|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Quốc hội Mỹ thống nhất gói giải cứu 900 tỷ USD sau 7 tháng bế tắc

07:07 | 21/12/2020
Chia sẻ
Chủ nhật 20/12, lãnh đạo Quốc hội Mỹ tuyên bố đã đạt được một thỏa thuận về gói tài khóa 900 tỷ USD nhằm giải cứu hệ thống y tế và nền kinh tế đang chật vật trong đại dịch COVID-19.
Quốc hội Mỹ thống nhất gói giải cứu 900 tỷ USD sau 7 tháng bế tắc - Ảnh 1.

Tòa nhà Quốc hội Mỹ nhìn từ xa. (Ảnh: Bloomberg).

Tháng 3 năm nay, Quốc hội thông qua dự luật cứu trợ khẩn cấp trong đại dịch trị giá 2.200 tỷ USD. Đến tháng 5, khi gói cứu trợ cũ chưa hết hạn, Đảng Dân chủ chiếm đa số ở Hạ viện đã phê chuẩn một dự luật nối tiếp với quy mô trên 3.000 tỷ USD, tuy nhiên dự luật này bị tắc lại ở Thượng viện - nơi Đảng Cộng hòa chiếm đa số.

Đến khi đạo luật cũ đã hết hạn vào cuối tháng 7, hai đảng vẫn chưa thể đi đến thống nhất. Đảng Cộng hòa muốn giảm quy mô hỗ trợ trong khi Đảng Dân chủ muốn con số lớn hơn.

Sau nhiều vòng đàm phán, quy mô và độ bao phủ của dự luật giảm dần và hiện nay còn 900 tỷ USD. Trong khoảng hai tuần trở lại đây, các cuộc thương lượng diễn ra liên tục từ ngày này sang ngày khác. 

Các lãnh đạo tại Quốc hội nhiều lần tuyên bố đã đạt được tiến bộ và rằng thỏa thuận đã trong tầm tay nhưng phải đến chiều Chủ nhật 20/12 (theo giờ Mỹ), hai bên mới đi đến thống nhất về gói giải cứu khẩn cấp cũng như dự luật chi tiêu chính phủ liên bang cho cả năm tài khóa.

Trước đó, Quốc hội và Tổng thống Trump đã phải hai lần kéo dài thời gian cấp ngân sách, một lần thêm 7 ngày và một lần thêm hai ngày, để tránh việc chính phủ đóng cửa và để cho các chính trị gia Dân chủ - Cộng hòa thêm thời gian thảo luận. Sau nửa đêm 20/12, ngân sách cho chính phủ liên bang sẽ bị cắt. 

Dự luật mới sẽ được chính thức biểu quyết thông qua vào ngày 21/12. Để tránh việc chính phủ phải đóng cửa trong một ngày chờ đợi, quốc hội dự kiến sẽ kéo dài ngân sách chi tiêu thêm đúng một ngày nữa.

CNBC dẫn lời Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Mitch McConnell (đảng viên Cộng hòa) phát biểu: "Cuối cùng, chúng ta đã đạt được bước đột phá lưỡng đảng mà đất nước đang cần".

Quốc hội Mỹ thống nhất gói giải cứu 900 tỷ USD sau 7 tháng bế tắc - Ảnh 2.

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (trái) và Lãnh đạo Đảng cộng hòa Thượng viện Mitch McConnell. (Ảnh: AP).

Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi và Lãnh Đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer (đều là đảng viên Dân chủ) gọi dự luật mới là "một gói chi tiêu mang lại nguồn vốn khẩn cấp để cứu mạng cũng như bảo vệ sinh kế của người dân Mỹ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tăng tốc lây lan".

Hai nhà lãnh đạo Đảng Dân chủ này tuyên bố sẽ sớm thúc đẩy thêm các gói giải cứu sau khi Tổng thống đắc cử Joe Biden (cùng thuộc Đảng Dân chủ) chính thức nhậm chức vào ngày 20/1 năm sau, CNBC cho hay.

Trong những tháng quốc hội bế tắc, trợ cấp thất nghiệp bổ sung bị cắt, hàng triệu người dân Mỹ đã phải chật vật xoay xở trả tiền nhà, tiền ăn, điện, nước, ... Nhiều người đã bị đuổi khỏi nơi ở vì không trả được tiền thuê hoặc tiền lãi ngân hàng hàng tháng.

"Người dân Mỹ có nhiều lý do để ăn mừng gói giải cứu mới này. Nhưng rõ ràng thỏa thuận mà chúng tôi vừa đạt được còn rất nhiều hạn chế", Thượng nghị sĩ Chuck Schumer nói.

Dự kiến, mỗi người lớn sẽ được chính quyền liên bang phát cho 600 USD. Gia đình có trẻ nhỏ cũng sẽ được cấp 600 USD/trẻ. Nhiều chính trị gia với tư tưởng tiến bộ như Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cho rằng quy mô trợ cấp lần này quá nhỏ và đề xuất phát cho mỗi người dân 1.200 USD.

Dự luật mới sẽ dành ra ít nhất 300 tỷ USD để giúp các doanh nghiệp nhỏ trả tiền lương người lao động. Người mất việc làm cũng sẽ được nhận thêm 300 USD tiền trợ cấp thất nghiệp bổ sung hàng tuần, giảm so với mức 600 USD/tuần trong đạo luật thông qua hồi tháng 3.

Tiêu chí nhận trợ cấp thất nghiệp được nới lỏng trong đại dịch vẫn sẽ được giữ nguyên trong dự luật mới. Theo CNBC, nếu thời hạn áp dụng các tiêu chí này không được kéo dài, 12 triệu người sẽ mất trợ cấp thất nghiệp kể từ sau Giáng sinh.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer cho biết dự luật mới sẽ chi khoảng 30 tỷ USD để "thu mua và phân phối" vắc xin COVID-19. Nhiều nhân viên y tế tuyến đầu và nhân viên chính phủ đã bắt đầu được tiêm phòng vắc xin do Pfizer-BioNTech nghiên cứu phát triển.

Đức Quyền