|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ có thể bay xa dù ứng viên nào chiến thắng, nhưng vẫn còn một rủi ro

09:57 | 22/10/2024
Chia sẻ
Ngày bầu cử tổng thống Mỹ đang đến rất gần, nhưng các nhà đầu tư nhận định sự kiện này có thể sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường chứng khoán như nhiều người tưởng.

Phó Tổng thống Mỹ Kalama Harris và cựu Tổng thống Donald Trump. (Ảnh: Business Insider). 

Khảo sát toàn quốc mới nhất của NBC News cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng vẫn đang trong thế giằng co quyết liệt khi khả năng chiến thắng của Phó Tổng thống Mỹ Kalama Harris và cựu Tổng thống Donald Trump ngang ngửa nhau.

Nhiều nhà đầu tư lạc quan rằng thị trường vẫn sẽ duy trì đà tăng bất kể ứng viên nào đắc cử, đặc biệt là bởi diễn biến gần đây của các chỉ số chứng khoán.  

Tuy S&P 500 và Dow Jones cùng đi xuống trong phiên đầu tuần 21/10, thực chất cả hai chỉ số cổ phiếu này đều đã có mạch tăng 6 tuần liên tiếp - chuỗi tăng điểm dài nhất trong năm 2024.

Kể từ đầu năm đến nay, chỉ số S&P 500 đã đi lên khoảng 22%. Dữ liệu từ năm 1944 trở lại đây cho thấy thành tích đáng nể này là điềm báo tốt cho sức bật của thị trường từ sau cuộc bầu cử tổng thống cho đến cuối năm, theo ông Sam Stovall, Giám đốc đầu tư của CFRA Research.

Ông Stovall nói tiếp: “Lịch sử ngụ ý - tuy không đảm bảo - rằng các nhà quản lý quỹ theo phong cách chủ động có thể sẽ tăng tốc để cố gắng đạt được tỷ suất sinh lời bằng hoặc hơn các chỉ số chứng khoán trong những tháng cuối năm nay”.

Vị giám đốc lưu ý tâm lý chuộng tăng trưởng của các nhà đầu tư sẽ có ích cho cổ phiếu nhóm dịch vụ viễn thông, tài chính và công nghệ thông tin.

Các kịch bản

Một trong những lý do giới đầu tư dự đoán cuộc bầu cử sẽ có ít ảnh hưởng đến chứng khoán là bởi trong quá khứ, không ít ván cược vào cổ phiếu dựa trên chính sách của ứng viên tổng thống đã thất bại.

Khi ông Trump đắc cử vào năm 2016, nhà đầu tư kỳ vọng nhóm năng lượng sẽ diễn biến tích cực, nhưng hai năm tiếp theo đó đã trở nên bất lợi với những cổ phiếu này.

Trong khi đó, cổ phiếu năng lượng tái tạo bị tụt hậu trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, dù đây một trong những trọng tâm của chiến dịch tranh cử năm 2020 của ông chủ Nhà Trắng.

Ông Dan Chung, CEO Alger, bình luận: “Bài học rút ra là nhà đầu tư không nên chú ý quá nhiều tới chính trị, điều họ nên tập trung vào là sự thay đổi của ngành và doanh nghiệp”. Tờ CNBC cho biết nhiều nhà quan sát thị trường khác cũng có chung ý kiến trên.

Trong khi đó, các nhà đầu tư vẫn cân đong đo đếm kết quả bầu cử dự đáon bà Harris sẽ đắc cử và Quốc hội Mỹ sẽ bị chia rẽ. Theo họ, đây là điều có lợi cho cổ phiếu, bởi khi đó Nhà Trắng sẽ rất khó có thể ban hành các dự luật tăng thuế.

Trong khi đó, kịch bản ông Trump tái đắc cử nhiều khả năng cũng sẽ được thị trường hoan nghênh, nhưng đồng thời cũng sẽ làm dấy lên nỗi lo về ảnh hưởng của chính sách thuế quan đối với hoạt động thương mại toàn cầu.

Rủi ro kết quả bị chậm trễ

Một trong các lo ngại hàng đầu của nhà đầu tư là kết quả cuộc bầu cử sẽ rất sít sao, dẫn đến nguy cơ kết quả được công bố chậm trễ và thúc đẩy biến động trên thị trường.

Bà Monica Guerra, chuyên gia của Morgan Stanley Wealth Management, viết trong lưu ý: “Chúng tôi nhấn mạnh khả năng kết quả bầu cử bị trì hoãn".

"Một cuộc đua sít sao, cũng như khoảng cách giữa thời gian bỏ phiếu qua thư và hoạt động kiểm phiếu, làm tăng khả năng Mỹ phải mất một thời gian mới xác định được kết quả bầu cử và điều này có thể khiến biến động tăng mạnh”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Bà Guerra cảnh báo có thể phải mất vài ngày đến vài tuần người Mỹ mới biết ai sẽ trở thành tổng thống tiếp theo. Morgan Stanley lưu ý rằng sau cuộc bầu cử năm 2020, chỉ số biến động Cboe đã nhảy vọt 40% trong ba ngày cho đến khi truyền thông nhận định ông Biden là người thắng cuộc.

Trong cuộc bầu cử năm 2000, biến động kéo dài hơn 30 ngày tới tháng 12 năm đó. Bà Guerra bày tỏ: “Chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư nên ghi nhớ những mục tiêu dài hạn của họ trong giai đoạn không chắc chắn và chuẩn bị cho sự biến động liên quan tới cuộc bầu cử”.

Giang