Chứng khoán Mỹ đi lên sau dấu hiệu tích cực từ Trung Quốc
Chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,4%, S&P 500 cũng đi lên 0,31% và đóng cửa ở 4.121 điểm. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 16 điểm, tức là chỉ 0,05%.
Giữa phiên 6/6, Dow Jones có lúc đi lên hơn 300 điểm. Tuy nhiên sau đó, chỉ số gồm 30 cổ phiếu blue chip này thoái lui dần khi lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm vọt lên trên mốc 3%.
Các chỉ số chính tăng điểm sau khi giảm 3/4 phiên giao dịch của tuần trước.
Cổ phiếu công nghệ thường biến động ngược chiều với lợi suất. Mặc dù lợi suất ngày 6/6 tăng mạnh nhưng Nasdaq vẫn giữ được sắc xanh nhờ tín hiệu khả quan từ Trung Quốc.
Tờ Wall Street Journal ngày 6/6 dẫn nguồn tin riêng cho biết Trung Quốc sắp chấm dứt cuộc điều tra đối với tập đoàn gọi xe khổng lồ Didi Global và hai doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc niêm yết tại Mỹ khác. Đây có thể dấu hiệu cho thấy chính phủ tại Bắc Kinh sẽ nới lỏng kiểm soát đối với lĩnh vực công nghệ để ưu tiên cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Sau khi cuộc điều tra kết thúc, ứng dụng Didi sẽ xuất hiện trở lại trên các cửa hàng ứng dụng (app store) tại Trung Quốc và tập đoàn này sẽ được phép tăng trưởng người dùng lần đầu tiên kể từ khi bị cấm vào tháng 7/2021.
- TIN LIÊN QUAN
-
Cổ phiếu nhảy vọt hơn 50% trong một phiên khi công ty thoát nạn bị điều tra 06/06/2022 - 22:03
Giá cổ phiếu Didi giao dịch tại Mỹ có lúc vọt lên 52% sau thông tin tích cực từ Wall Street Journal, mức tăng lúc đóng cửa hạ nhiệt còn 24%. Biểu đồ bên dưới cho thấy Didi đã liên tục lao dốc trong gần một năm qua khi cuộc điều tra của chính phủ Trung Quốc diễn ra ra chỉ vài ngày sau phiên chào sàn New York của Didi hôm 30/6/2021.
Các cổ phiếu công nghệ Trung Quốc giao dịch tại Mỹ khác như JD.com và Pinduoduo cũng đi lên lần lượt 6,5% và 5,6%. Chỉ số Shanghai Composite tăng 1,3%.
Theo CNBC, động thái mới từ Trung Quốc có thể khích lệ nhà đầu tư về triển vọng của các nền kinh tế châu Âu và Mỹ.
Ông Tom Essaye, nhà sáng lập công ty nghiên cứu Sevens Report, nhận định: “Kể từ khi chạm các mức đáy ngắn hạn gần 3.800 điểm, S&P 500 đã đạt được nhiều bước tiến: Trung Quốc đang mở cửa trở lại và hy vọng nền kinh tế sẽ đạt công suất gần tối đa trong khoảng một tháng, tạo động lực cho kinh tế toàn cầu và quan trọng nhất là giảm căng thẳng chuỗi cung ứng”.
S&P 500 chạm đáy 52 tuần vào hôm 20/5, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Kể từ đó đến nay, chỉ số đại diện thị trường này đã hồi phục khoảng 5,6%. So với đầu năm, S&P 500 vẫn còn thấp hơn khoảng 13,5%.
Cổ phiếu đại gia thương mại điện tử Amazon tăng 2% sau khi chia tách theo tỷ lệ 20:1, tức là nhà đầu tư nắm giữ một cổ phiếu cũ sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới. Đây là lần đầu tiên Amazon chia tách cổ phiếu kể từ cuộc khủng hoảng công nghệ năm 2000.
Giá dầu thô Brent ngày 6/6 dao động quanh ngưỡng 120 USD/thùng, cổ phiếu công nghệ giảm nhẹ. Thống kê trên đây cho thấy đa số nhóm cổ phiếu thuộc S&P 500 đều đi lên trong phiên đầu tuần, dẫn đầu là ngành tiêu dùng không thiết yếu và viễn thông.
Nhà đầu tư đang lo ngại chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể đưa lãi suất lên quá cao và đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái. Phát biểu của các quan chức Fed mới đây cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong cả cuộc họp tháng 6 và tháng 7.
- TIN LIÊN QUAN
-
Thị trường chứng khoán Mỹ hồi hộp chờ số liệu lạm phát cuối tuần này 06/06/2022 - 08:04
Lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm bật tăng lên mức cao nhất trong gần một tháng, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Nhà đầu tư lo ngại lãi suất tăng sẽ làm giảm giá trái phiếu nên đồng loạt bán ra. Giá trái phiếu và lợi suất biến động ngược chiều nhau.
Thứ Sáu tuần này (10/6), số liệu lạm phát tháng 5 sẽ được công bố. Nếu đà tăng của giá cả đã hạ nhiệt đáng kể, tức là lạm phát đã lập đỉnh, Fed có thể sẽ nhẹ tay hơn khi điều hành lãi suất.