Chưa minh bạch các nhà băng 0 đồng
Không có báo cáo tài chính
Cho đến nay chi tiết về việc mua lại và cách thức tái cơ cấu để vực dậy 3 NH này không được công bố. Chỉ biết trước khi bị mua lại với giá 0 đồng, CB có số lỗ lũy kế hơn 18.000 tỷ đồng, GP Bank có số lỗ lũy kế hơn 12.000 tỷ đồng, OceanBank cũng bị âm vốn điều lệ và tự thân không thể bù đắp nổi để có được một mức trên 0 đồng. Nhiều ý kiến cho rằng việc NHNN mua lại 3 NH 0 đồng đã ảnh hưởng đến tổng tài sản của khối NHTM có vốn nhà nước. Theo dữ liệu của NHNN, tính đến cuối tháng 2-2016 tổng tài sản của khối này đã giảm 0,13%, xuống gần 3,3 triệu tỷ đồng, hay NHNN đã phải bơm vào 45.000 tỷ đồng cho 3 NH 0 đồng.
Cuối năm 2015, có thông tin cho biết 3 NH này đều đã có chuyển biến, nợ xấu, tài sản không sinh lời bước đầu được xử lý và thu hồi, tiền gửi mới được gia tăng, tình trạng khách hàng rút tiền hàng loạt chấm dứt, có dư lượng lớn thanh khoản và NHNN bắt đầu nới lỏng kiểm soát. Tuy nhiên, các NH này không trực tiếp lên tiếng về những thông tin này và không công bố báo cáo tài chính. 3 trong số 4 NH nằm trong diện kiểm soát đặc biệt của NHNN giai đoạn 2014-2015 đã được mua lại với giá 0 đồng, hiện chỉ còn lại DongABank. Cũng từ thời điểm rơi vào kiểm soát đặc biệt, DongABank cũng không công bố báo cáo tài chính, thông tin tài chính của NH này chỉ dừng lại tại năm 2014. Năm 2015, ĐHCĐ của nhà băng này được tổ chức vào tháng 7, khá muộn so với các NH và năm 2016 chưa tổ chức ĐHCĐ.
Đối với việc công bố thông tin, đầu năm 2015 NHNN đã ban hành Quyết định 02/VBHN-NHNN về chế độ báo cáo tài chính đối với TCTD. Theo đó, TCTD phải gửi báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán kèm theo kết quả của tổ chức kiểm toán độc lập chậm nhất 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính của TCTD, phải công khai báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán. Các TCTD mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và TCTD là tổ chức niêm yết, công ty đại chúng có quy mô lớn phải công khai báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ.
Tuy nhiên, việc các NH nói trên không công bố báo cáo tài chính dường như không được chú ý cho đến khi Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch-Đầu tư) công bố danh sách các DN chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định tại Nghị định 81/2015/NĐ-CP về công bố thông tin của DNNN vào giữa tháng 9-2016, trong đó có tên của 3 NH 0 đồng. Sau khi danh sách này được công bố, trong vài ngày gần đây, hàng loạt DN đã rục rịch công bố báo cáo tài chính nhưng cũng không có các NH này. Trong Quyết định 02 có quy định nếu vi phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo các quy định hiện hành của pháp luật, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào bị xử phạt.
Cần sớm minh bạch
Trong buổi công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2015 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2014 hồi tháng 8, ông Nguyễn Thanh Sơn, Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước, cho biết hiện nay năng lực tài chính của những NH 0 đồng còn rất yếu kém, lỗ âm vốn chủ sở hữu, trong khi đó nguồn lực tài chính cho các NH này vẫn là vấn đề rất nan giải. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc nhở phải tiếp tục giám sát, theo dõi chặt chẽ hoạt động của các NH được NHNN mua lại bắt buộc và các TCTD yếu kém khác. Điều này cho thấy hoạt động của các NH 0 đồng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn.
NH là một lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến tất cả các ngành và mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, nên so với các lĩnh vực khác, thông tin về hoạt động của các NH luôn được chú trọng nhiều hơn. Hiện vẫn có khá nhiều NH yếu kém gặp khó khăn trong hoạt động, hay các NH sau sáp nhập cũng tồn tại nhiều vấn đề, nhưng hầu hết vẫn công bố báo cáo tài chính đúng hạn. Chưa bàn đến chất lượng báo cáo tài chính, nhưng một khi chấp hành đúng quy định về công bố báo cáo tài chính, các NH cũng đã phải đối mặt với sự va đập thông tin, với nhiều luồng dư luận khác nhau. Trong khi đó, 3 NH 0 đồng không công bố báo cáo tài chính lâu nay đã tránh được rất nhiều bình luận, phân tích của nhà đầu tư và khách hàng. Song ngược lại, các NH không minh bạch thông tin đã dẫn đến sự hoài nghi và không loại trừ cả cái nhìn thiếu tích cực về hoạt động của họ.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, một trong những yêu cầu của tái cơ cấu giai đoạn mới là xử lý dứt điểm những NH đã được NHNN mua lại với giá 0 đồng. NHNN mua lại NH 0 đồng để đảm bảo chi trả tiền gửi, ngăn ngừa sự lây lan các yếu kém sang các TCTD khác, tuy nhiên đây cũng là một tổn thất tài chính lớn, không nên kéo dài. Giải pháp xử lý là sáp nhập hoặc bán lại cho NH trong nước hoặc nước ngoài theo nguyên tắc thị trường. Nhiều ý kiến đã đồng tình với đề xuất này nhưng cũng nhắc nhở, các NH 0 đồng muốn có những cái bắt tay mới với đối tác lớn mạnh để tái cơ cấu triệt để trước hết cần phải tuân theo nguyên lý thị trường, cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, công khai.
Theo Yên Lam
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/