệu liều trước đó.
Mỹ hiện nay đã tiêm chủng COVID-19 cho hơn 1 triệu người, mục tiêu từ nay đến hết năm là 20 triệu người.
Ở một diễn biến khác, nền kinh tế Mỹ ghi nhận 803.000 người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần kết thúc ngày 19/12, khả quan hơn ước tính 888.000 mà các nhà kinh tế của Dow Jones đưa ra. Tuy nhiên, tiêu dùng hàng hóa lâu bền cốt lõi và thu nhập cá nhân trong tháng 11 đều không đạt kỳ vọng.