'Chưa đủ điều kiện để Luật hoá Nghị định 163 vào Luật chứng khoán'
Tại phiên họp thứ 36, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, theo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho Ủy ban Kinh tế cùng các cơ quan chức năng luật hóa tối đa Nghị định 163/2018/NĐ-CP ngày 04/12/2018 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế sau khi rà soát lại thấy nổi lên một số vấn đề mà nếu luật hoá thì có thể gặp một số khó khăn.
Thứ nhất, cùng một doanh nghiệp mà không phải là công ty đại chúng thì thực hiện nhiệm vụ huy động vốn được quy định ở 2 luật khác nhau. Đối với cổ phiếu thì theo Luật Doanh nghiệp, trái phiếu thì Luật Chứng khoán thì có thể gặp những mâu thuẫn, xung đột.
Thứ hai là Luật Doanh nghiệp đã có những quy định liên quan đến việc bán trái phiếu riêng lẻ, cho nên cũng không cần thiết phải quy định ở Luật Chứng khoán.
Thứ ba là Nghị định 163/2018 mới thi hành được 8 tháng cũng chưa đánh giá được tác động, nếu đưa vào Luật Chứng khoán lần này thì có thể có hệ lụy. Vừa qua có nhiều ý kiến cho rằng như vậy Nghị định 163/2018 cũng mở ra tương đối rộng cho nên việc bán trái phiếu doanh nghiệp cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu hút vốn, nhưng tính rủi ro lại rất cao.
Vừa qua có nhiều ý kiến cho rằng như vậy Nghị định 163/2018 cũng mở ra tương đối rộng cho nên việc bán trái phiếu doanh nghiệp cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu hút vốn, nhưng tính rủi ro lại rất cao.
Do đó Ủy ban Kinh tế đề nghị Luật Chứng khoán điều chỉnh đối với phát hành chứng khoán của công ty đại chúng và Luật Doanh nghiệp điều chỉnh phát hành chứng khoán (trong đó có trái phiếu riêng lẻ) của doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng.
Các nội dung về phát hành trái phiếu riêng lẻ đối với doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng tại Nghị định số 163/2018/NĐ-CP sẽ được luật hóa trong Luật Doanh nghiệp, bảo đảm tính thống nhất và phân định rõ ràng phạm vi điều chỉnh của 02 Luật đối với 02 loại hình là công ty đại chúng và doanh nghiệp không phải là công ty đại chúng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng điều này thể hiện sự thận trọng của Ủy ban Kinh tế và hoàn toàn là hợp lý.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng nêu rõ, quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp luật hoá tối đa Nghị định 163/2018 nhưng không có nghĩa là bê toàn bộ Nghị định 163/2018 đặt vào luật này; đồng thời cũng phải xác định nếu đưa những vấn đề mới vào thì cần phải có đánh giá tác động.
Bởi khi cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng nếu không có quản lý tốt, để doanh nghiệp phát hành tràn lan không kiểm soát được thì Uỷ ban Chứng khoán không đủ sức để quản lý, không chỉ cổ phiếu mà còn trái phiếu, thậm chí cả trái phiếu quốc tế. Điều này có có thể ảnh hưởng đến tài chính của quốc gia cũng như ảnh hưởng đến vốn của nhà đầu tư, quyền lợi của nhà đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng lại cho rằng trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng là hàng hoá trên thị trường chứng khoán. Đây là nội dung thuộc nhóm chính sách thứ nhất trong đề xuất xây dựng luật.
