Chứng khoán 6 tháng cuối năm: Bất động sản - Vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi
Trong 6 tháng đầu năm 2016, có thể nhận thấy cổ phiếu ngành dầu khí và vật liệu xây dựng, đặc biệt là thép là nhóm dẫn dắt thị trường. Giá nguyên liệu phục hồi giúp 2 nhóm này tăng giá tương đối ổn định trong nửa đầu năm.
Bên cạnh đó, một số nhóm ngành cũng duy trì tốc độ tăng trưởng tốt như Mía đường, Xây dựng và Bất động sản. Nhóm cổ phiếu ngành dược cũng tăng khá mạnh trong thời gian gần đây với thông tin nới room và các hoạt động M&A.
Về triển vọng 6 tháng cuối năm 2016, Công ty chứng khoán MBS cho rằng nhiều doanh nghiệp sẽ có KQKD tốt. Giai đoạn này, nhà đầu tư nên tập trung vào những cổ phiếu có KQKD từ hoạt động chính tương đối ổn định, định giá còn thấp so với mặt bằng chung. Các cổ phiếu vốn hóa lớn được kỳ vọng giúp giữ nhịp tăng của thị trường.
Ngành Ngân hàng: Tốc độ tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng mạnh hơn trong các tháng cuối năm. Ngành Ngân hàng được kỳ vọng duy trì tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh hơn trong các tháng cuối năm theo yếu tố mùa vụ nhưng không thay đổi quan điểm dự báo ở mức 16%. Mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, có thể tăng nhẹ trong nhóm lãi suất huy động ở các kỳ hạn khác nhau. Nợ xấu đã được kiểm soát ở mức 3% từ năm 2015, nhưng các ngân hàng trong hệ thống (ngoại trừ VCB) vẫn chịu áp lực về chi phí trích lập dự phòng do một khối lượng lớn nợ xấu được bán bằng trái phiếu đặc biệt trong năm năm 2015.
Lợi nhuận ngân hàng sẽ chứng kiến sự phân hóa mạnh. Với những văn bản pháp lý liên tiếp được ban hành theo hướng làm trong sạch, lành mạnh hệ thống, nhiều ngân hàng sẽ gặp những khó khăn không nhỏ. Tuy nhiên ở chiều ngược lại các ngân hàng có có cấu tài sản tốt, lợi thế về quy mô sẽ tiếp mở rộng về doanh thu cũng như lợi nhuận.
Bất động sản- Vật liệu xây dựng: Tổng lượng cầu trong nhiều phân khúc Bất động sản cao cấp có khả năng tiếp tục giảm nhẹ do nhu cầu thị trường đã đạt mức bão hòa, trong khi đó, phân khúc trung cấp sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn do phù hợp với nhu cầu của đa số người dân. Thông tư 06 sẽ dần tác động đến thị trường và gây ra một số khó khăn nhất định cho các chủ đầu tư và người mua nhà khi việc vay vốn qua kênh tín dụng ngân hàng sẽ khó khăn hơn.
Triển vọng hội nhập sẽ là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng của phân khúc bất động sản công nghiệp khi các hiệp định thương mại được hiện thực hoá, thu hút dòng vốn FDI đầu tư cho nhà máy, văn phòng và cơ sở kinh doanh tại Việt Nam.
Nhu cầu xây dựng và bất động sản có triển vọng tăng trưởng đáng kể nhờ dòng vốn đầu tư nước ngoài đón đầu hiệp định thương mại tự do TPP. Cùng với đó, diễn biến giá cả hàng hóa nguyên vật liệu đầu vào là các yếu tố mà nhà đầu tư cần quan tâm ở các nhóm này. Xu hướng phục hồi nhóm Bất động sản sẽ tạo ra cơ hội thúc đẩy tăng trưởng tại nhóm ngành theo sau- vật liệu xây dựng và xây lắp. Bên cạnh đó các nhóm Cảng biển hay Bất động sản khu công nghiệp cũng được kỳ vọng hưởng lợi từ yếu tố này.
Ngành Cảng biển là ngành công nghiệp được hưởng lợi sau khi Việt Nam gia nhập các hiệp định thương mại quốc tế. Sự tăng trưởng trong hoạt động xuất nhập khẩu sẽ gia tăng nhu cầu về các dịch vụ vận tải biển. Tuy nhiên, triển vọng vận tải biển hàng khô và container trong thời gian tới có khả năng sẽ tiêu cực đi do sự mất cân bằng cung cầu tàu biển kéo dài.
