|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Chưa thông qua Luật Đất đai sửa đổi tại kỳ họp thứ 6

10:26 | 16/11/2023
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng tình, nhất trí và Quốc hội cũng đồng tình chuyển Luật Đất đai (sửa đổi) sang kỳ họp gần nhất, chưa thông qua tại kỳ họp này.

Sáng 16/11, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý và phương án thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trình bày báo cáo về một số nội dung lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết trên cơ sở 49 ý kiến của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thường trực Uỷ ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiếp tục nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật.

Trong đó có 4 nội dung có một phương án và 22 nội dung có hai phương án còn chưa thống nhất . Tổng hợp ý kiến ĐBQH cho thấy, có 04/26 nội dung ý kiến ĐBQH tương đối tập trung; 15/26 nội dung có ít ý kiến ĐBQH tham gia, chưa rõ xu hướng ý kiến, ý kiến tham gia còn phân tán, chưa thống nhất; 07/26 nội dung không có ý kiến ĐBQH tham gia. 

Điều hành phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay dự thảo Luật Đất đai sửa đổi còn một số nội dung có hai phương án, Ủy ban Kinh tế đến nay vẫn chưa trình quan điểm, vẫn xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với các nội dung còn khác nhau, ông đề nghị Ủy ban Kinh tế, cơ quan soạn thảo, các cơ quan cần tập trung lập luận các ưu điểm, nhược điểm để làm sáng tỏ các quan điểm, đề xuất lựa chọn phương án.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ "Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đồng tình, nhất trí và Quốc hội cũng đồng tình chuyển sang kỳ họp gần nhất, chưa thông qua tại kỳ họp này (dự kiến vào ngày 29/11)".

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong số 22 nội dung còn ý kiến khác nhau có  6 nội dung đầu đã cơ bản đạt được sự đồng thuận, đến nay vấn đề là biên tập.

Một là đối với điều kiện đối với cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa khoản 7 Điều 45 đưa ra 3 phương án thì hầu hết đều chọn phương án 3, tức là trường hợp quá hạn mức thì phải thành lập Tổ chức kinh tế.

Hai là, đối với các nội dung về chỉ tiêu sử dụng đất được xác định trong nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện Điều 65 và Điều 66. 

Ba là, về cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về Đất đai không thuộc trường hợp giao đất trái thẩm quyền ở khoản 3 Điều 139. 

Bốn là về tiền thuê đất trả tiền đất hàng năm Khoản 3 Điều 154 tức là có thay đổi theo từng năm nhưng có kiểm soát theo chu kỳ là 5 năm, chu kỳ sau thì lấy bảng giá đất của năm đầu tiên nếu mà điều chỉnh thì là Chính phủ quy định chi tiết.

Năm là, về hoạt động lấn biển Điều 191 thì cơ bản là cũng thống nhất giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

Sáu là, về giải quyết trong trường hợp chưa thống nhất về địa giới, đơn vị hành chính, Điều 14, Điều 49 và Điều 254

Hạ An

Vì sao Mỹ chật vật với lạm phát hơn châu Âu?
Lạm phát có thể đã giảm mạnh từ các mức cao nhất hàng chục năm qua ở cả hai bờ Đại Tây Dương, nhưng tiến triển ở Mỹ đã chững lại, khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hiện được dự đoán sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất chậm hơn nhiều so với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).