|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Chưa lên quận, hàng loạt 'siêu' đô thị ở Hoài Đức đua nhau điều chỉnh

11:33 | 31/10/2018
Chia sẻ
Hà Nội vừa ký các quyết định phê duyệt điều chỉnh các dự án "siêu đô thị" bỏ hoang cả thập kỷ ở huyện Hoài Đức. Có trường hợp sau điều chỉnh, thì dự án sẽ không còn phần chung cư mà thay vào đó là nhà thấp tầng.

Đô thị 30ha "xóa" chung cư sau điều chỉnh quy hoạch

Đầu tiên phải kể đến Dự án Khu đô thị Hà Đô Dragon City (tên thương mại cũ là Khu đô thị An Khánh – An Thượng) nằm trên trục Đại lộ Thăng Long, thuộc địa bàn 2 xã An Thượng và Song Phương huyện Hoài Đức do Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư vừa được điều chỉnh quy hoạch sau bao năm nằm "đắp chiếu".

chua len quan hang loat sieu do thi o hoai duc dua nhau dieu chinh
Dự án Khu đô thị Hà Đô Dragon City (huyện Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô làm chủ đầu tư sau 10 năm khởi công mới chỉ xuất hiện một số căn nhà thấp tầng, còn lại vẫn chỉ là bãi đất trống quây tôn, cỏ dại mọc um tùm.

Được biết, dự án Hà Đô Dragon có diện tích hơn 30 ha, quy mô dân số khoảng 10.084 người; gồm 493 căn biệt thự đơn lập, song lập và liền kề với mật độ xây dựng chỉ 16%.... Dự án này vốn được Hà Đô khởi công xây dựng từ năm 2008 (thời điểm mới mở rộng Thủ đô, thị trường bất động sản đang sôi động nhất và giá nhà đất đang ở đỉnh sóng – PV) với tổng mức đầu tư khoảng 6.500 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2017.

Theo quảng cáo của chủ đầu tư, các căn biệt thự, nhà liền kề tại Hà Đô Dragon sẽ có diện tích đất từ 200 – 500m2 cùng hệ thống hạ tầng đồng bộ như trường học quốc tế, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí và chăm sóc sức khỏe…

chua len quan hang loat sieu do thi o hoai duc dua nhau dieu chinh
Sau điều chỉnh quy hoạch thì Dự án Hà Đô Dragon City sẽ bỏ chung cư cao tầng mà thay vào đó sẽ là khoảng 200-300 căn nhà ở thấp tầng, biệt thự liền kề mọc lên.

Thế nhưng, đã 10 năm kể từ khi dự án được khởi công, từng được đặt nhiều kỳ vọng về một khu đô thị kiểu mẫu và sẽ trở thành một trong những nơi đáng sống nhất khu vực phía Tây Hà Nội vẫn chưa thấy đâu mà vẫn chỉ là bãi đất trống quây tôn, cỏ dại mọc um tùm.

Điều đáng nói, Dự án Hà Đô Dragon City lại vừa được Hà Nội chấp thuận điều chỉnh quy hoạch. Theo đó, sau điều chỉnh quy hoạch thì dự án sẽ không còn 1 tòa chung cư nào, mà thay vào đó sẽ là toàn bộ các căn nhà ở thấp tầng, biệt thự liền kề với số lượng tăng thêm.

Đến "siêu" đô thị phình to sau thập kỷ “trồng cỏ”

Tiếp đến là "siêu" đô thị Kim Chung – Di Trạch thuộc địa bàn huyện Hoài Đức nằm “đắp chiếu”, bỏ hoang gần chục năm cũng vừa được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh chi tiết tỷ lệ 1/500 nâng tổng diện tích quy hoạch lên khoảng 146,7ha (tăng gần 10ha so với quy hoạch được duyệt trước đó), với quy mô dân số khoảng 23.500 người.

Theo đó, khu vực nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch có diện tích khoảng 146,7 ha gồm phần diện tích gần 138,2 ha đất được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) thu hồi, giao Tổng Công ty cổ phần Thương mại xây dựng (Vietracimex) thực hiện đầu tư và phần đất khoảng 8,6ha mở rộng ranh giới đến hết ô đất xây dựng trường học và đến chỉ giới đường đỏ đường Quốc lộ 32, Vành đai 3,5 theo quy hoạch, khớp nối hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội khu vực.

chua len quan hang loat sieu do thi o hoai duc dua nhau dieu chinh
Khu đô thị Kim Chung – Di Trạch (huyện Hoài Đức, Hà Nội) nằm “đắp chiếu”, bỏ hoang gần chục năm nay bỗng dưng "phình to" sau khi được Hà Nội phê duyệt điều chỉnh.

Dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch do Tổng Công ty Cổ phần Thương mại và xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008, dự án từng được kỳ vọng sẽ là một khu đô thị hoành tráng phía Tây Hà Nội, dựa trên ý tưởng tạo dựng một “trái tim đô thị” chất lượng cao, tiện nghi, thân thiện với môi trường, một trung tâm thương mại, biệt thự liền kề, nhà hát, căn hộ cho thuê, bệnh viện, trường học… đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn Việt Nam và Quốc tế.

Được biết, Dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch là một trong 3 dự án tại huyện Hoài Đức bỏ hoang nhiều năm mới bị đoàn giám sát của Hà Nội đề nghị tiến hành thanh tra, kiểm tra.

"Sang tên, đổi họ" nhà đầu tư trước ngày lên quận

Không chỉ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tăng diện tích, bỏ chung cư thay nhà thấp tầng tại các khu đô thị “chết lâm sàng”, mới đây ngày 25/10, UBND thành phố Hà Nội có quyết định giao Công ty TNHH Đầu tư Phát triên LNP (Công ty LNP) tổ chức lập quy hoạch chi tiết Khu đô thị Dầu khí Đức Giang, tỷ lệ 1/500 tại xã Đức Giang và thị trấn Trạm Trôi, huyện Hoài Đức mà trước đấy Công ty CP bất động sản tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC Land) đã được giao lập quy hoạch.

chua len quan hang loat sieu do thi o hoai duc dua nhau dieu chinh
Hà Nội duyệt giảm gần 8.000 người tại 'siêu' đô thị Dầu khí Đức Giang do Công ty PVFC Land lập trước đó.

Theo quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 được UBND tỉnh Hà Tây (trước đây) phê duyệt tại Quyết định số 2029/QĐ-UBND ngày 4/7/2008, quy mô diện tích Khu đô thị Dầu khí Đức Giang có diện tích khoảng 78,26ha với quy mô dân số khoảng 12.600 người. Còn theo quy hoạch vừa duyệt, quy mô dân số giảm xuống chỉ khoảng 5.000 người (giảm gần 8.000 người - PV).

Được biết, trước đây UBND Thành phố Hà Nội có văn bản chấp thuận về nguyên tắc đề nghị của Công ty CP bất động sản tài chính dầu khí Việt Nam (PVFC Land) về việc tiếp tục lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và khớp nối với quy hoạch phân khu của thành phố Hà Nội của dự án Khu đô thị dầu khí Đức Giang tại xã Đức Giang, huyện Hoài Đức.

Ngày 15/10/2010, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản số 164/BC –UBND báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả rà soát và đề xuất phương án xử lý các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư (giai đoạn 2) trên địa bàn. Theo đó, Dự án Khu đô thị Dầu khí Đức Giang do PVFC Land làm chủ đầu tư nằm trong danh sách những dự án được Hà Nội báo cáo.

Việc xuất hiện cái tên mới là Công ty LNP đang được dư luận đồn đoán về sự "sang tên, đổi họ" của nhà đầu tư trước đấy là PVFC Land. Bởi trong những năm qua, nhiều dự án BĐS "mang họ" dầu khí đã đổi chủ có thể kể tới như Diamond Tower, Hanoi Times Tower...

Thời gian qua, các doanh nghiệp này cũng tìm cách "sang tên, đổi họ" chuyển nhượng cho các nhà đầu tư khác. Trong đó, phải kể đến Công ty CP Dầu khí Đông Đô, quỹ đất của công ty này phần lớn nằm ở các thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM và được biết, Dầu khí Đông Đô xúc tiến muốn thoái vốn khỏi các dự án này.

Thanh tra đột xuất về đất đai ở Hoài Đức

Vừa qua Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có ý kiến chỉ đạo giao các cơ quan liên quan thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai và cấp sổ đỏ trên địa bàn huyện Hoài Đức, kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I/2019.

Trước đó, Thanh tra Bộ xây dựng đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc quản lý đất đai của huyện này. Trong đó, công tác thuyết minh một số đồ án quy hoạch chưa cụ thể chức năng sử dụng đất, chưa có đề xuất tổ chức không gian và một số nội dung như điều chỉnh quy hoạch tổng thể mặt bằng 1/500 khu đất dịch vụ (khu 3+4) cụm công nghiệp xã An Khánh, đồ án điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 khu đất dịch vụ (khu lô 1, khu lô 2) xã An Khánh, đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đất dịch vụ xã An Thượng…

Một số đồ án chưa lập phê duyệt thiết kế đô thị theo quy hoạch như đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 đất dịch vụ Khu Chéo đường tàu xã La Phù, đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 đất dịch vụ xã Di Trạch… Nhiều sai phạm khác cũng được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ trong công tác cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Huyện Hoài Đức cũng là nơi tập trung nhiều dự án chậm triển khai. Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, toàn thành phố có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai. Trong đó, Hoài Đức có nhiều dự án chậm triển khai nhất với 51 dự án.

Xem thêm

Đình Phong - Ninh Phan