|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Chứng khoán BOS triệu tập đại hội bất thường sau khi thay Chủ tịch ba lần trong ba tháng

15:13 | 13/11/2022
Chia sẻ
Bà Phạm Thị Thanh Mai làm Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của Chứng khoán BOS kể từ sau 18h ngày 11/11 thay cho ông Trịnh Văn Nam.

(Ảnh minh họa: Chứng khoán BOS).

4 Chủ tịch trong ba tháng

Công ty cổ phần Chứng khoán BOS (Mã: ART) mới cho biết đã miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của ông Trịnh Văn Nam và bầu bà Phạm Thị Thanh Mai làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024. Các quyết định miễn nhiệm và bầu nhân sự nói trên có hiệu lực kể từ sau 18h ngày 11/11/2022.

Hiện nay, bà Mai đồng thời là Kế toán trưởng của Công ty cổ phần Dịch vụ Y tế Hà Thành. Ông Lê Bá Nguyên, Chủ tịch Tập đoàn FLC, cũng từng là Chủ tịch của công ty dịch vụ y tế này.

Trong những tháng gần đây, Chứng khoán BOS đã nhiều lần thay đổi Chủ tịch HĐQT.

Ngày 16/8 năm nay, Chứng khoán BOS tổ chức đại hội cổ đông thường niên lần 3 và bầu bổ sung ba người vào HĐQT nhiệm kỳ 2019 – 2024 gồm ông Lê Bá Phương, ông Trịnh Văn Nam và bà Phạm Thị Thanh Mai. Cùng ngày, ông Lê Bá Phương được bầu làm Chủ tịch HĐQT thay cho người tiền nhiệm là ông Chu Tiến Vượng.

Đến ngày 29/9, Chứng khoán BOS miễn nhiệm chức Chủ tịch của ông Phương vì lý do cá nhân. Ông Trịnh Văn Nam làm Chủ tịch thay thế. Như vậy, ông Phương chỉ làm Chủ tịch của Chứng khoán BOS trong 44 ngày.

Ngày 3/10, ông Phương tiếp tục gửi đơn xin chấm dứt tư cách thành viên HĐQT, không tham gia điều hành bất kỳ công việc gì của Chứng khoán BOS. Ông Phương mong muốn HĐQT công ty sớm tổ chức đại hội cổ đông bất thường để chính thức miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT của ông.

Đến ngày 11/11, như đã nói ở trên, Chứng khoán BOS miễn nhiệm chức Chủ tịch của ông Trịnh Văn Nam để bà Phạm Thị Thanh Mai thay thế. Ông Nam làm Chủ tịch trong 43 ngày.

Trong chưa đầy ba tháng (từ 16/8 đến 11/11), Chứng khoán BOS đã có 4 Chủ tịch HĐQT, lần lượt là: ông Chu Tiến Vượng, ông Lê Bá Phương, ông Trịnh Văn Nam và bà Phạm Thị Thanh Mai.

Đại hội cổ đông bất thường

Cũng trong ngày 11/11, HĐQT Chứng khoán BOS thông qua việc chốt danh sách cổ đông vào ngày 5/12 để tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 10/1/2023. Địa điểm tổ chức và nội dung cụ thể của đại hội chưa được công bố.

Do ông Lê Bá Phương đã có đơn từ nhiệm thành viên HĐQT nên đại hội cổ đông bất thường sắp tới sẽ cần biểu quyết về vấn đề này. Nếu ông Phương được đại hội miễn nhiệm, HĐQT của Chứng khoán BOS sẽ chỉ còn lại hai người là ông Trịnh Văn Nam và bà Phạm Thị Thanh Mai, trong khi Luật Doanh nghiệp quy định số thành viên HĐQT tối thiểu phải là ba.

Vì vậy, đại hội cổ đông bất thường của Chứng khoán BOS sẽ cần bầu bổ sung nhân sự vào HĐQT.

Thực tế cho thấy các đại hội cổ đông trong năm 2022 của Tập đoàn FLC và các doanh nghiệp liên quan như Chứng khoán BOS, Nông dược HAI, FLC Stone, FLC Faros, FLC GAB, Đầu tư Thương mại và Xuất nhập khẩu CFS (KLF) thường không có đủ cổ đông tham dự trong lần đầu và phải tổ chức tới lần thứ 3 mới thành công.

Ngày 2/11 vừa qua, FLC Faros tổ chức đại hội cổ đông bất thường lần 3 và bầu bổ sung hai người vào HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026 là ông Nguyễn Công Lãi và ông Lê Tiến Dũng. Sau đó, ông Dũng được bầu làm tân Chủ tịch. Cựu Chủ tịch Nguyễn Bình Phương tiếp tục làm Thành viên HĐQT.

Đến ngày 4/11, FLC Faros được Phòng Đăng ký Kinh doanh TP Hà Nội cấp Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sửa đổi, công nhận ông Lê Tiến Dũng là người đại diện theo pháp luật mới.

 

Ngày 8/4 năm nay, người đại diện theo pháp luật của FLC Faros khi đó là Chủ tịch Hương Trần Kiều Dung bị bắt trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại Tập đoàn FLC và Chứng khoán BOS. Ngày 21/4, FLC Faros bầu bà Nguyễn Bình Phương làm Chủ tịch HĐQT và thực hiện các thủ tục để bà Phương được làm người đại diện theo pháp luật thay bà Dung.

Tuy nhiên, bà Phương không được Phòng Đăng ký Kinh doanh TP Hà Nội chấp thuận. Trong gần 7 tháng tính tới ngày 4/11, FLC Faros không có người đại diện theo pháp luật, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh.

Đức Quyền

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.