Chứng khoán Mỹ giảm sâu khi Nvidia không còn động lực để thúc đẩy thị trường, cổ phiếu VinFast vẫn tăng hơn 30%
Theo CNBC, trong phiên giao dịch ngày 24/8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã giảm 374 điểm, tương đương 1,08%, xuống còn 34.099 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 1,35%, chốt phiên với 4.376 điểm. Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 1,87%, đóng cửa ở mức 13.464 điểm.
Phiên giao dịch 24/8 đánh dấu ngày tồi tệ nhất với Dow Jones kể từ tháng 3/2023. Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq Composite ghi nhận mức sụt giảm sâu nhất kể từ 2/8.
Trái ngược với xu hướng chung trên thị trường, cổ phiếu VinFast (VFS) lại tiếp tục bật tăng thêm 32,33%, đạt 49 USD/cp, giúp công ty vượt Porsche trở thành hãng xe có vốn hóa cao thứ ba trên thế giới. Khối lượng giao dịch đạt gần 13 triệu đơn vị, cao hơn gấp đôi so với trung bình. Có thời điểm trong phiên, cổ phiếu VFS đã chạm gần 57 USD/cp.
Trong khi đó, vào đầu phiên 24/8, cổ phiếu Nvidia đã bật tăng lên mức cao nhất mọi thời đại sau khi công ty công bố báo cáo kết quả kinh doanh vượt qua kỳ vọng của các nhà phân tích. Gã khổng lồ bán dẫn này còn dự báo doanh thu quý III sẽ tăng lên 16 tỷ USD, cao hơn 170% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đến khi chốt phiên, cổ phiếu của Nvidia chỉ tăng 0,1%.
Lĩnh vực công nghệ ghi nhận mức sụt giảm sâu nhất trong các nhóm cổ phiếu của S&P 500. Kết thúc phiên 24/8, các cổ phiếu công nghệ đi xuống khoảng 2,15% do đà giảm của các công ty Advanced Micro Devices (AMD) và Intel. Cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ lớn khác cũng đi xuống, trong đó Amazon mất 2,7%, Apple giảm 2,6% và Netflix sụt 4,8%.
Dollar Tree là mã cổ phiếu có kết quả tệ nhất trong S&P 500, mất khoảng 12,9% do dự báo kết quả kinh doanh quý III đáng thất vọng. Trong khi đó, cổ phiếu của Nike tiếp tục trượt dài trong phiên giao dịch thứ 11 liên tiếp, giảm 1,1%. Boeing cũng đang kéo chỉ số Dow Jones đi xuống với mức sụt giảm gần 5%.
Ông Phillip Colmar, chiến lược gia toàn cầu tại MRB Partners, nhận định rằng thị trường đang chỉ “tập trung” vào một số cái tên nhất định. “Tôi nghĩ tăng trưởng tốt và lợi suất trái phiếu đi lên sẽ giúp thị trường mở rộng thêm. Chúng ta đã thấy hiện tượng này trong những tuần gần đây”, ông nói.
Vị chiến lược gia này cho biết ông sẽ chú ý đến công nghệ, do lĩnh vực này gần đây đã ghi nhận những bước phát triển lớn. Ông cho biết đôi khi các câu chuyện đẩy giá cổ phiếu lên cao, và thị trường sẽ cần mất một thời gian để bắt kịp.
Ông Sonu Varghese, chiến lược gia vĩ mô của Carson Group, nhận xét: “Câu chuyện [cổ phiếu] công nghệ đang quay trở lại. Thật mỉa mai vì thông thường, khi lợi suất trái phiếu đi lên, định giá cổ phiếu thường bị ảnh hưởng và các cổ phiếu được định giá cao sẽ có kết quả tồi tệ hơn”.
Ông Varghese cho biết Carson đang cân bằng việc nắm giữ cổ phiếu công nghệ với những cổ phiếu mang tính chu kỳ, chẳng hạn như các công ty công nghiệp và năng lượng có vốn hóa nhỏ và vừa. “Tôi nghĩ nền kinh tế đang hoạt động khá kiên cường”, ông nói thêm.
Trong tuần này, các nhà đầu tư đang chờ đợi tín hiệu về chính sách tiền tệ từ bình luận của các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại cuộc hội nghị ở Jackson Hole vào ngày 24-25/8.
Tại hội nghị trên, Chủ tịch Fed chi nhánh Philadelphia Patrick Harker tiết lộ rằng ông thấy không cần phải tăng thêm lãi suất nữa, và có thể nới lỏng vào năm 2024, tùy thuộc vào dữ liệu kinh tế.
Ông Harker cho biết Fed đang “phải đối phó với lạm phát. Chính sách tiền tệ đang kiềm chế hoạt động kinh tế và chúng ta nên giữ lập trường này trong một thời gian”. Vị quan chúc nói thêm rằng nhiều lãnh đạo trong khu vực mình quản lý đã bày tỏ mong muốn rằng Fed sẽ ngừng thắt chặt một thời gian để chuỗi 11 lần tăng lãi suất phát huy tác dụng.
Ông Harker nói: “Những gì tôi nghe thấy rõ trong chuyến đi vào mùa hè năm nay là Fed đã [tăng lãi suất quá nhanh], chúng tôi cần thời gian để thích ứng”.