|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chưa thực an tâm về ngưỡng an toàn cho kinh doanh

11:57 | 21/10/2018
Chia sẻ
Kết quả các đợt cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục quản lý chuyên ngành đang tốt lên rất rõ, nhưng vẫn chưa đạt đến ngưỡng an toàn cho kinh doanh.

Công văn tạm dừng có đủ?

Muối i-ốt bỗng nhiên trở thành từ nhạy cảm của ngành y tế, khi hai năm liên tiếp, các doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm đeo đuổi đề nghị bãi bỏ quy định bắt buộc sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm.

chua thuc an tam ve nguong an toan cho kinh doanh
Doanh nghiệp chế biến thủy sản tiếp tục gặp khó vì quy định về nhãn hàng hóa cho nguyên liệu nhập khẩu. Ảnh: Đức Thanh

Trong buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với các bộ về cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thêm một lần nữa “từ nhạy cảm” này được nhắc đến.

“Chúng tôi vẫn phải dùng tạm công văn công bố của Bộ Y tế về việc tạm dừng không áp dụng quy định này. Quy định sửa đổi chính thức vẫn chưa có”, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM cho biết.

Bà Chi chính là người nhiều lần đại diện cho các hội viên của Hiệp hội lên tiếng về việc không thể dùng muối i-ốt trong chế biến do i-ốt dễ bị ô xy hóa, dễ bị bay hơi trong quá trình chế biến, ảnh hưởng trực tiếp đễ chất lượng, màu sắc, mùi vị của sản phẩm. Đây là lý do Nghị định 09/2016/NĐ - CP quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm liên tục có tên trong các đề xuất văn bản cần sửa đổi của các hiệp hội.

Các hội viên Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM không đơn lẻ trong nỗi lo phải hoạt động theo công văn của các bộ, ngành thay vì các quy định chính thức.

Tuần trước, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã phải gửi công văn tới Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng đề nghị ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 43/2017/NĐ-CP (về nhãn hàng hóa) việc ghi nhãn cho dòng hàng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu dạng hàng xô/xá hoặc block trần.

Mặc dù những kiến nghị trước đó của Công ty TNHH Highland Dragon và một số doanh nghiệp hội viên khác của VASEP đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng xử lý bằng Công văn 2383/TĐC-QLCL, nhưng mọi việc chỉ là tình thế.

Suốt nửa đầu năm 2018, các doanh nghiệp rơi vào tình thế khó khăn khi nguyên liệu thủy hải sản nhập khẩu đối với nguyên liệu thủy hải sản là hàng xá hoặc hàng block trần không có bao bì không được các chi cục thú y tiến hành kiểm dịch. Công văn 2383/TĐC-QLCL đã gỡ khó cho doanh nghiệp bằng cách hướng dẫn dãn nhãn lên container.

Tuy nhiên, yêu cầu các chủ hàng phải dán nhãn này trên container hàng lại không phù hợp. Nếu dán nhãn bên trong container thì trong quá trình chạy lạnh của container sẽ có giai đoạn xả tuyết, do đó làm ẩm tờ nhãn mác, khiến nhãn bị bung ra hoặc dễ rách nát. Nếu dán nhãn bên ngoài container, các va đập cơ học trong quá trình vận chuyển container cũng như ảnh hưởng của mưa nắng cũng dễ khiến tờ nhãn mác bị rách nát, bung ra. Hơn thế, một container có thể chứa nhiều loại cá, cỡ khác nhau, nếu mỗi loại cá dán 1 nhãn lên container thì cũng khó phân biệt nhãn tương ứng với loại hàng hóa nào dễ gây nhầm lẫn thông tin…

“Đây là một yêu cầu bất khả thi do các mặt hàng này hoàn toàn không có bao bì để dán nhãn và cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế”, VASEP phân tích.

Quan trọng nhất trong kinh doanh là an toàn

Mặc dù kiến nghị của bà Lý Kim Chi đã được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trấn an bằng cách nhắc tới Nghị định 115/2018/NĐ-CP về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm không có quy định nào về kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp thực phẩm trong việc sử dụng muối có bổ sung i-ốt.

“Nghị định chính thức có hiệu lực từ ngày 20/10/2018 và các doanh nghiệp có thể hoàn toàn yên tâm”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Nhưng, câu hỏi bà Chi đưa ra lại chưa được nhắc tới. Nghĩa là, các doanh nghiệp vẫn chưa thể khẳng định rằng họ được quyền không sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm.

Điều đáng nói là, những ảnh hưởng vô cùng lớn của tình trạng này tới niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp.

“Chúng ta phải tự đặt câu hỏi, tại sao doanh nghiệp luôn nghi ngờ về các kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành mà các bộ, ngành công bố? Doanh nghiệp đang cảm thấy không an tâm, không an toàn khi vẫn còn khoảng cách giữa cam kết và thực thi của các bộ, ngành”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định.

Ngay trong cuộc làm việc của Tổ công tác, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng không né tránh thực tế là có bộ chưa quyết liệt trong thực hiện công việc này.

“Vấn đề là lãnh đạo bộ có quan tâm không và quan trọng nữa là các cục, vụ có quyết tâm không? Có nơi làm rất tốt, nhưng có nơi làm chưa thực chất, vẫn chỉ là cắt giảm cơ học, giảm điều kiện này thì đưa ra quy định trong thông tư khác. Hoặc tuy có từ tiền kiểm sang hậu kiểm, nhưng tỷ lệ kiểm tra còn rất nhiều. Tỷ lệ thủ tục kết nối trên cơ chế một cửa vẫn thấp, chưa nói đến những trục trặc”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu.

Rõ ràng, các tỷ lệ đã hoàn thành trong nhiệm vụ cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ, ngành không phải là mục tiêu cuối cùng trong nỗ lực xây dựng môi trường kinh doanh an toàn cho doanh nghiệp.

Khánh An