"Việc quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng tại Luật Chứng khoán là phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo đó nhiều nước quy định cụ thể về phát hành trái phiếu riêng lẻ như là điều kiện, hồ sơ, quy trình, thủ tục tại Luật Chứng khoán tương tự như đối với các loại chứng khoán khác do việc phát hành trái phiếu riêng lẻ là hình thức vay và tự trả, tự chịu trách nhiệm, doanh nghiệp phát hành tuân thủ các điều kiện phát hành, công bố thông tin đầy đủ cho nhà đầu tư để bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư", Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc quy định trong luật này phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các quy định pháp luật hiện hành về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Mặt khác, việc đưa phát hành trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng sang Luật Doanh nghiệp cũng không thực sự phù hợp, vì Luật Doanh nghiệp không thể quy định về điều kiện, hồ sơ, thủ tục phát hành, công bố thông tin, quản lý, giám sát sau khi phát hành để bảo vệ các nhà đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc Luật hoá quy định về phát hành trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng vào Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ tạo khung khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho các doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu và cho công tác quản lý, giám sát đối với các tổ chức tham gia hoạt động trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Theo quy định của Nghị định số 163/2018/NĐ-CP thì nghị định quy định về việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Nghị định không điều chỉnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng theo quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn.
Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng nếu đưa nội dung của Nghị định 163 vào Luật sẽ phải báo cáo Quốc hội theo một quy trình bổ sung nội dung mới, như vậy phải có báo cáo đánh giá tác động, phải có tổng kết thi hành trong khi Nghị định này mới ban hành giữa năm ngoái.
Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị nghiên cứu, nếu chưa chín muồi thì nên để ở văn bản dưới luật sẽ xử lý được linh hoạt trong thực tiễn hơn.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, sự thận trọng này là cần thiết và cho biết sau này quá trình điều hành thực hiện Nghị định 163 sẽ có thêm đánh giá khi đó nếu cần thiết khi thảo luận Luật Doanh nghiệp sẽ có nguyên tắc hoặc tính toán thêm về bổ sung nội dung.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng Luật hoá Nghị định 163 là Luật hoá những gì nó phù hợp, đã được chứng minh trong thực tế, không có nghĩa là bê nguyên vào Luật này.
Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý trường hợp nếu quy định trong Luật này cho phép các doanh nghiệp bất động sản chào bán trái phiếu ra quốc tế rất đáng lo ngại, bởi liên quan đến vấn đề kiểm soát, ai kiểm soát và kiểm soát như thế nào?
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy chưa đủ điều kiện để Luật hoá Nghị định 163/2018 vào Luật mà cần phải cân nhắc thêm, nếu có xem xét thì xem xét ở Luật Doanh nghiệp.
Nghị định số 163 quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thay thế Nghị định số 90 trước đây, do Chính phủ vừa ban hành vào đầu tháng 12/2018. Nghị định 163 được cho là đã "cởi trói" cho doanh nghiệp bằng việc nới lỏng các điều kiện phát hành trái phiếu.
Nghị định 90 trước đây đã bắt buộc các doanh nghiệp phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành thì mới được phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Quy định này rất chặt chẽ, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp đang thực hiện các dự án đầu tư không thể phát hành được trái phiếu để huy động vốn.
Nghị định 163 ra đời đã bãi bỏ điều kiện doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có lãi năm liền kề trước năm phát hành, đồng thời quy định cụ thể về điều kiện để doanh nghiệp có thể phát hành trái phiếu thành nhiều đợt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn đầu tư.
Một mặt, Nghị định 163 đã nới lỏng một số điều kiện về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Song, Nghị định mới cũng đưa ra những quy định siết chặt hơn về việc công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Cụ thể, Nghị định 163 quy định cụ thể về trách nhiệm và nội dung công bố thông tin của doanh nghiệp phát hành cho nhà đầu tư và sở giao dịch chứng khoán, bao gồm công bố thông tin trước khi phát hành, công bố thông tin về kết quả phát hành, công bố thông tin định kỳ và công bố thông tin bất thường.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội HNX là nơi tiếp nhận và công bố thông tin của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu hiện nay. Hiện các doanh nghiệp đang công bố thông tin về kết quả phát hành và tình hình thanh toán lãi. Dự kiến trong thời gian tới, các doanh nghiệp phải công bố thêm tình hình sử dụng vốn, tiến độ giải ngân và báo cáo tài chính 6 thàng và 1 năm.
Theo các chuyên gia, việc quy định rõ các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải công bố thông tin một cách công khai cũng sẽ giúp các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, cơ quan quản lý và công chúng có thể tiếp cận, giám sát hoạt động của doanh nghiệp một cách đầy đủ sẽ giúp thị trường minh bạch hơn.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/