Chứng khoán Mỹ giữa mắt bão
Tuần vừa qua mang lại một trải nghiệm kì lạ cho các nhà đầu tư chứng khoán Mỹ: thị trường bình lặng đến ngỡ ngàng, trái ngược hẳn với sự biến động điên cuồng trong những tuần cuối tháng 12 và đầu tháng 1.
Chỉ số S&P 500 tuần vừa qua giảm 0,2% giữa mùa cao điểm công bố kết quả kinh doanh. Đây là mức biến động hàng tuần khiêm tốn nhất của chỉ số này kể từ tháng 10/2018. Tính từ đầu tháng 1, chỉ số này đã tăng 6,3% và tính từ đáy hôm 24/12, đã tăng 9,2%.
Thị trường chứng khoán Mỹ (chỉ số S&P 500) có tuần biến động ít nhất kể từ tháng 10 năm ngoái. Nguồn: Bloomberg. |
Nhưng liệu đây là giây phút nghỉ ngơi quí giá hay chính là mắt của một cơn bão hung tợn?
Bà Aliza Mason – một chuyên gia thị trường cổ phiếu và phái sinh tại Grupo Santander nhận định: Đợt tăng điểm của thị trường chứng khoán “đã mất đi một phần khí thế do tâm lí thị trường có phần sợ rủi ro hơn so với một tuần trước đây”. Điều này khiến nhà đầu tư bị mắc kẹt “giữa một bên là hy vọng và bên kia là sự tuyệt vọng”.
Quí IV năm ngoái thị trường đã không thể vượt qua sợ hãi nhưng đầu năm 2019 này, thị trường lại tiến băng băng qua nhiều mối rủi ro. Cụ thể, thị trường chứng khoán Mỹ tỏ ra vững vàng trước đợt đóng cửa chính phủ dài nhất trong lịch sử Mỹ, những tín hiệu trái chiều về cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc, Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu cũng như kết quả và dự báo đáng thất vọng từ nhà sản xuất chip lớn nhất Mỹ - Intel Corp.
Tuần tới đây, hãng loạt sự kiện diễn ra sẽ thử thách sức chịu đựng của thị trường và nhà đầu tư sẽ đánh giá hàm ý của thỏa thuận tạm thời giúp chính phủ Mỹ mở cửa trở lại.
Đảo ngược độ biến động
Trong tuần 28/1-4/2, các đại gia công nghệ gồm Apple, Microsoft, Amazon và Facebook sẽ công bố kết quả kinh doanh quí vừa qua. Ngoài ra còn có báo cáo cập nhật từ tập đoàn Caterpillar – phong vũ biểu của nền công nghiệp và thương mại thế giới.
Báo cáo từ các hãng Mastercard Inc. và Visa Inc. cũng sẽ cung cấp thêm thông tin về tình hình người tiêu dùng Mỹ.
Một phái đoàn Trung Quốc sẽ tới thủ đô Washington vào ngày thứ Hai 28/1 để nói chuyện về vấn đề thương mại, sau đó Phó Thủ tướng Lưu Hạc cũng sẽ đến Washington trong tuần.
Tuần sau còn có một cuộc họp của Cục dự trữ Liên bang Mỹ và báo cáo việc làm phi nông nghiệp (non-farm payrolls report).
Tính chung những sự kiện này, không có gì lạ khi nhà đầu tư đang dự báo thị trường chứng khoán tuần tới sẽ biến động mạnh hơn so với tháng tới, tạo nên một hình thái bất thường trên đường biến động chỉ số S&P 500.
Đường dự báo mức độ biến động chỉ số S&P 500 trong tương lai. Nguồn: Bloomberg. |
Thông thường, đường cong dự báo biến động của một chỉ số sẽ cong lên vì triển vọng thị trường trong tương lai xa thường ít chắc chắn hơn, khó đự đoán hơn so với tương lai gần. Việc đường cong dự báo biến động đảo ngược (đi xuống) trong đoạn 1 tuần – 1 tháng cho thấy các sự kiện tuần sau quan trọng và có tác động lớn tới mức nào.
Nếu đa phần những sự kiện này biến động cùng theo một hướng, xu thế đi ngang của thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần trước sẽ khó có thể tiếp diễn.
Khoảng 1/4 chặng đường mùa công bố kết quả kinh doanh đã qua và tình hình nhìn chung là trái chiều. Khoảng 70% số doanh nghiệp có lợi nhuận và 58% có doanh thu vượt vượt kì vọng. Tuy nhiên, trung bình chênh lệch doanh thu so với dự báo đang ở mức âm. Nếu cứ đà này, đây sẽ là quí đầu tiên trong hai năm trở lại đây mà tổng doanh thu của các doanh nghiệp không đạt kì vọng.
Xem thêm |