Bao bì: Làn sóng hội nhập mang lại cơ hội cho ngành Bao bì khi thu hút được nguồn vốn FDI từ các doanh nghiệp nước ngoài với các nhà máy quy mô lớn. Bên cạnh đó, nhu cầu cho các khách hàng là nhóm ngành Hàng tiêu dùng cũng tiếp tục tăng trưởng tốt tạo cơ hội cho ngành bao bì trong tương lai.
Nhóm Thép: Tiếp tục xoay quanh một số yếu tố chủ chốt như (i) các bước đi hỗ trợ chính sách thuế chống bán phá giá, (2) diễn biến giá các nguyên liệu như quặng sắt hay giá thép thành phẩm.
Ngành thép đã chứng kiến sự tăng trưởng khá tốt trong nửa đầu năm khi hầu hết giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành đều ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng sự phục hồi của thị trường thép là chưa thực sự bền vững, giá bán khó tăng mạnh tiếp trong nửa cuối năm do Việt Nam vẫn chịu áp lực giảm hàng rào thuế quan theo các hiệp định tự do, trong đó, mặt hàng thép có trong danh mục được ưu đãi thuế nhập khẩu.
Đồng thời, biên lợi nhuận gộp nửa cuối năm được dự báo sẽ thu hẹp hơn so với thời điểm đầu năm khi lượng tồn kho giá rẻ đã được giải phòng gần hết và sức ép cạnh tranh lớn trong toàn ngành.
Nhóm Dầu khí: Diễn biến của nhóm này phụ thuộc lớn vào biến động giá cả Dầu thô thế giới. Mặc dù vậy, với việc giá dầu được dự đoán giao dịch ổn định quanh ngưỡng 50 USD/ thùng chúng tôi cho rằng nhóm Dầu khí sẽ có lợi thế nhất định trong tăng trưởng hoặc ít nhất giữ ổn định trong 6 tháng cuối năm khi tình trạng dư cung không nghiêm trọng như dự báo.
Nhóm Chứng khoán: Việc nhóm này khá trầm lắng trong 6 tháng đầu năm trong khi thị trường đã tăng trưởng khá ấn tượng khiến chúng tôi kỳ vọng sự bứt phá tại nhóm này đặc biệt là các cổ phiếu đầu ngành như SSI hay HCM những cổ phiếu có lợi thế lớn về quy mô và thị phần trên thị trường.
Ngành thủy điện: El Nino chấm dứt mở ra cơ hội phục hồi về cuối năm cho các doanh nghiệp thủy điện.
Đối với ngành điện, hiện tượng El Nino sẽ chấm dứt và khả năng xuất hiện hiện tượng La Nina vào những tháng cuối năm là tương đối cao. Theo đó, các nhà máy thủy điện với KQKD kém tích cực trong nửa đầu năm do ảnh hưởng của El Nino sẽ có triển vọng khả quan hơn vào các tháng cuối năm. Tuy nhiên, biến động khó lường của tỷ giá chính là yếu tố rủi ro chính của các doanh nghiệp vay nợ nhiều bằng ngoại tệ.
Ngành thực phẩm: Tốc độ tăng trưởng bán lẻ chậm hơn trong 6 tháng đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm ngoái tuy nhiên các cổ phiếu trong ngành có mức tăng giá phân hóa, trong đó những cổ phiếu có liên quan tới thoái vốn (VNM) tăng trưởng nhờ chiến lược M&A (KDC) tăng trưởng mạnh hơn các cổ phiếu khác trong ngành. Định giá ngành duy trì ở mức cao do nhiều công ty là đối tượng của M&A. Ở mức định giá hiện tại, nhiều cổ phiếu hàng đầu đã có mức định giá hợp lý (P/E trên 20 lần) nên tiềm năng tăng giá mạnh trong 6 tháng cuối năm là không lớn.
Ngành bán lẻ (MWG, PNJ, FPT, DGW) Cổ phiếu nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nhờ tốc độ gia tăng thị phần (MWG, PNJ) cũng như sự liên quan tới thoái vốn của các quỹ lớn. Tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ trong những năm tới còn rất lớn với sự tăng trưởng của hệ thống siêu thị và của hàng tiện ích. Trong ngành này, chúng tôi chú ý tới các cổ phiếu bán lẻ có định giá thấp hơn so với các cổ phiếu đầu ngành như FPT, DGW.