|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chưa thống nhất giữ hay giải tỏa các khu dân cư trong quy hoạch sông Hồng

20:22 | 08/01/2022
Chia sẻ
Mặc dù theo hạn chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022 sẽ phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng nhưng đến nay các Bộ liên quan và UBND TP Hà Nội vẫn chưa thống nhất về việc giữ hay giải tỏa các khu dân cư trong phạm vi quy hoạch.

Mới đây, Bộ Xây dựng vừa có trả lời kiến nghị cử tri gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV liên quan đến quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và sông Đuống.

Theo đó, phía Bộ Xây dựng cho biết sẽ cùng với UBND TP Hà Nội chỉ đạo thực hiện nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ các nội dung liên quan đến việc bổ sung các khu dân cư hiện có ở bãi sông vào danh mục giữ lại, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và việc xây dựng, phát triển đô thị tại một số bãi sông; hoàn thiện đồ án quy hoạch trước khi phê duyệt theo thẩm quyền.

Trước đó, hồi tháng 7/2021, phía Bộ NN&PTNT có văn bản gửi UBND TP Hà Nội cho ý kiến về quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng. 

Đáng chú ý, Bộ đề nghị di dời hai khu dân cư Bắc Cầu và Bồ Đề, do vị trí sát bờ sông, thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn, khi có lũ cần phải di dời. 

Sắp đến hẹn phê duyệt, vẫn chưa thống nhất giữ hay giải tỏa các khu dân cư trong quy hoạch sông Hồng? - Ảnh 1.

Khu vực dân cư Bồ Đề. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Bộ cũng thống nhất với đề nghị của TP Hà Nội về việc giữ lại khu vực dân cư Kim Lan - Văn Đức thuộc khu vực bãi sông Xuân Quan, Phụng Công, thị trấn Văn Giang (phía trong thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên, phía ngoài thuộc địa bàn TP Hà Nội).

Đối với đề nghị bổ sung danh mục (giữ lại, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết) các khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Bộ NN&PTNT cho rằng, việc bổ sung các khu dân cư hiện có nêu trên vào danh mục các khu vực dân cư tập trung như đề nghị của TP Hà Nội là cần thiết và phù hợp.

Trước đó, vào cuối tháng 6, nhằm đẩy nhanh tiến độ quy hoạch phân khu sông Hồng, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT về việc xem xét, cho ý kiến đối với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, trong đó có đề nghị không di dời các khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề.

26 khu dân cư giữ nguyên, 5 khu vực cần di dời 

Theo Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257 ngày 18/02/2016, có 5 khu vực dân cư thuộc phạm vi quy hoạch phân khu sông Hồng cần di dời.

Cụ thể là KDC Võng La - Hải Bối (huyện Đông Anh, 103 hộ dân); KDC Đông Ngạc - Nhật Tảo (quận Từ Liêm, Tây Hồ, 229 hộ); KDC Bắc Cầu (quận Long Biên, 757 hộ); KDC Bồ Đề (quận Long Biên, 38 hộ); KDC Bát Tràng (huyện Gia Lâm, 105 hộ).

Ngoài ra, trong danh mục các khu vực dân cư tập trung hiện có trên bãi sông theo quy hoạch trên có 26 khu vực dân cư hiện có tại 14 bãi sông trong diện giữ nguyên.

Đó là khu dân cư: Thượng Cát - Liên Mạc (1 KDC, 6.830 dân); Nhật Tân - Tứ Liên (1 KDC, 151.443 dân); Hoàng Mai (3 KDC, 10.698 dân); Thanh Trì 1 (2 KDC, 5.656 dân); Thanh Trì 2 (1 KDC, 11.267 dân); Hồng Hà (2 KDC, 1.700 hộ dân); Hồng Long (1 KDC, 3.600 hộ dân); Tráng Việt (1 KDC, 1.137 dân); Tầm Xá (2 KDC, 1.800 dân); Ngọc Thụy (2 KDC, 8.100 dân); Long Biên - Cự Khối (5 KDC; 2.160 dân); Đông Dư - Bát Tràng (1 KDC; 9.860 dân); Xuân Quan, Phụng Công (3 KDC, 8.500 dân); Thắng Lợi, Mễ Sở (1 KDC; 3.400 dân).

Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết dự kiến vào nửa đầu tháng 1/2022, thành phố sẽ có đủ cơ sở để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống.

Đầu năm 2022, TP Hà Nội đã cơ bản hoàn thành 66/68 đồ án quy hoạch chung. Thành phố cũng đang chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp thu ý kiến của Bộ Xây dựng, bảo đảm đúng quy trình, quy định; phấn đấu trình, phê duyệt hai đồ án trong quý I/2022.

Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng có quy mô diện tích khoảng 11.000 ha, kéo dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.

Quy hoạch nằm trên địa giới hành chính 55 phường, xã và 13 quận, huyện của Hà Nội, gồm: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên và Gia Lâm.

Phạm vi quy hoạch phía Bắc đến đê tả ngạn và phía Nam đến đê hữu ngạn sông Hồng, chiều dài khoảng 40 km. Trong tổng diện tích nghiên cứu khoảng 11.000 ha, sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông trên 5.400 ha (50%), phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm các khu làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê như Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá...

Dân số liên quan đến quy hoạch từ 280.000 đến 320.000 người.

Nhật Minh

Đại biểu đề nghị lùi thời gian tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu thêm một năm
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cho rằng nên ban hành Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt vào năm tới nhưng thời gian áp dụng thì lùi lại một năm để cả người tiêu dùng và doanh nghiệp có thời gian chuyển đổi hành vi, chuyển đổi sản xuất.