Chứng khoán Kenaga Việt Nam hoạt động ra sao sau 1 năm về tay nhóm chủ mới?
Chứng khoán Kenaga Việt Nam không còn bị đình chỉ hoạt động tư vấn đầu tư
Theo quyết định ngày 30/5 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Chứng khoán Kenaga Việt Nam được chấm dứt tình trạng đình chỉ hoạt động tư vấn đầu tư do đã khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt và duy trì điều kiện về vốn điều lệ tối thiểu theo quy định.
Trước đó, ngày 26/12/2022, UBCKNN có quyết định đình chỉ hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán của công ty đến ngày 25/6/2023. Tháng 8/2015, Chứng khoán Kenaga Việt Nam chấm dứt tư cách thành viên giao dịch tại hai sở giao dịch HOSE và HNX.
Ngoài các thông tin, một dấu hiệu ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của Chứng khoán Kenaga Việt Nam là tại ngày 31/12/2022, số lỗ lũy kế của công ty gần 121,7 tỷ đồng. Đồng thời, trong năm 2022, không phát sinh doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh chính.
Tháng 9/2022, công ty tiến hành tăng vốn điều lệ từ 135 tỷ đồng lên 220 tỷ đồng nhưng chưa phát sinh doanh thu hoạt động trong cả năm. Với chi phí quản lý công ty chứng khoán hơn 9,3 tỷ đồng, Chứng khoán Kenaga Việt Nam báo lỗ 9,33 tỷ đồng trong cả năm ngoái, cao hơn mức lỗ 5,97 tỷ đồng của năm 2021.
Tại ngày 31/12/2022, tổng số nhân viên của công ty là 10 người trong đó có 01 người trong ban điều hành là ông Nguyễn Đăng Khôi, Tổng Giám đốc, bổ nhiệm ngày 12/5/2022.
Bức tranh không mấy sáng cửa hậu đổi chủ
Ghi nhận trong tháng 5 năm ngoái, Chứng khoán Kenaga Việt Nam có sự thay đổi lớn về cơ cấu cổ đông. Các cổ đông lớn của công ty như tổ chức K&N Kenaga Holdings (Quốc tịch Malaysia, sở hữu 49%), ông Cao Văn Sơn (sở hữu 27,28%), bà Phạm Khánh Loan (sở hữu 9,63%), ông Cao Quang Hưng (5,61%) và bà Hồ Ngọc Xuân Thanh (8,48%) chuyển nhượng toàn cổ phần cho các cổ đông mới.
Bên nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Hưng An Điền (49%), bà Phạm Lê Tú Uyên (20%), bà Phan Thanh Trà (16,91%) và bà Đặng Hồng Thi (14,09%).
Sau chuyển nhượng, nhóm cổ đông lớn rút khỏi hội đồng quản trị của công ty. Bà Phan Thanh Trà được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Quản trị. Hai nữ cổ đông lớn còn lại cũng được bổ nhiệm làm thành viên Hội đồng Quản trị của công ty.
Bà Đặng Thị Hồng Thi (sinh năm 1986) là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH MTV Quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Việt Nam Thương tín (Vietbank AMC). Ngoài bà Thi, hai lãnh đạo khác của Chứng khoán Kenaga Việt Nam là bà Phan Thanh Trà và Phạm Lê Tú Uyên đều trẻ (sinh năm 1992 và 1994) và chưa có nhiều hoạt động trên thị trường chứng khoán.
Như tờ Nhà Đầu tư đưa tin trước đó, ban lãnh đạo mới của Chứng khoán Kenaga Việt Nam đều có ít nhiều hoạt động liên quan đến Tập đoàn Hoa Lâm của doanh nhân Trần Thị Lâm.
Trên websitre của mình, Hoa Lâm giới thiệu có hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau như liên liên doanh Hoa Lâm – Kymco chuyên sản xuất lắp ráp và kinh doanh xe tay ga thương hiệu Kymco, góp vốn lớn tại Ngân hàng Việt Nam Thương tín (Vietbank), bệnh viện quốc tế Hoa Lâm và lĩnh vực bất động sản.
Về phần Chứng khoán Kenaga Việt Nam, tiền thân của công ty là CTCP Chứng khoán Vàng Việt Nam thành lập tháng 12/2007 với số vốn 40 tỷ đồng. Tháng 11/2008, công ty đổi tên thành Chứng khoán Kenaga Việt Nam và tăng vốn lên 135 tỷ đồng. Cái tên mới xuất phát từ việc công ty đón cổ đông chiến lược là K&N Holdings Berhad, công ty con của Kenanga Investment Bank Berhad (Malaysia).
Một nhóm cổ đông lớn khác tại Chứng khoán Kenaga Việt Nam như vừa đề cập trên là ông Cao Văn Sơn và người thân. Theo truyền thông đưa tin, cổ đông tổ chức nước ngoài từng tố cáo ông Cao Văn Sơn cố tình chiếm giữ con dấu, tài khoản, tài sản của công ty.
Bên cạnh lĩnh vực chứng khoán, ông Cao Văn Sơn còn còn được biết đến trên cương vị của Chủ tịch HĐQT Công ty Hành Tinh Xanh, một đơn vị từng nhập máy bay tư nhân về Việt Nam.